Vinaconex và khả năng tăng tốc sau khi dịch bệnh được kiểm soát

16:50 | 06/09/2021 Print
Vinaconex vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 với nhiều tín hiệu khá tích cực. Điều này báo hiệu khả năng tăng tốc nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

vcg

Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đang được Vinaconex hoàn thiện. Ảnh: Vinaconex.

Nền tảng từ sức khỏe tài chính

Báo cáo kiểm toán được kiểm toán bởi công ty uy tín trong nhóm Big 4 là Ernst & Young Việt Nam nêu ý kiến chấp nhận toàn phần với báo cáo tài chính bán niên của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG, sàn HOSE).

Kết quả kinh doanh cụ thể của Vinaconex trong nửa đầu năm 2021 cho thấy, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.341 tỷ đồng, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 341 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm đạt 414 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt gần 249 tỷ đồng, giảm 10,96% so với con số lợi nhuận sau thuế trước soát xét. Nguyên nhân là do giảm số liệu hoàn nhập dự phòng phải thu liên quan đến khoản nợ của Công ty LD TNHH phát triển đô thị mới An khánh và lợi nhuận của một số công ty con và liên kết tăng soát xét.

Điểm đáng chú ý trong hoạt động kinh doanh của Vinaconex trong nửa đầu năm 2021 là công ty đã thực hiện tiết giảm phần lớn các khoản chi phí cơ bản. Chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm hơn so với cùng kỳ năm 2020, các khoản này theo đó ghi nhận lần lượt là 106 tỷ đồng, 21 tỷ đồng và 40 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2021 là giai đoạn nền kinh tế đối diện với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng bất động sản như Vinaconex còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến tăng mạnh của giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá thép.

Tuy nhiên, Vinaconex đã chủ động điều tiết khá tốt dòng tiền để đáp ứng tối ưu các yêu cầu cơ bản trong kinh doanh. Số liệu lưu chuyển dòng tiền nửa đầu năm 2021 cho thấy, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn ghi nhận mức dương 164 tỷ đồng, thậm chí tiến triển tốt hơn so với nửa đầu năm 2020.

Vinaconex hiện có tổng tài sản tại ngày 30/6/2021 là 30.186 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn có giá trị 21.359 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền đạt hơn 2.828 tỷ đồng, tăng 833 tỷ đồng so với đầu năm.

Đón đầu cơ hội sau đại dịch

Một khảo sát của Deloite cho thấy, những doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch thường có cái nhìn tích cực hơn về triển vọng ngắn hạn, tin tưởng hơn vào tiềm năng dài hạn. Họ thậm chí có thể tuyển dụng thêm lao động, theo đuổi các thương vụ mua bán sáp nhập, tái cơ cấu danh mục đầu tư, tìm kiếm thêm đối tác, đánh giá các cơ hội mới, đầu tư nhân sự… Các hoạt động của Vinaconex cho thấy họ thuộc nhóm doanh nghiệp như vậy.

Một thế mạnh của Vinaconex so với các doanh nghiệp xây dựng đơn thuần khác, đó là doanh nghiệp hoạt động trên thế “kiềng 3 chân”, các lĩnh vực bổ trợ đắc lực lẫn nhau. Để chuẩn bị “sức bật” sau khi dịch Covid-19 đi qua, ngay cả trong giai đoạn dịch còn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Vinaconex vẫn luôn nỗ lực duy trì thi công chuỗi các dự án trọng điểm không bị gián đoạn.

Điển hình như tại Hà Nội, trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội, một số dự án trọng điểm của thành phố vẫn được phép gấp rút thi công, đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa bão, như dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn II), dự án xây dựng Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, dự án nâng cấp, cải tạo bệnh viện K cơ sở I,II.

Tại dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn II), với tư cách nhà thầu liên danh, Vinaconex tham gia Gói thầu 05, thi công cầu dẫn và đường dẫn phía Long Biên, và Gói thầu 01 thi công xây dựng cầu chính vượt dòng chủ, bao gồm cả đường công vụ, cầu phao, mố nhô phục vụ thi công.

Vinaconex cũng thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” tại Dự án xây dựng Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Dự án được xây dựng trên khu đất 35.016m2 với tổng mức đầu tư là 711,099 tỷ đồng. Diện tích xây dựng công trình khoảng 8.400m2, mật độ xây dựng khoảng 24%. Tại dự án nâng cấp cải tạo bệnh viện K cơ sở I, II, công nhân cũng liên tục được động viên hăng say lao động, vừa sản xuất vừa chống dịch, đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án.

Một số dự án của Vinaconex tại những địa phương kiểm soát dịch bệnh tốt đang được đẩy nhanh tiến độ, gấp rút thi công, điển hình như dự án Khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh có thể được mở bán vào cuối năm nay, hay dự án Khu đô thị du lịch Cát Bà – Amatina, Hải Phòng, cũng đang dần hoàn thiện khu biệt thự…

Đặc biệt, công trình thủy điện Đăk Ba, Quảng Ngãi hiện đang vượt tiến độ đề ra, với mục tiêu phát điện vào quý IV năm 2022. Nhà máy khi hoàn thành có công suất lắp máy 30MW, điện năng trung bình năm 100,43 triệu kWh, tạo ra doanh thu khoảng 130 tỷ/năm, nộp hơn 20 tỷ vào ngân sách địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội và dịch chuyển cơ cấu kinh tế của huyện Sơn Tây, vốn là một huyện miền núi vùng sâu, còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi./.

Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam