Ngày Độc lập trong tim

12:34 | 01/09/2021 Print
(TBTCVN) -76 năm đã trôi qua, ý Đảng, lòng dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, con tàu cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn để vượt trùng khơi. Tình đoàn kết muôn người như một đã giúp Việt Nam làm nên biết bao thắng lợi vẻ vang, khẳng định vị thế Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế

Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang)- dấu ấn thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.

Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang)- dấu ấn thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.

Mùa thu tháng Tám đến. Trong những cơn gió làm dịu đi cái nắng vàng như mật ong, thu đến trong những chiếc lá khởi vàng, đến trong khắc khoải đám học trò mong nhớ được cắp sách tới trường gặp thầy, gặp bạn. Mùa thu, với người dân Việt Nam còn là dịp đón chào ngày hội lớn, ngày mà 76 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình trịnh trọng tuyên bố với thế giới và toàn thể quốc dân đồng bào rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Vào những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 bao năm qua, đất nước lộng lẫy cờ hoa, tiếng ca rộn rã. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… người người đổ về nhộn nhịp trong niềm vui hân hoan. Đây cũng là dịp để hồi tưởng lại những trang lịch sử hào hùng, từ trong gian khó, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng ta, quân và dân cả nước đã giành thắng lợi qua hai cuộc kháng chiến, gây dựng được cơ đồ để cháu con tiếp nối, phát huy như ngày hôm nay.

Niềm vui, niềm tự hào ấy không chỉ lan tỏa tại những đô thị lớn, mà tại mỗi làng quê, tới tận vùng sâu, vùng xa, ngày lễ Độc lập luôn được nhân dân coi trọng, là dịp lễ lớn nhất trong năm. Đồng bào các dân tộc “ăn Tết Độc lập” (đồng bào gọi ngày 2/9 như vậy). Người người từ trên núi cao xuống, trong bản làng xa đổ ra đường trung tâm các thị trấn. Trai gái xúng xính khăn áo đẹp nhất, rủ nhau đi từng đoàn, múa xòe, thổi khèn, rước kiệu… vui chơi tưng bừng, tưởng như không dứt…

Nếu như dịch Covid-19 quái ác không hoành hành thì những ngày này đất nước Việt Nam lại đang rộn ràng chuẩn bị cho kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh. “Cơn bão Covid-19” quét qua hành tinh, đã cướp đi sinh mạng của gần 4,5 triệu người, trong đó, Việt Nam cũng đã có hơn 9 nghìn người vĩnh viễn ra đi trong dịch bệnh. Nỗi đau này không gì bù đắp nổi. Hiện nay nhiều tỉnh, thành, địa phương phải cách ly xã hội, đường xá vắng lặng vì hạn chế người dân ra đường, nên dịp kỷ niệm 2/9 năm nay chắc sẽ bớt đi những náo nhiệt.

Những ngày cuối tháng 7/2021, khi dịch bệnh bước vào đợt căng thẳng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Tổng Bí thư nhấn mạnh “tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết” và tha thiết kêu gọi: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Ngày Tết độc lập càng thấm thía về bài học đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: TL
Ngày Tết độc lập càng thấm thía về bài học đoàn kết toàn dân tộc.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, cả nước đang “chống dịch như chống giặc”, “quyết chiến thắng trận đánh cuối cùng”. Mỗi người dân, các tầng lớp nhân dân, các giới tùy khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức giúp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng... Đặc biệt, chúng ta được chứng kiến những tấm gương các chiến sĩ áo xanh ngời sáng phẩm chất “bộ đội cụ Hồ”, những y, bác sỹ - chiến sĩ áo trắng căng mình ở tuyến đầu của trận chiến chống virus SARS-CoV-2... Những tấm lòng cao cả đó là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đang lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, đem đến cho chúng ta thêm sức mạnh và niềm tin tất thắng chống đại dịch của đất nước.

Trong lúc đất nước gặp khó khăn thì những giá trị tốt đẹp nhất của từng con người, từng cộng đồng, của từng dân tộc lại được nhân lên. Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân.

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, dân tộc Việt Nam đã trải qua chiến tranh, chiến thắng nhân tai, địch họa, thiên tai, dịch bệnh... Bài học của lịch sử để lại là tính cố kết cộng đồng được nâng lên thành đoàn kết. Mỗi khi gặp khó khăn, thử thách thì truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam lại được lan tỏa, bồi đắp, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt lại càng tỏa sáng.

Lúc này, thật đồng cảm và thấu hiểu hơn, vì sao nhạc sĩ Văn Cao lại vui đến thế khi chào đón một “mùa bình thường” - trong ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của ông. Đối với người nhạc sĩ vĩ đại này, thì chỉ khi đất nước hoàn toàn thống nhất (30/4/1975), trong lòng ông mới có mùa xuân đúng nghĩa. Mùa xuân đầu tiên – mùa bình thường, cả nước không còn tiếng súng và nỗi đau chia cắt. Còn chúng ta, đang dốc sức để có lại một “trạng thái bình thường mới”, để sau đó, có những “ngày bình thường”, an vui…

Ngày Tết độc lập càng thấm thía về bài học đoàn kết toàn dân tộc. 76 năm đã trôi qua, ý Đảng, lòng dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, con tàu cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn để vượt trùng khơi. Tình đoàn kết muôn người như một đã giúp Việt Nam làm nên biết bao thắng lợi vẻ vang và khẳng định vị thế Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế.

Ngày Độc lập luôn rực đỏ trong những trái tim yêu nước!

Kim Thanh

Kim Thanh

© Thời báo Tài chính Việt Nam