Cổ phiếu đầu cơ tiếp tục nóng, VN-Index tăng phiên thứ 4 liên tiếp

16:33 | 01/09/2021 Print
Thị trường tiếp tục xuất hiện nhiều nhịp rung lắc trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ 4 ngày. VN30 đã không thể hiện được sức mạnh cần thiết và đóng cửa giảm điểm.

CK

May mắn là VN-Index vẫn còn vài trụ đủ khỏe và điều quan trọng hơn là các nhà đầu cơ ở nhóm vốn hóa nhỏ vẫn đang có lợi nhuận tốt.

Smallcap-Index tăng 1,49%

Mức tăng của chỉ số smallcap hôm nay là tiêu biểu nhất cho sự phân hóa sức mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. VN-Index tăng rất nhẹ 0,24%, VN30-Index giảm 0,12% còn Midcap tăng 0,24%.

Nhóm cổ phiếu nhỏ phiên này có tới 19 mã kịch trần, 43 mã tăng trên 2% và 24 mã tăng trên 1%. Giá trị khớp lệnh của nhóm tăng từ 1% đến kịch trần này chiếm tới 75% tổng giá trị khớp của cả rổ smallcap. Như vậy tỷ lệ nhà đầu tư có lời hôm nay là khá cao.

Dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào các cổ phiếu smallcap một cách rõ rệt. Thanh khoản của rổ phiên này tiếp tục duy trì xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Như vậy 3 phiên giao dịch của tuần này, smallcap đạt trung bình 3.877 tỷ đồng/phiên trong khi trung bình tuần trước đạt 2.793 tỷ đồng/phiên.

Nếu nhà đầu tư bắt đáy đầu tuần trước thì trong 8 phiên vừa qua, lợi nhuận ở các mã vốn hóa nhỏ là cực tốt. Thống kê sơ bộ cũng có 105 cổ phiếu của rổ smallcap đã tăng hơn 5% trong thời gian này, 52 mã tăng trên 10%, 6 mã tăng trên 20% là VMD, BMC, HU1, TMT, BIC, NTL.

Trong khi đó, đà tăng giá ở các cổ phiếu thuộc nhóm khác cũng khá tốt, nhưng mặt bằng không mạnh như với nhóm smallcap. Thực tế thì càng vốn hóa lớn, khả năng tăng giá càng hạn chế. Nguyên nhân cũng dễ hiểu, vì các mã vốn hóa lớn dần thường có thanh khoản cao hơn, nhiều nhà đầu tư tham gia hơn nên khó kéo giá cũng như quan điểm tranh chấp nhiều hơn.

VN30-Index hôm nay giảm điểm và số cổ phiếu giảm giá cũng nhiều hơn. Nhóm ngân hàng hầu hết là giảm, chỉ có CTG, TPB và BID là tăng nhẹ dưới 1%. MBB, VCB, ACB đứng tham chiếu, còn lại hàng chục mã khác trên cả 3 sàn đều giảm giá. Nhóm giảm trên 1% khá nhiều.

Điều may mắn là dù VN30-Index giảm điểm nhưng mức giảm ở cổ phiếu cũng không quá mạnh. MSN giảm 1,28% là mạnh nhất và cũng chỉ thêm HDB, KDH, PDR là giảm trên 1%. Nhóm trụ quan trọng nhất như HPG giảm 0,2%, SAB giảm 0,87%, MWG giảm 0,72% cũng ít ảnh hưởng. VIC, VCB lại trụ được tham chiếu trong khi VNM tăng nhẹ 0,8%, VHM tăng 0,56% và GVR tăng 3,48%. GVR nâng đỡ VN-Index đáng kể vì mã này vốn hóa khá lớn.

Sóng đầu cơ đến đâu?

Liên tục các phiên tăng giá mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đang tạo sức hấp dẫn khó cưỡng ở các mã này. Nhìn qua chỉ số VNSmallcap, chỉ số này tạo đáy gần nhất ngày 20/7 vừa qua và đến nay đã tăng 25,7%. Trong khi đó VN-Index tăng 7,3%, VN30-Index tăng 3,8%.

Hai tuần cuối tháng 7 – thời điểm khởi đầu sóng của nhóm smallcap – giao dịch ở rổ này bình quân chỉ đạt 1.417 tỷ đồng/phiên. Mức thanh khoản bắt đầu tăng vọt trong vài phiên gần đây, cho thấy sự bùng phát. Điều này không khó lý giải vì lợi nhuận hàng chục phần trăm có tính thuyết phục rất cao.

Thông thường các cổ phiếu đầu cơ có thể tăng rất mạnh, thậm chí ngược xu hướng nhờ dòng tiền nóng hoạt động mạnh. Tăng vài chục phần trăm chưa phải là quá nóng đối với các mã đầu cơ. Tuy vậy lúc này thị trường đang trong giai đoạn chưa rõ đã kết thúc nhịp điều chỉnh ngắn hạn, hay sẽ tiếp tục xu hướng này tới đây. Có quá nhiều cổ phiếu đầu cơ nên dòng tiền khó có thể tập trung được. Ví dụ hôm nay trong 190 cổ phiếu của rổ smallcap thì chỉ có 75 mã đạt thanh khoản trên 10 tỷ đồng. Giao dịch tên 50 tỷ đồng chỉ có 19 mã.

Thanh khoản là hạn chế lớn nhất của các mã đầu cơ. Dòng tiền lớn sẽ không thể giao dịch thoải mái được vì sẽ phải tính đến hiệu ứng giảm giá khi thoát ra. Các mã đầu cơ một khi đã bị rút vốn thì sẽ thiếu lực đỡ nghiêm trọng và rủi ro rất cao.

chứng khoán 1-9

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

20.898 tỷ đồng (-4%)

679,7 triệu (-5%)

2.647 tỷ đồng (-15%)

133,8 triệu (-7%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam