Hà Nội hướng dẫn cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu

17:22 | 06/09/2021 Print
Sở Công thương Hà Nội vừa ban hành công văn về việc hướng dẫn cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển trong vùng 1, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu.

Giấy đi đường

Lực lượng chức năng của Hà Nội kiểm tra giấy đi đường của người dân ngày 6/9. Ảnh: Khánh Linh

Trong văn bản hỏa tốc của Sở Công thương Hà Nội nêu rõ chi tiết đến việc hướng dẫn cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển (QR Code) trong vùng 1 - vùng nội đô (thuộc vùng đỏ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16).

Cụ thể, đối tượng doanh nghiệp được cấp giấy gồm 4 lĩnh vực: doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu, logistics, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử.

Riêng lĩnh vực kinh doanh mặt hàng thiết yếu gồm doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh siêu thị; doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện ích; đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ.

Cùng với đó là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, LPG đã được Sở Công thương cấp giấy chứng nhận của lĩnh vực này; doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP. Hà Nội; doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhu yếu phẩm thiết yếu khác thuộc lĩnh vực công thương (tã, bỉm, sữa, băng vệ sinh…).

Về quy trình cấp giấy phép, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chuẩn bị 3 file mềm/bản scan các tài liệu sau: công văn đề nghị của doanh nghiệp đơn vị (có ký tên, đóng dấu), lưu ý doanh nghiệp, đơn vị cung cấp đầu mối liên lạc (tên, địa chỉ, điện thoại, email…); lập các danh sách theo mẫu và việc cấp giấy sẽ được thực hiện theo hình thức online (trực tuyến).../.

Theo bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cùng với việc các doanh nghiệp phân phối chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; các cơ sở chế biến tăng công suất cung cấp hàng cho hệ thống phân phối (có doanh nghiệp tăng 200%). Hiện có 774 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành phía Bắc; 326 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên; trên 200 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam (tổng cộng khoảng 1.300 doanh nghiệp) sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam