Kinh tế ASEAN-5 tăng trưởng vượt bậc trong nhiều thập kỷ qua

17:27 | 08/09/2021 Print
Các nền kinh tế trong ASEAN-5 đạt được sự tăng trưởng vượt bậc do thực hiện chính sách phục hồi kinh tế phù hợp.

Tại Malaysia: Tăng trưởng kinh tế (năm so với năm) tăng từ -0,5% trong quý 1/2021 lên 16,1% trong quý 2/2021. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được theo dõi từ năm 2000, chủ yếu do đầu tư cố định và chi tiêu hộ gia đình phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh tế được mở cửa trở lại hơn.

Trong đó, tiêu dùng hộ gia đình (11,6% so với -1,5% trong Q1) và đầu tư cố định 16,5% so với -3,3%).Ngoài ra, chi tiêu Chính phủ tăng nhanh hơn (9,0% so với 5,9%). Về mặt sản xuất, sản lượng phục hồi đối với khai khoáng (13,9% so với -5%), dịch vụ (13,4% so với -2,3%), xây dựng (40,3% so với -10,4%), trong khi lĩnh vực sản xuất mở rộng hơn nhiều (26,6% so với 6,6%).

xuat khau
Nhiều nước ASEAN-5 đạt được sự tăng trưởng cao nhờ thực hiện các chính sách phục hồi kinh tế trong dịch bệnh. Ảnh: TL

Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý 2/2021 của Malaysia đạt 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng do Chính phủ áp dụng lệnh phong toả toàn diện trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã quyết định hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 từ mức 6-7,5% trước đó xuống còn 3-4%.

Chỉ số PMI sản xuất tăng từ mức 40,1 điểm trong tháng 07/2021 lên mức 43,4 điểm trong tháng 8/2021. Chủ yếu do sản lượng giảm ít nhất kể từ tháng 5 và các đơn đặt hàng mới giảm ở mức thấp nhất trong chuỗi ba tháng giảm hiện tại.

Tại Philippines: Tăng trưởng kinh tế (năm so với năm) tăng từ -3,9% trong quý 1/2021 lên 11,8% trong quý 2/2021, đây là lần mở rộng đầu tiên trong nền kinh tế kể từ quý 4/2019 và là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý 4/1988, chủ yếu do chi tiêu của tư nhân và đầu tư cố cố định phục hồi mạnh mẽ.

Cụ thể, tiêu dùng tư nhân (7,2% so với -4,7% trong Q1) và đầu tư cố định (37,4% so với -18,2%) phục hồi mạnh mẽ. Về mặt sản xuất, hoạt động tăng trở lại chủ yếu là xây dựng (25,7% so với -22,6%), vận tải và lưu kho (23,4% so với -19,6%), hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống (53,4% so với -22,5%), bất động sản và sở hữu nhà ở (16,7% so với -11,7%), thương mại bán buôn và bán lẻ (5,4% so với -3,4%), trong khi sản xuất tăng trưởng nhiều hơn (22,3% so với 0,5%).

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Xã hội Karl Chua việc kỳ vọng về tăng trưởng tích cực này có thể khó kéo dài trong thời gian tới do tình trạng phong tỏa hiện tại ở Manila và nhiều khu vực khác.

Chỉ số PMI sản xuất giảm từ 50,4 điểm trong tháng 7 xuống 46,4 điểm trong tháng 8/2021, chủ yếu do sản lượng và đơn đặt hàng mới giảm. Trong đó, sản lượng giảm tháng thứ năm liên tiếp, với tốc độ sụt giảm nhanh thứ tư trong lịch sử chuỗi theo dõi, các đơn đặt hàng mới giảm mạnh nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu và xuất khẩu giảm với tốc độ cao hơn kể từ tháng 7/2020. Chỉ số niềm tin kinh doanh giảm từ 17,4 điểm trong quý 1/2021 xuống 1,4 điểm trong qúy 2/2021. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng từ -34,7 điểm trong quý 1 lên -30,9 điểm trong quý 2/2021.

Tại Thái Lan: Tăng trưởng kinh tế (năm so với năm) tăng từ -2,6% trong quý 1/2021 lên 7,5% trong quý 2/2021. Đây là mức mở rộng đầu tiên của nền kinh tế trong sáu quý, và là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý 4 năm 2012, chủ yếu do tiêu dùng tư nhân, đầu tư cố định và chi tiêu của Chính phủ tăng.

Trong đó, tiêu dùng tư nhân tăng trở lại mạnh mẽ (4,6% so với -0,3% trong Q1), đầu tư cố định mở rộng nhanh hơn (8,1% so với 7,3%) và chi tiêu Chính phủ tiếp tục tăng (1,1% so với 2,1%). Về mặt sản xuất, sản lượng mở rộng chủ yếu cho các hoạt động dịch vụ lưu trú & ăn uống (13,2% so với -35,5%), vận chuyển và lưu kho (11,6% so với -17,7%), chế tạo (16,8% so với 1,0%).

Chỉ số PMI sản xuất giảm từ 48,7 điểm trong tháng 7 xuống 48,3 điểm trong tháng 8/2021, do đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm trong tháng thứ 4 liên tiếp và với tốc độ nhanh hơn so với tháng 7, trong khi đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm lần đầu tiên sau 6 tháng. Chỉ số niềm tin kinh doanh giảm từ 41,4 điểm trong tháng 7 xuống 40 điểm trong tháng 8/2021.

Tại Indonesia: Tăng trưởng kinh tế tăng từ -0,71% trong quý 1/2021 lên 7,07% trong quý 2/2021. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế mở rộng trong 5 quý và là tốc độ mạnh nhất kể từ quý 4 năm 2004, chủ yếu do chi tiêu của Chính phủ, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư cố định đều tăng. Trong đó, tiêu dùng hộ gia đình (5,93% so với -2,22% trong Q1), đầu tư cố định (7,54% (so với -0,23%) và chi tiêu Chính phủ tăng nhanh hơn (8,06% so với 2,34%). Về mặt sản xuất, sản lượng tăng chủ yếu cho vận tải và kho bãi (25,10%), dịch vụ ăn uống (21,58%).

Chỉ số PMI sản xuất tăng từ 40,1 điểm trong tháng 7 lên 43,7 điểm trong tháng 8/2021. Mặc dù hoạt động sản xuất có sự cải thiện chút ít so với tháng trước nhưng nhìn chung vẫn ở phạm vi thu hẹp chủ yếu do sản lượng và đơn đặt hàng mới vẫn giảm.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam