Ngành Tài chính: Khát khao cống hiến mang lại những đổi thay cho đất nước

13:29 | 01/09/2021 Print
(TBTCO) - Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2021), đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã dành cho Thời báo Tài chính Việt Nam (TBTCVN) cuộc trả lời phỏng vấn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, với bề dày thành tích và truyền thống đoàn kết, những cố gắng, khát khao cống hiến của các thế hệ ngành Tài chính sẽ mang lại thành quả là những đổi thay của đất nước. Bộ trưởng tin tưởng, dù còn những khó khăn, thách thức phía trước, ngành Tài chính sẽ phát huy truyền thống, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.

TBTCVN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

TBTCVN: Thưa Bộ trưởng, trải qua 76 năm xây dựng và phát triển, nền tài chính quốc gia đã ngày càng vững vàng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Nhân dịp kỷ niệm ngày Truyền thống của ngành, Bộ trưởng có thể nhận định khái quát về những mốc son ngành Tài chính đạt được trong thời gian qua?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trải qua 76 năm xây dựng, từ một nền tài chính kháng chiến đã lớn mạnh thành một nền tài chính trưởng thành về mọi mặt, nhiều năm liền liên tục đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch tài chính quốc gia, góp phần đắc lực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kể từ ngày đầu thành lập đến nay, ngành Tài chính đã trải qua những thời kỳ đầy khó khăn, thách thức nhưng hết sức tự hào. Có nhiều thời điểm rất khó khăn buộc phải vượt lên chính mình, song với truyền thống quý báu, lớp lớp lãnh đạo tài năng, trung thành, tâm huyết, đã cùng với các thế hệ cán bộ ngành Tài chính tạo nên những nét son của ngành trong suốt giai đoạn vừa qua.

Lần giở lại lịch sử của ngành, tôi rất tự hào bởi bắt đầu từ thời điểm gian khó, đến nay ngành Tài chính đã trưởng thành, đi lên cùng đất nước. Chỉ 1 ngày sau Tuyên ngôn Độc lập, kỳ họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời diễn ra và tài chính là một trong những vấn đề cấp bách nhất được bàn thảo. Ngành Tài chính được thành lập đúng vào ngày ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 28/8/1945. Điều hết sức vinh dự là Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng kiêm nhiệm. Ở thời điểm đó, ngân quỹ quốc gia gần như trống rỗng, chỉ còn vẻn vẹn 1.250.000 đồng tiền Đông Dương, mà một nửa trong số đó là tiền rách nát. Bắt đầu với một nền tài chính đất nước có thể nói là khủng hoảng dữ dội như vậy, trải qua bao khúc quanh thăng trầm, chúng ta càng thêm trân trọng những thành quả to lớn đã đạt được.

Nhắc đến những đột phá của ngành, chúng ta phải nhắc đến thời điểm hơn 35 năm đổi mới đến nay. Trong quá trình kiện toàn, Bộ Tài chính trở thành bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với sự quyết tâm, đồng lòng của hàng vạn cán bộ lớn mạnh từ trung ương đến địa phương. Lĩnh vực tài chính có phạm vi rộng, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, do đó, các cơ chế chính sách tài chính có ảnh hưởng lớn đến mọi mặt hoạt động của đất nước. Ngành Tài chính đã chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật tài chính đúng định hướng, bắt kịp xu thế thời đại, bảo đảm nguyên tắc thị trường có sự định hướng xã hội chủ nghĩa.

lễ ra mắt
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ 4 từ phải sang) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (thứ ba từ trái sang) trao chứng nhận và hoa, cảm ơn đại diện các tổ chức, cá nhân ủng hộ vào Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 tại lễ ra mắt Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 ngày 5/6/2021. Ảnh: Dương Giang

Bộ Tài chính đã nhanh chóng hoàn thiện các Chiến lược Tài chính quốc gia, chính sách tài chính doanh nghiệp, tài chính dân cư được hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực để phù hợp với thực tiễn. Ngành Tài chính đã cơ bản hình thành hệ thống khuôn khổ pháp lý khá đồng bộ về quản lý tài chính - NSNN; quản lý nợ công; tài sản công; thị trường giá cả; phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính... theo hướng đổi mới một cách mạnh mẽ và căn bản, góp phần động viên hợp lý các nguồn lực vào ngân sách; đồng thời, tạo cơ sở để Việt Nam hội nhập sâu rộng và thực hiện các cam kết quốc tế. Các thể chế tài chính không ngừng hoàn thiện, tập trung tháo gỡ các rào cản; hình thành môi trường đầu tư thống nhất, công bằng, minh bạch, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế nhờ đó luôn ở mức cao nhiều năm.

Những năm gần đây, thu ngân sách trung ương và địa phương liên tục vượt dự toán, tốc độ tăng cao hơn mức tăng trưởng kinh tế. Tổng số địa phương cân đối được ngân sách ngày càng nhiều đã đóng góp tích cực cho sự bền vững của NSNN, củng cố cho ngân sách trung ương đầu tư tiềm lực cho phát triển. Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngành Tài chính đã cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng chi cho đầu tư phát triển và giảm chi thường xuyên, cơ cấu lại nợ công đảm bảo an toàn bền vững, quản lý chặt chẽ bội chi.

Đóng góp của ngành Tài chính đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ quan trọng khác.

TBTCVN: Thực tế đã chứng minh, chính sách tài khóa chủ động, sáng tạo, linh hoạt được triển khai qua các thời kỳ cho thấy bản lĩnh của những người làm công tác tài chính. Thời điểm Bộ trưởng nhậm chức đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Bộ Tài chính đã chủ động vào cuộc và việc triển khai nhanh nhạy, kịp thời chính sách tài khóa “thời Covid-19” được dư luận đánh giá rất cao. Bộ trưởng có thể chia sẻ về điều này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đây là thời điểm hết sức thử thách của Chính phủ nhiệm kỳ mới. 2021 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII; thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 5 năm, 10 năm tới. Bên cạnh những thuận lợi, nước ta phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp.

Chúng ta phải quyết tâm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, kết hợp với thực hiện hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trước mắt cũng như sau này. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của ngành Tài chính là hết sức nặng nề.

Đến nay, ngành Tài chính luôn giữ thế chủ động, linh hoạt trong thực hiện các chính sách tài khóa ứng phó với dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã sớm tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong đó, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhóm đối tượng yếu thế, người nghèo, người có công với cách mạng... Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ kéo dài các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Mới đây, Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, trong đó đề xuất giảm mạnh từ 30 - 50% nhiều loại thuế cho doanh nghiệp. Những gói hỗ trợ triển khai trong năm 2021 dự kiến khoảng 138 nghìn tỷ đồng, trong năm 2020 là khoảng 129 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính đã chủ động tham mưu trình Chính phủ thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 nhằm huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp của xã hội để cùng với NSNN, mua và nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. Con số huy động vào quỹ tăng lên từng ngày, chứng tỏ đề xuất nhân văn này đã lay động hàng triệu trái tim cùng chung tay chống dịch.

Cùng với các giải pháp tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ngành Tài chính tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN theo nguyên tắc không có một khoản chi nào không có trong dự toán mà ra khỏi kho bạc, đã tiết kiệm rồi yêu cầu tiết kiệm thêm nữa. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là thuế, hải quan, hỗ trợ hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp. Có thể nói, những năm gần đây, ngành Tài chính ngày càng phát huy được vai trò quan trọng là “tay hòm chìa khóa” của nền kinh tế.

TBTCVN: Truyền thống tốt đẹp của ngành Tài chính là luôn có sự nỗ lực, sáng tạo vượt khó vươn lên; luôn đoàn kết, quyết tâm đồng lòng vì mục tiêu chung. Để làm được điều đó, công tác cán bộ được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm. Xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về công tác này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Khi bàn về vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, Bác Hồ nói “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, ngành Tài chính luôn coi trọng công tác phát triển và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Bộ Tài chính quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, với số lượng rất lớn, lên tới hơn 66,8 nghìn cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên cả nước. Trong những năm qua, ngành Tài chính luôn coi trọng công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, đảm bảo yêu cầu quản lý, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ngành Tài chính là một trong những ngành đi đầu trong sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Tính từ thời điểm triển khai (ngày 30/6/2017) đến 30/6/2021, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 4.343 đầu mối đơn vị hành chính. Ngoài ra, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm 9 đơn vị (từ 36 đơn vị xuống còn 27 đơn vị) do sáp nhập, giải thể để giảm 2 đơn vị sự nghiệp thuộc bộ; giải thể 6 đơn vị sự nghiệp thuộc cục thuộc bộ; giải thể 1 đơn vị sự nghiệp cấp tổng cục thuộc bộ.

Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa ngành, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ Tài chính sẽ tiếp tục được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ. Bộ Tài chính tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo trình độ chuyên môn cao, nâng cao chất lượng, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tập trung vào công tác đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để nhân lực ngành Tài chính luôn đạt chất lượng cao, phục vụ sự phát triển của ngành, của đất nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiện toàn, xây dựng chương trình đào tạo mới để cán bộ tài chính không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn đáp ứng về yêu cầu đạo đức công vụ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chấp hành kỷ cương, kỷ luật cũng được đặc biệt chú trọng. Đồng thời, ngành Tài chính có biện pháp xử lý nghiêm những cán bộ công chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.

Tôi tin tưởng rằng, phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính tiếp tục phấn đấu đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao trong giai đoạn phát triển và hội nhập sâu rộng của đất nước.

TBTCVN: Những thành quả thời gian qua chính là điểm tựa, tạo đà cho những bước phát triển mới của ngành Tài chính. Xin Bộ trưởng cho biết một số định hướng lớn của ngành thời gian tới?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội, còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước mắt, chúng ta phải đối mặt với tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, cần phải kiên quyết, kiên trì thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép của Chính phủ vừa phòng, chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế. Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính là phải triển khai đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đảm bảo các cân đối tài chính, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – NSNN đề ra.

Về lâu dài, chúng ta phải thực hiện chính sách tài khóa một cách linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo cân đối thu - chi NSNN; quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; kiểm soát chặt chẽ lạm phát; đảm bảo an toàn nợ công; giữ ổn định, phát triển, minh bạch các thị trường tài chính; thúc đẩy thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư. Đồng thời, tập trung nguồn lực thực hiện 3 đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là hoàn thiện thể chế để giải phóng, thu hút nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; giữ ổn định, đảm bảo an toàn và phát triển nền tài chính quốc gia.

Bối cảnh đó đòi hỏi ngành Tài chính phải có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN, duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân. Từ đó, ngành đóng góp vào thành công chung của đất nước trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025...

Tôi rất tâm đắc ở thời điểm những ngày đầu thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ trưởng đầu tiên Phạm Văn Đồng, ngành Tài chính đã xây dựng hệ thống chính sách tài chính theo quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân, phục vụ nhân dân, vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Suốt 76 năm kiên cường, khí phách cùng dân tộc, ngành Tài chính, mỗi ngày thêm vững chãi, trí tuệ, thêm nhiều bứt phá, củng cố tiềm lực quốc gia ngày càng lớn mạnh.

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2021), thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi trân trọng gửi tới các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính tình cảm và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Những cố gắng, khát khao cống hiến của lớp lớp các thế hệ ngành Tài chính mang lại thành quả là những đổi thay của đất nước. Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, ngành Tài chính sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.

TBTCVN: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Minh Anh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam