Phạt 1,2 tỷ đồng đối với 2 cá nhân sử dụng 50 tài khoản thao túng cổ phiếu FTM

22:41 | 01/09/2021 Print
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương. Ông Thường, bà Phương bị phạt 600 triệu đồng mỗi người, vì tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM.

Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), kết quả xác minh của cơ quan công an, ngày 30/8/2021, UBCKNN ban hành Quyết định số 549/QĐ-XPVPHC và số 550/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Mạnh Thường (địa chỉ: 83B đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và bà Phạm Thị Phương (địa chỉ: 318/56/6 đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh).

Cụ thể, phạt tiền 600 triệu đồng đối với mỗi người theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 và Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được sửa đổi tại Khoản 1 và Khoản 36 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.

UBCKNN cho biết, ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân.

Căn cứ kết quả xác minh của cơ quan công an và kết quả kiểm tra, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của 2 cá nhân nêu trên gây ra xác định theo quy định tại Điều 211 - Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của 2 cá nhân này.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/9/2021, cổ phiếu FTM đóng cửa ở mức giá 2,91 nghìn đồng/cổ phiếu.

Trước đó, ngày 16/4/2021, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) có quyết định về việc đưa cổ phiếu FTM vào diện kiểm soát.

Ngày 16/8/2021, HOSE đã nhận được báo cáo tài chính bán niên đã soát xét năm 2021 của FTM. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 của FTM là âm hơn 94 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30/6/2021 là âm hơn 290 tỷ đồng

Như vậy, Công ty chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, HOSE tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu FTM và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu FTM sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2021, kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, FTM lỗ ròng hơn 94 tỷ đồng, tăng lỗ lũy kế từ hơn 196 tỷ đồng lên hơn 290 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của FTM, kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ đối với khoản lỗ hơn 94 tỷ đồng, các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gần 464 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền gần 233 tỷ đồng. Đồng thời, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của FTM.

Kiểm toán cho rằng, khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư của Công ty.

Vì vậy, các điều kiện này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Trước ý kiến của kiểm toán, FTM cũng đã đưa ra giải trình về khoản lỗ phát sinh, nợ vay và lãi vay quá hạn ngân hàng.

FTM cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến Công ty phải dừng sản xuất hoàn toàn nhà máy 2 và nhà máy 5. Từ quý II/2021, công ty đã huy động nguồn lực để khôi phục được 50% sản lượng nhà máy 2 và bước đầu 30% sản lượng nhà máy 5, tuy nhiên dịch Covid-19 khiến việc phục hồi toàn bộ năng lực sản xuất không thực hiện được, thêm vào đó các biện pháp giãn cách chống dịch được triển khai khiến việc gia tăng doanh thu của Công ty gặp nhiều khó khăn.

Khoản lỗ phát sinh chủ yếu là các chi phí cố định khấu hao, các chi phí trả trước phân bổ nhiều kỳ, lãi vay dài hạn do không khai thác được hết năng lực sản xuất của nhà máy để tiết giảm chi phí vận hành.

Liên quan đến khoản công nợ phải thu khó đòi, FTM lý giải, tình hình chung của thị trường và dịch bệnh Covid-19 khiến các đối tác của Công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn kinh doanh vừa qua dẫn tới chưa thanh toán được các công nợ này, Công ty sẽ tích cực liên tục đối chiếu công nợ và làm việc trực tiếp với ban lãnh đạo của đối tác./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam