TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp FDI sát cánh cùng thành phố chống dịch, phát triển kinh tế

11:24 | 08/09/2021 Print
(TBTCVN) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP. Hồ Chí Minh nỗ lực đồng hành chia sẻ cùng doanh nghiệp (bao gồm khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI), để giúp doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động trở lại.

9

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đồ họa: Hồng Vân

Cùng với 4 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho 85% người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Các doanh nghiệp FDI cũng quyết tâm sát cánh, đồng hành, chia sẻ cùng thành phố chống dịch để sớm phục hồi, phát triển kinh tế.

Đồng hành và chia sẻ

Đợt bùng phát dịch lần thứ tư trong những tháng vừa qua đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thu ngân sách, cũng như mục tiêu phát triển kinh tế của thành phố. Nhận định của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các chuyên gia cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của TP. Hồ Chí Minh năm 2021 có thể âm thay vì dương như 2020. Các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp,... đều chịu tác động tiêu cực. Hoạt động của các doanh nghiệp FDI theo đó cũng gặp không ít khó khăn khi hàng chục ngàn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, hàng trăm ngàn lao động mất việc làm. Nguy cơ đứt gãy chuỗi lưu thông, xuất khẩu hàng hóa lớn nếu không có giải pháp ứng phó mạnh mẽ, kịp thời.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, nhưng TP. Hồ Chí Minh vẫn nỗ lực duy trì ổn định các nguồn thu ngân sách nhà nước. Trong đó nổi bật nhất vẫn là thu từ khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI. Chỉ tính riêng 7 tháng năm 2021 mức đóng góp vào tổng thu ngân sách từ khối doanh nghiệp FDI là 38.281 tỷ đồng, đạt 63,7% dự toán, chiếm 16,6% tổng thu và tăng 8,8% so cùng kỳ. Số thu trên chỉ đứng sau khu vực ngoài nhà nước với 37.126 tỷ đồng, chiếm 21,3% tổng thu ngân sách.

Bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Products Việt Nam (Hà Lan) cho biết, từ ngày 15/7 - 15/8, khi phải áp dụng các quy định phòng, chống dịch, chi phí phát sinh của công ty là 140 tỷ đồng. Đến ngày 15/9, con số trên có thể tăng gấp đôi. Điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách và sản xuất của công ty. Ông Trần Tiến Phát - Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, cũng cho biết trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8/2021 so với tháng 6, nhân lực hiện tại của công ty đã giảm 70%, doanh số giảm 60%, mức độ giảm thu nhập của người lao động là 60%.

Nhiều kiến nghị được các doanh nghiệp, hiệp hội trong khối FDI đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn như vấn đề tiêm vắc-xin; cho phép doanh nghiệp tự test nhanh Covid-19, cho nhân viên và tăng giờ làm để phục hồi sản xuất; hỗ trợ thủ tục cho các chuyên gia thuận tiện đi lại; đơn giản hoá các thủ tục hải quan để hỗ trợ thông quan nhanh các thủ tục về thuốc và các thành phần phục vụ ngành Y tế...

Kỳ vọng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI, lãnh đạo thành phố bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp FDI phải kiên trì và đặt niềm tin vào công tác phòng chống dịch của thành phố. Thành phố luôn chia sẻ và tìm mọi cách để hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể sáng tạo nhiều phương thức với mục tiêu làm sao đảm bảo an toàn sản xuất, phải bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo vệ sản xuất cũng như các hợp đồng đã ký kết.

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh khẳng định, Thành phố luôn muốn người lao động được an toàn, đảm bảo điều kiện sản xuất. Thành phố khuyến khích các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đề xuất thêm mô hình tổ chức sản xuất thật phù hợp và hiệu quả, đảm bảo thực hiện tốt các quy định về chống dịch. Chủ trương của thành phố là tiêm vắc-xin cho người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất là 85%.

Trong tháng 8/2021, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do Covid-19, tập trung vào 4 nhóm giải pháp: hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực. Chính quyền tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đồng thời chủ động triển khai đến doanh nghiệp chính sách hỗ trợ tại Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; thủ tục thực hiện đơn giản, giải quyết nhanh và kịp thời. Cùng với đó, thành phố triển khai các chính sách hỗ trợ giảm giá tiền điện, nước (đợt 4) cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Võ Văn Hoan, thành phố đã giao các đơn vị chức năng chủ động tham mưu phân loại doanh nghiệp theo mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tác động đối với kinh tế - xã hội gồm 3 nhóm doanh nghiệp: phá sản, tạm dừng, đang hoạt động (mô hình 3T); trên cơ sở đó tổ chức rà soát, phân tích tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc từng nhóm, đề xuất chính sách phù hợp; tham mưu đề xuất tiêu chí xác định doanh nghiệp cần được ưu tiên tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đạt kết quả nhanh, ưu tiên theo lĩnh vực ngành nghề.

Đối với các vấn đề về thủ tục liên quan hỗ trợ tài chính, tín dụng, giảm thuế như các doanh nghiệp đề xuất, lãnh đạo chính quyền thành phố thống nhất cao việc hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp FDI) và đã có văn bản đề xuất về mặt chính sách gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để sớm ban hành các chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Các doanh nghiệp FDI đánh giá cao sự quan tâm của thành phố

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp: Hoa Kỳ, châu Âu, Đức, Nhật Bản trong buổi gặp mặt với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh mới đây đều đánh gia cao sự quan tâm của thành phố nhiều năm qua trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện tối đa cho khối doanh nghiệp FDI mở rộng, phát triển nhiều loại hình kinh doanh; giúp các doanh nghiệp ổn định cùng thành phố phát triển kinh tế - xã hội. Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội FDI khẳng định, giữa lúc đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp nhưng lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh luôn chú tâm dành thời gian tổ chức gặp gỡ trao đổi, tìm hiểu, nắm bắt thông tin, những khó khăn đề xuất từ phía các doanh nghiệp FDI là điều vô cùng cảm động, thể hiện sự quan tâm đặc biệt dành cho doanh nghiệp…

Các doanh nghiệp, hiệp hội cũng đề nghị cho phép lưu thông, vận chuyển hàng hoá không nằm trong danh sách cấm lưu thông, theo tinh thần Công văn 4482 của Bộ Công thương, trên cơ sở đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặc biệt là trường hợp tái nhập cảnh của các chuyên gia; kiến nghị về việc tiếp tục đề xuất miễn giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp…

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam