Lưu ý khi xây dựng dự toán quỹ tài chính ngoài ngân sách

10:23 | 04/09/2021 Print
Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, các bộ, ngành; cơ quan, đơn vị ở địa phương quản lý các quỹ này phải dự kiến kế hoạch cơ cấu lại, sáp nhập, giải thể... trong năm 2022.

tiền

Những quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động trùng lắp, không hiệu quả sẽ phải sáp nhập hoặc giải thể. Ảnh: TL.

Ngoài ra, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải lập kế hoạch thu - chi tài chính năm 2022 đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách còn tiếp tục hoạt động thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan, gửi kèm báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của cơ quan, đơn vị mình tới cơ quan tài chính cùng cấp.

Trong đó, thuyết minh chi tiết về số dư đầu năm; số phát sinh thu từ ngân sách nhà nước cấp, từ huy động, tài trợ,... trong năm; số chi cho các nhiệm vụ trong năm; tình hình biến động về vốn điều lệ, nguồn vốn hoạt động của các quỹ này.

Hiện có khoảng 40 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đang hoạt động. Có 12 quỹ ở trung ương đang làm thủ tục giải thể hoặc xem xét giải thể, sắp xếp lại, sửa đổi hoặc bổ sung, hoàn thiện quy định về tổ chức, hoạt động.

Cụ thể như các quỹ: Quỹ Hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế; Quỹ Hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương; Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

Ngoài ra, hiện nay có 4 quỹ có nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước, đó là: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân ở nước ngoài.

Được biết, Bộ Tài chính đang rà soát, xem xét để đề nghị với Chính phủ, đề nghị Quốc hội giảm còn khoảng 30 quỹ./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam