Đoàn kết, quyết tâm hành động chống dịch và phục hồi kinh tế

13:03 | 01/09/2021 Print
(TBTCO) - Tập trung chống dịch đồng thời Chính phủ, Quốc hội không quên nâng đỡ, đồng hành, sát cánh, chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ mong muốn đội ngũ đại diện của “Tâm – Tài – Trí - Tín” này tiếp tục khắc phục khó khăn do dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, bứt phá vươn lên.
Thủ tướng nói chuyện với lực lượng quân y và chốt kiểm tra các cơ sở cách ly tuyến xã, phường
Thủ tướng nói chuyện với lực lượng quân y và chốt kiểm tra các cơ sở cách ly tuyến xã, phường dành cho F0 và F1 tại TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh (sáng 26/8/2021).

Dồn mọi nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp

6 tháng đầu năm, dù trong bối cảnh dịch bệnh, GDP vẫn đạt con số tăng trưởng ấn tượng 5,64%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Như vậy, nửa đầu năm Việt Nam đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng vào thời điểm tháng 7, một loạt các thành phố lớn, trung tâm kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhiều vấn đề được đặt ra, như: nhiều doanh nghiệp (DN) phải dừng sản xuất, lo đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lo cho an sinh xã hội, đảm bảo chăm sóc y tế cho người dân..., như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói, “không để khủng hoảng về y tế, khủng hoảng về kinh tế diễn ra”.

Liên tiếp trong tháng qua, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã điều hành rất nhiều cuộc họp, cả trong những ngày cuối tuần. 2 cuộc họp quan trọng đều rơi vào ngày chủ nhật. Đó là cuộc họp giữa Chính phủ với cộng đồng DN và Chính phủ họp với các bộ, ngành, tìm cách tháo gỡ về thể chế, thúc đẩy tăng trưởng.

Suốt 2 năm qua, các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ, gói hỗ trợ về an sinh xã hội triển khai liên tục, hết hạn lại gia hạn, đồng thời bổ sung thêm các gói hỗ trợ mới. Các chính sách gia hạn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho DN trong 2 năm (2020, 2021) lần lượt là 129 nghìn tỷ đồng và 138 nghìn tỷ đồng; gói hỗ trợ an sinh xã hội lên tới 26 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ về lãi suất cho DN lên tới hơn 20 nghìn tỷ đồng từ nay đến cuối năm...

Chính phủ khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính

“Bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN), tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần là nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và DN là chủ thể, là trung tâm phục vụ” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Những con số biết nói ấy cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã xắn tay vào cuộc kịp thời, không nói suông, không hứa suông mà là việc thật, tiền thật. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì sản xuất kinh doanh nếu đủ điều kiện. Các tổ chức, hiệp hội cần hỗ trợ DN thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin, giúp DN cùng nhau vượt khó. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và địa phương luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng DN.

“Bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và DN, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần là nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và DN là chủ thể, là trung tâm phục vụ” - Thủ tướng nêu rõ.

Chính sách đi từ nhân dân, cuộc sống và thực tiễn

Với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, Quốc hội đã chủ động, kịp thời đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt; tạo điều kiện tốt nhất cho Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Kết thúc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành nghị quyết, giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các thẩm quyền mạnh mẽ, chưa từng có tiền lệ, tạo cơ sở pháp lý, thế chủ động, linh hoạt hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc ứng phó, xử lý kịp thời những tình huống phức tạp, khó lường của dịch bệnh. Đây được cho là những quyết sách mạnh mẽ trong khi dịch diễn biến phức tạp, bảo đảm sức khỏe tính mạng nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, với tinh thần đồng hành với Chính phủ, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay về phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an toàn cho nhân dân là trên hết và trước hết, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc liên tục không quản ngày đêm để cho ý kiến góp ý vào dự thảo nghị quyết của Chính phủ.

Mặc dù là cuối ngày làm việc nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vẫn tổ chức phiên họp bất thường để cho ý kiến và xem xét quyết định các nội dung theo thẩm quyền, tạo điều kiện cho Chính phủ có thể ban hành sớm nhất nghị quyết đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay.

Đúng là chưa có trong tiền lệ, trong ngày 6/8, UBTVQH họp khẩn và ngay tối hôm đó, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết của UBTVQH cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Một quy trình lập pháp được ví là “khẩn và gọn” như “thời chiến”, đáp ứng yêu cầu cấp bách. Đây là những động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội, UBTVQH để có biện pháp kịp thời, hữu hiệu phòng, chống đại dịch; thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội - Quốc hội hành động, đồng hành với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch Covid-19.

Quốc hội trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ

Việc trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ có một số quyền để chống dịch, theo nhiều đại biểu Quốc hội, đã mở ra cơ chế cho Chính phủ điều hành trong hiện tại và tương lai. Trong nhiều nguyên nhân thành công có sự phối hợp của Quốc hội với Chính phủ ngày càng tốt hơn, thể hiện chính kiến rõ ràng như Chủ tịch Quốc hội nói: “Càng phức tạp, càng khó khăn, càng công khai minh bạch”.

Bình luận về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch, ông Lưu Bình Nhưỡng - đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, chúng ta đang đứng trước hoàn cảnh hoàn toàn khác các lần bùng phát dịch trước đó. “Khi đưa vấn đề này ra Quốc hội, Chính phủ đã thể hiện trách nhiệm rất lớn với đất nước. Chính phủ đặt ra vấn đề mà thực tiễn đang yêu cầu, cử tri và nhân dân yêu cầu, mong muốn. Với tình huống đặc biệt, phải có chính sách đặc biệt để có cơ sở pháp lý triển khai mạnh mẽ hơn”... - ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

Bối cảnh hiện nay, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước, cộng đồng DN và lực lượng tuyến đầu chống dịch quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao nhất.

Nhiều dự đoán kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam trong năm 2021, nhưng mục tiêu tiên quyết là phải đẩy lùi dịch bệnh, từ đó mới phục hồi được sản xuất kinh doanh. Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, linh hoạt thực hiện mục tiêu kép còn đúng và trúng với cả DN. Trước thách thức của dịch bệnh, nhiều DN mạnh dạn tái cấu trúc, tìm kiếm cơ hội mới từ trong khó khăn, nên không bị gián đoạn, đứt gãy cục bộ chuỗi sản xuất. Nhờ đó, chúng ta duy trì đà tăng trưởng dương, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước.

Những quyết sách mạnh mẽ thời gian qua của Chính phủ, Quốc hội cũng là nhằm mục tiêu chung đó. Trong đại dịch, khi thế giới trở nên mong manh hơn, nếu khống chế được dịch bệnh và duy trì tăng trưởng, Việt Nam sẽ trở thành nơi đến an toàn của các nhà đầu tư quốc tế trên hành trình chuyển dịch làn sóng đầu tư toàn cầu.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Trần Thắng

© Thời báo Tài chính Việt Nam