Bài 5: Cơ cấu lại ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng, chống dịch thành công

16:03 | 01/09/2021 Print
(TBTCO) - Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra, ngành Tài chính trong hơn 7 tháng qua đã đảm bảo giữ vững các cân đối tài chính - ngân sách.
Nguồn: Ban quản lý Quỹ    Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Ban quản lý Quỹ Đồ họa: Hồng Vân
Bài 4: “Chính sách tài khóa giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”

Từ nay đến cuối năm, thời gian không nhiều trong khi thách thức lại rất lớn, toàn ngành Tài chính nỗ lực tập trung hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại ngân sách, góp phần vừa chống dịch thành công, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động

Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, trong đó có các địa phương trọng điểm kinh tế, đông dân cư, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống người dân, đã tác động lớn đến tình hình thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN).

Trong bối cảnh đó, toàn ngành Tài chính đã bám sát các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung phấn đấu thực hiện nghiêm, đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN, thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động, việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 7 tháng qua đã đạt kết quả tích cực. Tổng thu NSNN 7 tháng đạt 912,1 nghìn tỷ đồng, bằng 67,9% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Điều đáng chú ý là các địa phương đã chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN. Nhiều địa phương bảo đảm tiến độ dự toán và có tăng trưởng. Thu nội địa 7 tháng đạt 744 nghìn tỷ đồng, bằng 65,6% dự toán, tăng 12,9% so cùng kỳ năm 2020.

Từ tháng 4 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu ngân sách đã giảm so với những tháng đầu năm. Song, nhìn tổng thể kết quả thu nội địa tính chung 7 tháng đạt khá, chủ yếu nhờ đà phục hồi khả quan của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, các chính sách tài khóa, tiền tệ phát huy hiệu quả tích cực.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ở thời điểm này, việc bảo đảm thu ngân sách có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp mang lại những hệ lụy rất lớn, trong đó có việc thực thi nhiệm vụ của ngành Tài chính. Những kết quả đạt được thời gian qua có được là nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực chủ động, sáng tạo của toàn ngành Tài chính; sự phối hợp hỗ trợ của các bộ, ngành và các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách.

“Khoan thư sức dân” vẫn đảm bảo cân đối ngân sách

Trên thực tế các gói hỗ trợ giảm, giãn thuế, phí và lệ phí thời gian qua sẽ tác động đến cân đối ngân sách. Trong năm 2020, gói hỗ trợ lên đến 129 nghìn tỷ đồng; con số này trong năm nay còn nhỉnh hơn là 138 nghìn tỷ đồng.

Có rất nhiều ý kiến đến từ các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, học giả đã chia sẻ với Bộ Tài chính trong quản lý điều hành ngân sách “thời Covid-19”. Bởi vì thu đã khó khăn, nhưng lại phải chi thật nhiều, rất nhiều nhiệm vụ cần chi tiêu trong lúc này cho công tác phòng, chống dịch. Chỉ riêng nhu cầu vắc-xin để tiêm cho dân đã lên tới 25,2 nghìn tỷ đồng.

Có ý kiến cho rằng, nếu chỉ giảm thuế, phí nhưng không tập trung cho việc hỗ trợ, vực dậy DN, các gói hỗ trợ kéo dài sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách, dư địa hạn hẹp nên chúng ta không thể hỗ trợ lâu được.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, đánh giá cao chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và DN. Ông cho rằng, đây chính là “khoan thư sức dân” cho DN và doanh nhân, là sự hỗ trợ thiết thực và quý báu của Chính phủ. Ở một khía cạnh khác, ông cho rằng, việc Nhà nước hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 không nhất thiết phải là giảm thuế, giãn thuế, khoanh nợ cho DN, mà quan trọng nhất là cần rà soát các chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực sự “cởi trói” nhằm kích thích DN phát triển trong bối cảnh đại dịch. Bởi nếu miễn giảm thuế quá nhiều thì NSNN sẽ khó khăn, khi chi cho các hoạt động của bộ máy, cho an sinh xã hội, quốc phòng an ninh đều phải đảm bảo.

Vì cuộc sống, vì sự bình yên của người dân, nhiệm vụ chi chống dịch Covid-19 hiện nay được ưu tiên hàng đầu. Cùng lúc Bộ Tài chính vẫn phải đảm bảo nguồn để chi cho các khoản trong dự toán, chi cho tổ chức bộ máy…, đồng thời phải quyết liệt siết giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm chi tiêu. Nhiều đại biểu Quốc hội đồng thuận trong việc phải “thắt lưng buộc bụng” hơn nữa trong chi tiêu thường xuyên. Các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện dự toán, giảm thu thì phải giảm chi tương ứng, chỉ tăng chi cho an sinh xã hội, chi phòng chống dịch Covid-19, thiên tai bão lũ.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dĩ nhiên, các đề xuất về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí sẽ khiến ngân sách bị ảnh hưởng. Bộ Tài chính đã chủ động lên phương án các kịch bản về điều hành chính sách tài chính trình Chính phủ. Trong đó, kết hợp các giải pháp điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, với chính sách tiền tệ hợp lý, chắc chắn cân đối ngân sách sẽ đảm bảo, bội chi ngân sách giữ được mức Quốc hội quy định.

“Lửa thử vàng” và bài học từ lòng quyết tâm

Thời điểm về giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Tài chính, cũng là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã quyết liệt cùng toàn ngành Tài chính kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra, vừa chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn phải đảm bảo thực hiện cho được các nhiệm vụ tài chính – NSNN đã đề ra.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ cuối năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong nửa năm qua của ngành Tài chính. Theo Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính đã kịp thời đề xuất và ban hành theo thẩm quyền chính sách tài khóa chủ động, tích cực, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, các cân đối NSNN được đảm bảo, giữ vững kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách.

Sáng kiến thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 cũng được Bộ Tài chính triển khai nhanh nhạy, kịp thời, để cùng với nguồn lực từ ngân sách, có thêm nguồn mua vắc-xin tiêm phòng cho khoảng 70% dân số.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc ban hành các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và DN ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. Để đảm bảo cân đối nguồn thu với nhiệm vụ chi, Bộ Tài chính tiếp tục sử dụng linh hoạt chính sách tài khóa, bằng việc triển khai các giải pháp thu như: tập trung thu các lĩnh vực tiềm năng lâu nay chúng ta không thu được nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Đó là thu trên nền tảng số, các sàn thương mại điện tử và triển khai thu các lĩnh vực tiềm năng như thu từ khoáng sản...

Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, chống thất thoát, gian lận thuế; tăng cường công tác chống chuyển giá, tăng cường quản lý thu, chống thất thu NSNN, chống gian lận thương mại, chuyển giá... lành mạnh hóa môi trường sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi ích quốc gia; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

“Đối với chi thường xuyên, ngân sách tập trung giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chưa cấp bách, để dồn kinh phí cho công tác chống dịch hiệu quả nhất” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng lúc gian khó được tôi luyện thì thành quả sẽ càng có ý nghĩa hơn. Toàn ngành Tài chính, từ cán bộ ở cửa khẩu xa xôi đến những địa bàn còn đang thực hiện giãn cách, không quản khó khăn vẫn đang ngày đêm nỗ lực, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để đóng góp vào thành công chung của ngành, của đất nước.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam