Xây dựng các phương án sản xuất, cung ứng nông sản đến quý I/2022

16:07 | 30/08/2021 Print
Dịch Covid-19 đang khiến giá một số mặt hàng nông sản giảm, tồn đọng khối lượng lớn, đặc biệt là nông sản xuất khẩu. Tổ công tác 3430 đã giao các đơn vị tính toán kỹ cung cầu, xây dựng các phương án cụ thể để ứng phó trong các tình huống có thể xảy ra đến quý I/2022.

Bộ NN&PTNT

Sản xuất, thu hoạch chuối ở Sơn La. Ảnh: Khánh Linh

Giá giảm, tiêu thụ khó do dịch Covid-19

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - thuộc Tổ công tác phía Bắc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổ 3430 - NN&PTNT) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn chậm so với thời vụ thu hoạch, kéo theo giá một số mặt hàng nông sản giảm. Giá thu mua các loại nông sản giảm trong khi giá vật tư sản xuất tăng từ 10-40% so với đầu năm 2021 tùy địa phương và đang có xu hướng tiếp tục tăng.

Điển hình, tại Lào Cai, sản lượng rau từ nay tới cuối năm ước đạt 74.360 tấn, thu hoạch tập trung từ tháng 11-12 và tháng 1 năm sau nhưng giá bán rau xanh giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg và tiêu thụ chậm hơn so với mọi năm. Mặt hàng chuối tiêu xanh từ nay đến cuối năm thu hoạch khoảng 17.500 tấn, tập trung từ tháng 9 -11 nhưng hiện tại Trung Quốc dừng nhập khẩu chuối nên sẽ khó khăn trong tiêu thụ. Dự kiến trong tháng 9, địa phương này thu hoạch 2.000 tấn và cần tìm thị trường trong nước để tiêu thụ. Tương tự, Lai Châu cũng đang tồn đọng khoảng 3.000 tấn chuối, sản lượng dự kiến thu hoạch trong tháng tới là 4.000 tấn...

Theo Tổ công tác 3430, nhu cầu cung ứng lương thực, thực phẩm của các tỉnh phía Bắc đều đáp ứng nhu cầu nội tỉnh, cung cấp cho các tỉnh thành khác và xuất khẩu: Hải Phòng sản xuất gần 200.000 tấn, tiêu thụ nội tỉnh gần 40.000 tấn, cung cấp ngoại tỉnh 160.000 tấn; Nam Định sản xuất 55.000 tấn, tiêu thụ nội tỉnh là 44.000 tấn và cung cấp các tỉnh ngoài 11.000 tấn...

Tại Nghệ An đang có khoảng 600.000 con lợn trọng lượng từ 75 kg trở lên. Giá thịt lợn hơi xuống thấp khoảng 55.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ thịt như giò chả, xúc xích… cũng bị ảnh hưởng mạnh...

Ngoài ra, phản ánh từ các hiệp hội ngành hàng tới tổ công tác cũng cho thấy, ngành chăn nuôi nhất là khâu giết mổ, chế biến hoặc sơ chế chịu sự quản lý chặt về điều kiện sản xuất kinh doanh, gây tắc nghẽn hoạt động này...

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu nông sản

Theo Tổ công tác 3430, đã có 23/31 địa phương phía Bắc cử đầu mối phối hợp với tổ công tác và cung cấp danh sách 2.093 đầu mối cung ứng nông sản nhập vào cơ sở dữ liệu của tổ công tác. Cụ thể, lúa gạo 181 đầu mối; rau củ quả 436; thịt, trứng gia cầm 505; thủy hải sản 819; sản phẩm chế biến đông lạnh 97; thực phẩm tổng hợp 55 đầu mối.

Tổ công tác đã phối hợp với Hội đồng Khoa học Hợp tác xã Nông nghiệp số hoàn thiện xây dựng khung Hệ thống điều hành cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản khu vực phía Bắc. Hiện tổ công tác đang cập nhật dữ liệu từ các địa phương gửi về và sẽ triển khai biểu diễn mô hình thí điểm trên cơ sở số liệu tháng 8.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến - Tổ trưởng Tổ công tác 3430 giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với các chuyên gia của Hội đồng Khoa học Hợp tác xã Nông nghiệp số hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản phía Bắc, trình tổ trưởng tổ công tác phê duyệt trước ngày 10/9/2021, để có cơ sở đi vào hoạt động.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các đơn vị khối sản xuất như Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi cập nhật số liệu, phối hợp với Trung tâm Tin học Thống kê xây dựng kế hoạch sản xuất, ước sản lượng phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu từ nay tới hết quý I/2022. Theo đó, tính toán kỹ tổng cung, tổng cầu, xây dựng các phương án cụ thể để đối phó trong các tình huống có thể xảy ra, đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại các địa phương nơi có hoạt động của doanh nghiệp.

Do việc vận chuyển, lưu thông ra vào trong nội tỉnh và giữa các tỉnh, thành khó khăn nên giá các loại vật tư đầu vào phục vụ nông, lâm, thủy sản tăng cao: Phân bón tăng từ 20-50% so với cùng kỳ năm 2020, thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng khoảng 30% so với đầu năm 2021 và có xu hướng tiếp tục tăng do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng, thức ăn thủy sản tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái do giá nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài tăng...

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam