Xây dựng Hải quan Việt Nam ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới

12:02 | 06/09/2021 Print
Tiếp tục cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan trong bối cảnh mới, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 - 2030 và lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội để hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

HCM

Cán bộ hải quan hỗ trợ DN hoàn thiện thủ tục nhập khẩu. Ảnh: Thanh Tùng

Phục vụ cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tốt hơn

Tổng cục Hải quan cho biết, Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 - 2030 (Dự thảo Chiến lược HQVN) đặt ra mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh.

Trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp (DN) để hoàn thiện Dự thảo Chiến lược HQVN.

Để thực hiện mục tiêu trên, Dự thảo Chiến lược HQVN hướng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.

Cụ thể, ngành Hải quan tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Các quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có tính gắn kết chặt chẽ, thống nhất.

Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục thông quan, giải phóng hàng.

Đồng thời, ngành Hải quan tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh; cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu; tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.

Đổi mới bộ máy hải quan đáp ứng hải quan thông minh

Theo Tổng cục Hải quan, Dự thảo Chiến lược HQVN quan tâm đến việc đổi mới tổ chức bộ máy hải quan với cơ cấu gọn nhẹ, giảm đầu mối trung gian đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng tổ chức bộ máy hải quan 3 cấp (cấp tổng cục, cấp vùng và cấp chi cục) theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan tập trung, thông minh.

Tổ chức hoạt động của bộ máy theo hướng mỗi hải quan vùng chỉ có một địa điểm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan. Việc kiểm tra thực tế, giám sát hàng hóa, theo dõi quản lý hoạt động gia công, sản xuất của DN do chi cục hải quan cửa khẩu hoặc chi cục hải quan quản lý địa bàn nơi DN nghiệp có cơ sở sản xuất thực hiện.

Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức hình thành các trung tâm chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu (đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sông, đường sắt); trung tâm phân loại hàng hóa; trung tâm quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; trung tâm kiểm tra hồ sơ hải quan.

Ngành Hải quan sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác kiểm định hải quan để triển khai mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Việc tinh gọn bộ máy sẽ giúp cho Hải quan Việt Nam thực hiện hiệu quả mô hình hải quan thông minh đề ra tại Dự thảo Chiến lược HQVN, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh tế, tạo thuận lợi thương mại.

Theo đó, ngành Hải quan đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: 100% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa; 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan…/.

Ngọc Linh

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam