Chính sách tài khóa đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch

15:44 | 01/09/2021 Print
(TBTCO) - 4 lần bùng phát dịch Covid-19 đã “vắt kiệt” sức lực của doanh nghiệp. Thấy rõ khó khăn của doanh nghiệp, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ tiếp sức, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Đồ họa: Hồng Vân
Đồ họa: Hồng Vân

Đánh giá chung của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ thời gian qua là tương đối tốt, linh hoạt và nhịp nhàng, phát huy hiệu quả.

Đồng lòng, thấu hiểu và cùng chia sẻ khó khăn

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, vượt khó, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh; đồng thời nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành với Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân, cộng đồng.

Thấy rõ khó khăn của DN, từ năm 2020, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ, nhằm tiếp sức, hỗ trợ người dân và DN. Tuy nhiên, những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các đợt dịch bùng phát khiến cho DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Sức chống chịu của khu vực DN tiếp tục suy giảm. Chính vì vậy, các chính sách tài khóa, tiền tệ trong lúc này là hết sức cần thiết đối với DN.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2021, cả nước có gần 79,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có gần 40,3 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28 nghìn DN ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 28,6% và 11,4 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có trên 11,3 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh khó khăn, dù ngân sách nhà nước (NSNN) đang eo hẹp nhưng Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động bởi Covid-19. Các chính sách hỗ trợ về thuế, nhất là giảm thuế, được các doanh nghiệp đánh giá là hữu ích nhất, như: Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19…

Chia sẻ với báo chí khi phân tích về “tình trạng sức khoẻ”, sức chống chịu của DN trước tác động của đại dịch, TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh điều quan trọng và cần thiết hàng đầu hiện nay là sự đồng lòng, thấu hiểu và cùng nhau chia sẻ những khó khăn của ba bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Chính phủ đã đứng ra gánh vác khó khăn cùng cộng đồng doanh nghiệp và đưa ra những quyết sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như việc miễn, giảm thuế, các gói hỗ trợ…

Theo nhận định của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, các chính sách hỗ trợ về tài khoá và tiền tệ của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, là “liều thuốc trợ lực” kịp thời giúp cộng đồng DN và người dân bước đầu trụ vững trước những khó khăn do đại dịch Covid-19. Những gói hỗ trợ về gia hạn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2020 lên tới 129 nghìn tỷ đồng và dự kiến tổng các gói hỗ trợ trong năm nay có thể còn nhiều hơn con số đó. Về phía các ngân hàng thương mại cũng đã cố gắng giảm lãi suất cho DN. Đây được coi là “sự chia sẻ đáng ghi nhận”, đặc biệt nguồn hỗ trợ này là từ nguồn lực của chính các ngân hàng với ước tính mỗi ngân hàng tham gia lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Đánh giá chung của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ thời gian qua là tương đối tốt, linh hoạt và nhịp nhàng, phát huy được hiệu quả, đem lại những tín hiệu tích cực trong đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ quá trình phục hồi của các DN, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

“Gói giải pháp về thuế được đánh giá cao vì dễ tiếp cận”

Không phải “bức tranh” hoạt động của DN toàn màu xám. Theo thống kê, có 75,8 nghìn DN thành lập mới và 29,6 nghìn DN quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2021. Trung bình mỗi tháng có gần 15,1 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Con số đó cho thấy những chính sách mới của Chính phủ đã đi vào cuộc sống.

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, một số đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và “người trong cuộc”, là đại diện một số hiệp hội ngành hàng, DN đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính thời gian qua. Gói hỗ trợ về tài khóa, đã hỗ trợ trực tiếp cho DN, dù trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, tăng chi cho chống dịch. Cộng đồng DN ghi nhận những quyết sách đúng đắn, nhanh chóng của Chính phủ, Bộ Tài chính với các gói hỗ trợ lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay, theo điều tra cuối năm trước, các nhóm giải pháp về thuế, phí, tiền thuê đất được DN đánh giá cao vì dễ tiếp cận. Ông Đậu Anh Tuấn ghi nhận nỗ lực của Bộ Tài chính bổ sung giảm thuế để hỗ trợ hộ và cá nhân kinh doanh. Khu vực này hiện tại đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, khi chiếm 30% GDP, tạo ra nhiều việc làm đảm bảo an sinh xã hội, nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. “DN hưởng lợi từ giải pháp thuế, phí, tiền thuê đất nhiều hơn rất nhiều các giải pháp khác. Đến thời điểm này, việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cho DN là cực kỳ cần thiết, DN đang đặc biệt khó khăn, nhiều DN đã ở bên bờ vực phá sản sau gần 2 năm chống đỡ với dịch Covid-19” - ông Đậu Anh Tuấn nói.

Theo TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, không chỉ tại Việt Nam, mà trên toàn cầu, chính sách ưu đãi về thuế luôn được ưa thích nhất đối với cộng đồng kinh doanh. “Các chính sách hỗ trợ về tài khóa giúp DN đuối sức có thể vượt lên. Theo khảo sát của chúng tôi, 70% DN hài lòng với các chính sách hỗ trợ hiện nay” - ông Tô Hoài Nam nói. Tuy nhiên về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách hỗ trợ chỉ góp phần vào khả năng chống chọi của DN, không làm thay được DN, nên không phải hỗ trợ là DN nào cũng vượt qua. Vấn đề là ở năng lực nội tại của DN và khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, TS. Lê Xuân Trường có cái nhìn khách quan từ 2 phía. Ông cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh, bản thân Nhà nước cũng rất khó khăn. Chúng ta nhiều năm nay bội chi ngân sách, thêm áp lực từ dịch bệnh nữa nên những sự hỗ trợ của Nhà nước như vừa qua là sự cố gắng rất lớn và đáng trân trọng.

* Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI:

Giảm thuế cho hộ kinh doanh là đột phá về chính sách

Ông Vũ Tiến Lộc

Ông Vũ Tiến Lộc

Thời gian qua, với tinh thần đồng hành cùng DN, không chỉ có các gói hỗ trợ về chính sách tài khoá, tiền tệ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khác hỗ trợ người dân và DN, như giảm tiền điện, nước sạch và cước viễn thông.

Tôi đánh giá cao việc Chính phủ liên tục giao các bộ, ngành thiết kế các chính sách hỗ trợ. Giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng với các DN kinh doanh dịch vụ như vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch là rất hợp tình, hợp lý. Ngoài ra, việc miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 và không phạt phần nộp chậm có tác động lớn đến cộng đồng DN, khiến đông đảo DN yên tâm, đồng hành cùng Chính phủ.

Việc đề xuất giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là rất hữu ích, như “mũi tên trung hai đích”, vừa giúp cho các hộ kinh doanh, vừa hỗ trợ lực lượng lao động bởi khu vực hộ kinh doanh có đóng góp tới 30% GDP nên có ảnh hưởng lớn tới xã hội. Tôi cho rằng, đề xuất giảm thuế cho khu vực này là một sự đột phá về mặt chính sách, thể hiện Chính phủ không chỉ quan tâm các DN lớn mà còn cả hộ cá nhân kinh doanh - đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, các DN cũng hiểu rằng, với ngân sách hạn hẹp hiện nay, dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ không còn nhiều để bảo đảm giữ các cân đối lớn của nền kinh tế. Không thể kỳ vọng Việt Nam có thể so sánh với các nước giàu với ngân sách dồi dào, sẵn sàng bơm hàng nghìn tỷ USD khôi phục kinh tế. Về lâu dài, giải pháp tháo gỡ hiện nay là cải cách thể chế, đây chính là “gói hỗ trợ” còn dư địa lớn nhất với nhiều kỳ vọng từ các DN.

* Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh:

Người nộp thuế nào cũng nhận được hỗ trợ về thuế

TS. Đinh Trọng Thịnh

TS. Đinh Trọng Thịnh

Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, người lao động, người sử dụng lao động sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, đặc biệt là người lao động ở những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu trong suốt thời gian qua như giao thông vận tải, hàng không, lao động tự do..., do đó, sự hỗ trợ nhanh, kịp thời của Nhà nước, của cộng đồng đến tay người dân lúc này là rất cần thiết.

Đề xuất giảm thuế thu nhập DN năm 2021 là sự tiếp nối từ chính sách năm 2020 đã được chứng minh là trợ lực rất cần thiết cho DN để có thêm nguồn lực trước mắt duy trì hoạt động. Việc Bộ Tài chính tiếp tục rà soát để đề xuất giảm thuế cho nhiều đối tượng DN từ nay đến cuối năm là gói hỗ trợ rất lớn và đặc biệt đối tượng được thụ hưởng chính sách đã được “mở” hết mức nhằm đảm bảo bất cứ người nộp thuế nào cũng sẽ nhận được hỗ trợ về thuế.

Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ này, bởi lẽ Bộ Tài chính đã không “bỏ quên” hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn. Đây là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Được biết, nhiều đối tượng DN hoạt động trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 sắp tới cũng tiếp tục thuộc diện miễn một số khoản thuế cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính đối với mọi ngành, nghề đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Tôi cũng rất đồng tình với chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi họp với các bộ ngành, hiệp hội DN trong quá trình xây dựng chính sách phải bảo đảm các quy định được đơn giản hóa tối đa để các DN, hộ kinh doanh có thể tiếp cận trong bối cảnh liên tục gặp nhiều khó khăn bất thường khi đất nước đang phải căng mình “chống dịch như chống giặc”.

* Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Tiếp sức rất lớn cho doanh nghiệp

Ông Phan Đức Hiếu

Ông Phan Đức Hiếu

Việc Chính phủ giãn, giảm thuế phí, lệ phí và tiền thuê đất là chính sách có tác động rất tích cực, tiếp sức rất lớn cho DN duy trì sản xuất, kinh doanh, gia tăng nguồn lực.

Tác động của dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã làm cho các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, hoặc không thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN đang rơi vào tình trạng không có nguồn thu, hay doanh thu, dòng tiền vào DN đang bị hạn chế. Trong bối cảnh như vậy, để có thể cầm cự và duy trì sản xuất ở mức độ tối thiểu, DN cần một nguồn lực tài chính để trang trải. Vừa qua, chính sách tài khóa đã phối hợp với chính sách tiền tệ và nhiều chính sách vĩ mô khác, hỗ trợ cho người dân và DN. Trong đó, nổi bật là Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đã giúp DN có thêm dòng tiền để cầm cự, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Qua công bố của VCCI, tôi được biết các DN đều đánh giá chính sách giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất có tác động hữu ích đối với hoạt động kinh doanh của DN, cũng như dễ dàng tiếp cận so với các chính sách khác như vay vốn, lãi suất không đồng, bảo hiểm…

Việc gia hạn thuế, tiền thuê đất, tức là khoan sức dân, lùi thời hạn nộp thuế, hỗ trợ DN. Giải pháp tạm hoãn, giãn thuế có nghĩa họ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ vào thời điểm cuối năm, vì vậy DN phải tính toán rất kỹ chiến lược kinh doanh để có thể thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Trần Thắng

© Thời báo Tài chính Việt Nam