Thắng dịch khi lòng dân an yên

10:14 | 07/09/2021 Print
An sinh để an dân, an dân để cùng chiến thắng dịch bệnh; hay như “mỗi người dân là một chiến sĩ trong pháo đài chống dịch”… là khẩu hiệu không chỉ mang tính đơn thuần mà đã trở thành yếu tố quyết định để chiến thắng đại dịch Covid-19 trong bối cảnh hiện nay.

anh moi

Lãnh đạo và Công an quận 5, TP. Hồ Chí Minh trao túi an sinh hỗ trợ người dân. Ảnh: CTV

Người dân luôn phải là trung tâm

Có thể nói chưa bao giờ cụm từ an sinh, an dân, không để người dân nào bị đói, bị bỏ lại phía sau… lại được nhắc đến và liên tục nhắc lại nhiều lần trong bất cứ mọi diễn đàn ở trung ương hay các địa phương trong cả nước như lúc này.

Bởi lẽ, đại dịch Covid-19 như một cuộc chiến vô hình đã lấy đi quá nhiều thứ của chúng ta. Không chỉ lấy đi sinh mạng sống của hàng chục nghìn người dân vô tội, đại dịch Covid-19 bùng phát, hoành hành liên tục trong 4 đợt vừa qua đang làm cho nền kinh tế có nguy cơ kiệt quệ, làm ngưng trệ, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa. Dịch bệnh cũng đã làm cho cuộc sống của bao gia đình bị đảo lộn, bị mất việc làm, mất nguồn thu nhập, rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Không chỉ với người lớn, dịch bệnh còn làm cho hàng triệu trẻ em các cấp học không thể đến trường đoàn tụ cùng thày cô, bạn bè trong ngày khai trường….

Chưa và khó có thể thống kê, kiểm đếm hết được hậu quả, mức thiệt hại và hệ lụy của dịch Covid-19 đã và đang gây ra cho chúng ta bằng những con số cụ thể. Chỉ biết rằng, hậu quả của nó là vô cùng nặng nề, thiệt hại là vô cùng lớn đối với mọi mặt của xã hội, đặc biệt đời sống của nhận dân.

Thấu hiểu vấn đề, thấu hiểu mọi việc đặt ra trong bối cảnh hiện nay, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong cuộc họp ngày 6/9 với các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương, đã chia sẻ: “Người dân là trung tâm thì mọi chính sách và thực hiện chính sách phải hướng tới người dân, vì nhân dân. Người dân là chủ thể tức là phải tích cực tham gia phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, nhất là xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, thực hiện bằng được 5 nhiệm vụ.

Một là, thực hiện nghiêm ngặt quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”.

Hai là, bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.

Ba là, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu phải đáp ứng kịp thời.

Bốn là, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn.

Năm là, tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu, vừa qua, chúng ta đã chuyển hướng trong công tác phòng, chống dịch, từ tập trung sang kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp. Theo đó, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, còn tổ chức thực hiện vừa tập trung vừa phân cấp, nhất là chú trọng phân cấp tới xã, phường, thị trấn vì đây là cấp gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với người dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trong rất nhiều cuộc họp về phòng, chống dịch Covid-19 luôn khẳng định và nhất quán: “Mọi chính sách an sinh phải được phủ kín đến tất cả người dân”.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, TP. Hồ Chí Minh thực hiện kéo dài giãn cách xã hội nghiêm ngặt thời gian qua đã khiến cuộc sống của một bộ phận người dân ngày thêm khó khăn hơn. Do vậy, xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều hành hệ thống chính trị, bằng mọi giá phải đảm bảo an sinh xã hội kịp thời đối với nhân dân thành phố, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Nhiệm vụ “thời chiến”

Ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh, thực sự lúc này đời sống người dân rất khó khăn. Nhiều trường hợp dù được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng (đợt 1) với mức 50.000 đồng/người/ngày lại sống ở một siêu đô thị có giá sinh hoạt đắt đỏ như TP. Hồ Chí Minh, với mức đó, người dân vẫn rất khó khăn. Nhiều gia đình có 4 người nhận 1,5 triệu đồng/tháng/hộ sẽ không thấm vào đâu.

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm An sinh thành phố chia sẻ, vừa bằng trách nhiệm và trái tim, phải xem đây như là nhiệm vụ "thời chiến”. Bằng mọi nỗ lực có thể, từ khi dịch bùng phát đến nay, Trung tâm An sinh TP. Hồ Chí Minh vận động được gần 2 triệu túi an sinh. Trung tâm đã chuyển hơn 1,6 triệu túi tới các quận, huyện và TP.Thủ Đức để chăm lo người dân. Tuy nhiên, theo bà Châu, hiện TP. Hồ Chí Minh có hơn 4,5 triệu người khó khăn, do vậy còn hơn 2,5 triệu người vẫn chưa được nhận túi an sinh.

“Trung tâm tiếp tục vận động các nguồn lực từ trung ương, các tỉnh thành, các tổ chức, cá nhân để có nhiều hơn nữa túi an sinh”. Sắp tới, TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị thêm 2 triệu gói an sinh (chi từ nguồn ngân sách của thành phố), trị giá như thế nào còn đang bàn bạc, nhưng thành phố cố gắng các gói hỗ trợ phủ kín tất cả người khó khăn. Trung tâm An sinh TP. Hồ Chí Minh sẽ kết nối và điều phối các lực lượng để phát huy tối đa các nguồn lực, mang túi an sinh tới người dân nhanh nhất” - bà Châu cho biết thêm.

Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, đến thời điểm này, TP. Hồ Chí Minh không phân biệt “đủ điều kiện” hay “không đủ điều kiện”, cũng không phân định “nằm ngoài nhóm được hỗ trợ” hay “nằm trong nhóm được hỗ trợ”. Từ tháng 8/2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, số người gặp khó khăn gia tăng mạnh thì thành phố đã “mở” hoàn toàn trong công tác hỗ trợ. Việc hỗ trợ lúc này là vô điều kiện, người dân cứ khó khăn là được hỗ trợ ngay.

Đến ngày 6/9, thành phố hoàn thành việc chi gói hỗ trợ lần 2 mở rộng (2+) đối với 1,3 triệu lượt người lao động tự do và 1,2 triệu hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Quy mô của gói (2+) là 2.576 tỷ đồng và đến nay đã đạt 85%. Đồng thời, thành phố cũng đang khẩn trương soát xét, nếu có sót trường hợp nào, chi bổ sung trước ngày 15/9.

Thành phố cũng đang lập dữ liệu quản lý dân cư, có dữ liệu chung về từng hộ có hoàn cảnh khó khăn, từng người lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn để sau này tiếp tục triển khai hỗ trợ nhanh nhất theo thực tế dịch bệnh.

Lo cho người dân ít nhất 3 - 4 tháng nữa

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh trả lời tại chương trình “Dân hỏi - thành phố trả lời” về đảm bảo yêu cầu về an sinh đó là: "Thành phố không xác định đối tượng, bất cứ ai không việc làm, không thu nhập, bị giãn cách đều được hỗ trợ, không phân biệt ngành nghề".

Theo ông Hoan, thành phố đang tính toán sẽ không phân biệt già, trẻ, ngay cả trẻ em sơ sinh cũng tính là 1 người để nhận hỗ trợ vì các em cũng cần có sữa. Thành phố sẽ thống kê theo từng người trong gia đình thay vì tính hộ. Đây là điều quan trọng nhất.

anh moi
Vận chuyển gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: CTV

“Thành phố sẽ hỗ trợ 2 gói, bao gồm gói mang tính cần thiết được chăm lo phổ biến và gói thứ 2 là ngân sách thành phố chi cho 2 triệu gói an sinh, dành để giải quyết vào những thời điểm cấp bách. Yêu cầu đặt ra là thành phố lúc này là sớm phục hồi sản xuất, vì bảo đảm sản xuất là bảo đảm an sinh, khi có việc làm là an sinh” – ông Hoan chia sẻ.

Hiện TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, mở lại từng bước các hoạt động sản xuất - kinh doanh; giúp doanh nghiệp chính là giúp cho người lao động. Vì một doanh nghiệp được cứu là hàng chục, hàng trăm... người lao động được cứu. Đây là cũng là chính sách an sinh bền vững nhất.

Theo ông Hoan, TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng 3 kịch bản cho hoạt động sau ngày 15/9, dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh của thành phố và các tỉnh. Dù là kịch bản nào chăng nữa, kể cả kịch bản tích cực nhất, thành phố vẫn thực hiện công tác an sinh xã hội, lo cho bà con ít nhất 3 - 4 tháng nữa. Bởi vì để thành phố khởi động và phục hồi kinh tế phải có thời gian chuẩn bị, các doanh nghiệp phải chuẩn bị nhân lực, thiết bị, máy móc, kể cả yêu cầu sản xuất an toàn… Như thế, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ và lo cho bà con nhưng có sự thay đổi về chính sách để khắc phục những tồn tại hiện nay.

Hàng nghìn y, bác sỹ, nhân viên y tế đang âm thầm phục vụ cứu từng mạng sống nơi tuyến đầu. Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang không kể ngày nắng, đêm mưa hỗ trợ giúp dân chống dịch. Hàng triệu túi an sinh, túi y tế đã và đang được chuyển đến người dân, kèm theo đó là hàng loạt các chính sách hỗ trợ tiền, gạo, nhu yếu phẩm, đi chợ hộ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19… Người dân TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh thành trong vùng dịch đã ấm lòng hơn, an tâm hơn, vững tin, đồng lòng cùng cả nước quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.

Hơn lúc nào hết, bài học “lấy dân làm gốc”, “chiến thắng kẻ thù” khi lòng dân đồng thuận trong các cuộc kháng chiến không chỉ còn nguyên giá trị mà đang được khơi dậy, phát huy. Và hôm nay, bài học “chiến thắng dịch bệnh” khi lòng dân an yên vẫn đang tiếp tục bừng sáng, lan tỏa./.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam