Ngành gỗ: Ưu tiên tiêm vắc-xin để vừa chống dịch vừa khôi phục sản xuất

16:25 | 07/09/2021 Print
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hiện 50% doanh nghiệp đồ gỗ phải đóng cửa, giảm sản xuất, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm mạnh. Giải pháp cấp bách hiện nay đối với ngành gỗ là đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho người lao động thì mới đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa khôi phục sản xuất.

Gỗ

Doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ test Covid-19 định kỳ cho công nhân. Ảnh: Khánh Linh

Sáng 7/9/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến về chế biến gỗ và lâm sản.

Xuất khẩu gỗ liên tiếp giảm mạnh trong 3 tháng

Tại cuộc họp, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, khi đại dịch bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh thành, gây đứt đoạn chuỗi giá trị đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Đặc biệt, tại khu vực phía Nam như: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, nơi tập trung nhiều các doanh nghiệp chế biến gỗ.

“Do vậy, trong 3 tháng gần đây, trị giá xuất khẩu đã sụt giảm đáng kể, bình quân 3 tháng 6/2021, 7/2021, 8/2021 giảm hơn 16% so với các tháng liền kề trước đó. Riêng tháng 8/2021 ước giảm hơn 22% so với tháng 7/2021.” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, khảo sát nhanh của các hiệp hội địa phương vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 doanh nghiệp tại Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Định cho thấy, bình quân có trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất.

Những doanh nghiệp còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường. Trong khi đó, chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ" đã tăng khoảng 20-30%; tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vắc-xin rất thấp. Điển hình như ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định là những địa phương thuộc vùng dịch, nhưng đến cuối tháng 8/2021 mới có khoảng từ 15-20% người lao động được tiêm vắc-xin.

Không những vậy, doanh nghiệp rất khó cầm cự và cũng không đủ nguồn lực để trả các khoản vay đến hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí công đoàn chiếm khoảng 15% chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng thực sự là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Bộ NN&PTNT
Quang cảnh cuộc hội trực tuyến. Ảnh: Khánh Linh

Cần nâng hạng ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động ngành gỗ

Để tiếp tục duy trì và phục hồi sản xuất, ông Đỗ Xuân Lập cũng kiến nghị một số giải pháp cấp bách như nâng hạng ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế; các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vắc-xin cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp tự test Covid-19 đối với người lao động của mình và được các cơ quan chức năng công nhận kết quả test của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị Liên đoàn Lao động Việt Nam miễn đóng phí công đoàn cho người lao động cho tới ngày 30/6/2022; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4-4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay...

Đồng quan điểm, ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho rằng, chỉ có đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho người lao động thì mới đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa khôi phục sản xuất.

Liên quan vấn đề tiêm vắc-xin, Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp hoàn thiện báo cáo, trình Thứ trưởng duyệt để gửi UBND các tỉnh, đề nghị ưu tiên tiêm vắc-xin sớm cho người lao động trong ngành chế biến lâm sản, gỗ.

Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Bộ sẽ đồng hành cùng hiệp hội, doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp phát huy sự chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch.

“Trong những khó khăn, thách thức hiện nay cũng thấy các cơ hội thời gian tới. Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để phục hồi căn cơ bài bản và khả thi. Đây cũng là cơ hội chúng ta đổi mới lại cách quản lý, quản trị của từng doanh nghiệp. Về lâu dài không chỉ là phục hồi mà còn phải thích ứng với dịch để phát triển” - ông Lê Quốc Doanh nói.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam