“Lợi ích kép” từ phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

18:48 | 07/09/2021 Print
(TBTCVN) - Gia tăng độ bao phủ của bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên không chỉ đơn thuần là đảm bảo chăm sóc y tế cho nhóm chủ nhân tương lai của đất nước, chính sách này ngày càng thể hiện tính ưu việt và “lợi ích kép” trong phát triển đối tượng, góp phần tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

bh

Việc tổ chức thu bảo hiểm y tế học sinh sinh viên trong năm học 2021 - 2022 có thể gặp nhiều khó khăn do Covid-19.

Tăng quyền lợi khám chữa bệnh cho học sinh, sinh viên

Việc triển khai chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) với nhóm công dân tiềm năng là học sinh, sinh viên (HSSV) đang cho thấy những kết quả tích cực từ thực tiễn. Thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, những năm gần đây, số lượng HSSV tham gia BHYT đã gia tăng đáng kể. Nếu như năm 2016, cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT (đạt tỷ lệ hơn 92,5%) thì đến năm 2017, đã có trên 16 triệu em tham gia (đạt tỷ lệ trên 93%); năm học 2019 - 2020, tỷ lệ bao phủ HSSV tham gia đạt hơn 96%. Năm học 2020 - 2021, toàn quốc đã có khoảng hơn 18 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt trên 97%, tăng 1,6% so với năm học 2019 - 2020; trong đó, có hơn 14,5 triệu tham gia theo diện HSSV và 3,5 triệu tham gia theo nhóm khác.

Ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, hiệu quả của chính sách BHYT HSSV không chỉ thể hiện qua diện bao phủ liên tục tăng trưởng hàng năm, mà thể hiện ở lợi ích thực tế chính sách này mang lại trong chăm sóc sức khỏe. Trong các năm qua, quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) BHYT của HSSV luôn được đảm bảo. Trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được nâng cao thì đối tượng HSSV cũng được hưởng thụ nhiều hơn lợi ích từ quỹ BHYT, từ chăm sóc sức khỏe ban đầu đến việc KCB.

Hàng năm, cơ quan BHXH chi gần 1.000 tỷ đồng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó chủ yếu dành cho nhóm HSSV. Thống kê từ năm 2016 đến nay cho thấy, tính trung bình mỗi năm có khoảng trên 8 triệu lượt HSSV được KCB BHYT với tổng chi phí lên tới hơn 2.100 tỷ đồng. Quỹ BHYT chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu lên đến hàng tỷ đồng. Đáng chú ý, BHYT chi trả đến 30% cho các trường hợp điều trị bệnh hiếm, trong khi quỹ BHYT ở hầu hết các quốc gia trên thế giới chưa chi trả.

Thống kê thực tế cho thấy, số lượt KCB, tổng chi từ quỹ BHYT, mức chi BHYT bình quân/thẻ cho mọi nhóm đối tượng liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt, nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu trích từ quỹ BHYT đảm bảo cho y tế trường học - quyền lợi chỉ có ở nhóm HSSV cũng liên tục tăng qua các năm. Nguồn kinh phí này đã, đang là một nguồn lực đáng kể đảm bảo cho công tác giáo dục kiến thức cũng như phục vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cho thế hệ tương lai của đất nước.

Hạn chế tình trạng “lựa chọn ngược”

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, sự gia tăng độ bao phủ BHYT hàng năm ở nhóm HSSV có một ý nghĩa đặc biệt. Bởi sự hình thành thói quen và in sâu nhận thức của nhóm HSSV tham gia sẽ là nền tảng để tạo nên sự bền vững của chính sách BHYT trong tương lai, khi nhóm đối tượng này trưởng thành, tham gia vào lực lượng lao động, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.

Một lợi ích kép nữa trong việc phát triển BHYT HSSV là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chính sách nhân văn và thiết thực này. Thực tế, bên cạnh sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam, tại mỗi địa phương, việc tăng cường trách nhiệm thực hiện Luật BHYT đối với các cấp, các ngành đang được cải thiện. Tại hầu hết các địa phương, UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo, liên ngành BHXH và giáo dục - đào tạo ban hành hướng dẫn thực hiện BHYT HSSV. Nhiều tỉnh, thành phố chủ động bố trí ngân sách địa phương, tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho HSSV trên địa bàn thêm 20 - 50% mức đóng ngoài phần được ngân sách hỗ trợ theo quy định.

Bên cạnh đó, với các phụ huynh HSSV, cùng với ý thức sâu sắc BHYT là quyền lợi gắn bó thiết thực với con em của họ khi ngồi trên ghế nhà trường, tình trạng “lựa chọn ngược” đã không còn là hiện tượng phổ biến như trước nữa. Trước đây, nhiều phụ huynh chỉ tham gia BHYT khi con mình mắc bệnh, cần điều trị với chi phí lớn nay đã chuyển sang chủ động tham gia BHYT cho con ngay từ khi còn khỏe mạnh. Có thể nói rằng, việc thực hiện BHYT bao phủ tất cả HSSV không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân HSSV, mà còn thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng và xã hội. Trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, HSSV cũng được lựa chọn là nhóm cần được sớm bao phủ BHYT, nhằm tạo động lực phát triển BHYT toàn dân bền vững vì một nền giáo dục toàn diện.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức thu BHYT HSSV trong năm học 2021 - 2022 có thể gặp nhiều khó khăn. Vì vậy ngay từ đầu năm học, BHXH Việt Nam đã xác định công tác BHYT HSSV cần phải được thực hiện với tinh thần chủ động, tích cực và linh hoạt hơn từ phía cơ quan BHXH. Một mặt tăng cường các hình thức giao dịch điện tử, tạo thuận lợi thực hiện nhanh gọn các thủ tục hành chính. Mặt khác, chủ động tuyên truyền, hướng dẫn các trường học, các phụ huynh bằng hình thức phù hợp, qua mạng xã hội, ứng dụng cung cấp tính năng chat nhóm như zalo…

Còn khoảng 3 - 4% học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế

Tuy đã đạt được kết quả tích cực, song theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện vẫn còn khoảng 3 - 4% học sinh sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế; tập trung ở nhóm sinh viên một số trường đại học, nhóm các em học sinh trường cao đẳng,trung cấp đào tạo nghề.

Mai Lâm

Mai Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam