76 năm và những mốc son của ngành Tài chính

13:42 | 01/09/2021 Print
(TBTCVN) - Ngành Tài chính có được như ngày hôm nay là thành quả của quá trình 76 năm phát triển; là sự cống hiến, nỗ lực không ngừng nghỉ của lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành.

Đồ họa: Hồng Vân

Đồ họa: Hồng Vân

Hoàn thiện thể chế tài chính hỗ trợ kinh tế phát triển

Xác định hoàn thiện thể chế tài chính là “kim chỉ nam” để thực hiện các mục tiêu chiến lược, ở thời kỳ nào, Đảng, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đặc biệt quan tâm đến công tác này. Ở thời điểm mới thành lập ngành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ trưởng đầu tiên Phạm Văn Đồng, ngành Tài chính đã xây dựng hệ thống chính sách tài chính vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Thời điểm này, ngành Tài chính tập trung xây dựng và thi hành chính sách tăng thu, giảm chi, thống nhất quản lý thu chi tài chính.

Trong giai đoạn thứ hai (1955 - 1975), ngành Tài chính tập trung xây dựng các lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, tài chính ngân sách, xây dựng cơ bản, ngân hàng kiến thiết, “ba xây ba chống”.

Thời kỳ (1976 - 1985), miền Nam được giải phóng, đất nước hòa bình nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chính sách động viên ngân sách nhà nước (NSNN) thời kỳ này qua hình thức thuế và thu quốc doanh đã được thống nhất dần từng bước, gắn với công cuộc cải tạo XHCN và xây dựng XHCN ở cả hai miền Bắc, Nam. Đồng thời, tăng cường vai trò của tài chính phục vụ nông nghiệp, tạo thuận lợi cho nhiệm vụ cơ bản là tích lũy vốn cho công nghiệp hóa XHCN.

Trong thời kỳ đổi mới (1986 - 2000), ngành Tài chính thực hiện cải cách mạnh mẽ tài chính ngân sách, tài chính doanh nghiệp, đối ngoại và hội nhập quốc tế, công tác tổ chức bộ máy. Ngành đã có bước đột phá trong cải cách hệ thống chính sách thuế; chính sách tài chính khuyến khích đầu tư và kinh doanh của mọi thành phần kinh tế.

Tiên phong trong cải cách phát triển

Bộ Tài chính luôn xác định công tác cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố tháng 6/2021, Bộ Tài chính xếp thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ với 94,84/100 điểm, là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Tài chính năm trong top 3 các bộ, ngành có Chỉ số cải cách hành chính cao nhất.

Về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố vào cuối tháng 4/2021, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng, như vậy, đây là năm thứ 8 liên tiếp (kể từ năm 2013 đến năm 2020) Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Thời kỳ (2000 - 2015), ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Những cải cách quan trọng theo hướng gỡ mọi rào cản về thể chế, huy động hiệu quả các nguồn lực; hình thành đồng bộ các loại hình thị trường tài chính và dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại - tài chính toàn cầu, hợp tác song phương, đa phương.

Giai đoạn (2016 - 2020), việc hoàn thiện thể chế luôn gắn với yêu cầu về cơ cấu lại NSNN và nợ công; đổi mới khu vực sự nghiệp; cải cách thể chế đồng bộ phát triển các thị trường tài chính; đổi mới thể chế về cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy mô hình tăng trưởng; tinh gọn bộ máy…, hướng tới nền tài chính quốc gia an toàn, phát triển.

Tài chính giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành Tài chính luôn nỗ lực vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 2001 - 2010, cùng với những cải cách về thuế, cải cách về chính sách động viên NSNN đã tạo ra nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển. Những nội dung cải cách quan trọng nhất là giảm bớt gánh nặng thuế và phí, tăng ưu đãi thuế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Chi NSNN được cơ cấu lại theo hướng tập trung cho phát triển bền vững, chú trọng nhiều hơn cho đầu tư phát triển con người, đảm bảo an sinh xã hội.

Rõ nét nhất là giai đoạn 10 năm vừa qua, ngành Tài chính đã thực hiện chính sách tài khóa chủ động, tăng cường phối hợp với các chính sách khác để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính sách tài chính trở thành một công cụ quan trọng trong điều hành và quản lý nền kinh tế. NSNN được cơ cấu lại theo hướng đảm bảo sự bền vững, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia. Quy mô thu NSNN được củng cố, cơ cấu thu bền vững hơn; công cụ quản lý thu NSNN ngày càng hiệu quả, khoa học; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại chi NSNN theo hướng ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên; hiệu quả chi NSNN được cải thiện; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Quy mô thu NSNN ngày càng mở rộng. Quy mô thu NSNN giai đoạn 2011 - 2020 cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001 - 2010. Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ theo đúng dự toán được giao; đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, chi NSNN đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi về quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế và xử lý các nhiệm vụ quan trọng phát sinh (khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo...), đồng thời đảm bảo nguồn chi cho an sinh xã hội và chi cho con người.

Đáng chú ý, nhờ cơ cấu lại NSNN, tốc độ gia tăng quy mô nợ công được kiểm soát, đảm bảo an toàn về nợ, an ninh tài chính quốc gia. Các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, thấp hơn giới hạn Quốc hội phê chuẩn. Ước thực hiện đến cuối năm 2020, nợ công ở mức 55,2% GDP, nợ Chính phủ ở mức 49,1% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 47,2% GDP.

Với những kết quả đạt được, ngành Tài chính đã thực sự là một trong những ngành đi tiên phong trong cải cách, đổi mới và hội nhập, khẳng định Tài chính thực sự là huyết mạch của nền kinh tế.

Phát triển nền tài chính quốc gia vì dân giàu, nước mạnh

Ngày thành lập ngành Tài chính đúng vào ngày ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (28/8/1945). 76 năm qua là chặng đường vẻ vang của ngành Tài chính cách mạng. Có thể hình dung những mốc son của ngành Tài chính qua 6 chặng đường lớn, đó là: Tài chính thời kỳ đầu cách mạnh tháng 8/1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); Tài chính thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1955 - 1975); Tài chính từ thống nhất đất nước đến trước đổi mới (1976 - 1985); Tài chính thời kỳ đổi mới (1986 - 2000); Tài chính thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (2001 - 2015); Tài chính thời kỳ đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN và nợ công (2016 - 2020).

Mỗi thời kỳ phát triển đều có mục tiêu ưu tiên riêng phù hợp, song mục tiêu xuyên suốt vẫn là giữ vững và phát triển nền tài chính quốc gia vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, vì sự trường tồn của đất nước. Nếu như ở 3 thời kỳ đầu, vừa chiến đấu vừa dựng xây đất nước trong muôn vàn khó khăn, thì thời kỳ từ năm đổi mới cho đến nay lại ghi dấu ấn của một nền tài chính quốc gia phát triển, hội nhập quốc tế và khẳng định bản lĩnh vững vàng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có “vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế”.

Với bề dày thành tích đã đạt được, ngành Tài chính đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Vĩnh Hà

Vĩnh Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam