Mở cửa lại nền kinh tế cần sự phối hợp đồng bộ và chuẩn bị kỹ lưỡng

15:35 | 08/09/2021 Print
Đứng trước dự báo dịch bệnh sẽ khó kiểm soát hoàn toàn trong ngắn hạn, TS. Phạm Công Hiệp thuộc Đại học RMIT cho rằng, Việt Nam nên cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể vừa mở cửa lại nền kinh tế, vừa sống chung với dịch trong thời gian tới.

DN

Nên có ngay giấy thông hành cho những người đã tiêm đủ vắc-xin để họ có thể tham gia tích cực hơn vào hoạt động kinh tế. Ảnh minh họa

Cân nhắc kỹ 2 nhóm điều kiện về kinh tế và xã hội

TS. Phạm Công Hiệp cho biết, một số nước trong khu vực với tỷ lệ tiêm vắc-xin cao như Singapore hay Thái Lan hiện đã mở cửa nền kinh tế và chấp nhận sống chung với dịch, một phần do xác định rằng mục tiêu miễn dịch cộng đồng tuyệt đối sẽ gần như không thể đạt được và thiệt hại kinh tế do đóng cửa nền kinh tế kéo dài là quá cao.

Hiện các nước mở cửa lại nền kinh tế đều áp dụng biện pháp giảm quy mô và mức độ tập trung xã hội, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan cộng đồng. Nếu không, việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm lan rộng và các hệ quả xã hội nghiêm trọng.

Đối với trường hợp của Việt Nam, để có thể vừa mở cửa lại nền kinh tế, vừa sống chung với dịch trong thời gian tới, TS. Hiệp cho rằng, về cơ bản, việc mở cửa lại cần cân nhắc kỹ hai nhóm điều kiện chính là kinh tế và xã hội.

Nhóm điều kiện về mặt kinh tế phụ thuộc vào khả năng sản xuất và trang thiết bị của doanh nghiệp trong điều kiện hạn chế dịch bệnh khắt khe. Cho dù mở cửa hoạt động lại, doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực sẽ phải thay đổi phương thức hoạt động như thực hiện giãn cách vật lý giữa người lao động và khách hàng, trang bị tấm che ngăn cách, giảm số lượng khách trong cùng không gian, giảm thiểu giao tiếp trực tiếp và sử dụng công nghệ nhiều hơn.

Như vậy, số lượng lao động trong các khu công nghiệp, nhà xưởng sẽ phải giảm khá lớn, lượng hành khách trên máy bay, xe khách, nhà hàng cũng phải giảm tương tự, trong khi chi phí vận hành, nhà xưởng không giảm tương xứng, dẫn đến tăng chi phí hoạt động trong doanh nghiệp. Một mặt nữa là người lao động cũng sẽ phải xét nghiệm Covid-19 thường xuyên để đáp ứng yêu cầu kiểm soát dịch. Điều này cũng sẽ tăng gánh nặng cho người lao động và doanh nghiệp.

Nhóm điều kiện thứ hai về mặt xã hội, theo TS. Hiệp là sự chấp nhận của Chính phủ và cộng đồng về tỷ lệ hợp lý lây nhiễm cộng đồng và tỷ lệ tử vong do bệnh dịch. Với chủng mới Delta, hầu hết các nước trên thế giới kể cả các nước với tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ, Anh, Singapore cũng khó kiểm soát được mức độ lây nhiễm cộng đồng, tuy nhiên tỷ lệ nhập viện và tử vong ở trong mức kiểm soát, đặc biệt hầu hết bệnh nhân nhập viện đều chưa tiêm vắc-xin.

Vì vậy, ông đề xuất, những người đã tiêm vắc-xin mũi 1 và 2 nên được tham gia hoạt động xã hội và sản xuất thoáng hơn so với những người chưa được tiêm mũi nào. Nên có ngay giấy thông hành cho những người đã tiêm đủ vắc-xin để họ có thể tham gia tích cực hơn vào hoạt động kinh tế, nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại do đổ vỡ chuỗi cung ứng như hiện nay.

Ưu tiên những ngành nghề thiết yếu

Theo TS. Hiệp, khi mở cửa lại nền kinh tế, cần ưu tiên các ngành nghề thiết yếu. Các chợ đầu mối, siêu thị, dịch vụ logistics giao nhận, dịch vụ y tế và hành chính công nên được ưu tiên mở cửa trước. Đây là những lĩnh vực ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định xã hội, an sinh của người dân. Người dân sẽ khó đồng hành với các nỗ lực của Chính phủ trong phòng chống dịch nếu nhu cầu căn bản về ăn uống, khám chữa bệnh bị gián đoạn.

Tiếp theo là các ngành sản xuất, khu công nghiệp đầu tàu về tạo công ăn việc làm và hoạt động kinh tế, cần được ưu tiên nhằm không gây gián đoạn nghiêm trọng thêm, khi người lao động bỏ về quê, thì việc quay trở lại làm việc sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về chính sách thuế, thuê nhà xưởng, chi phí logistics, hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho công nhân và người lao động. Việc đáp ứng yêu cầu chặt chẽ trong sản xuất về phòng chống dịch lâu dài rất cần những hỗ trợ thiết thực của Chính phủ để giúp doanh nghiệp có thể tái khởi động sản xuất, góp phần bình ổn nền kinh tế sau gần 3 tháng gián đoạn nghiêm trọng.

Cũng theo TS. Hiệp, quan trọng nhất là cần sự phối hợp đồng bộ. Việc thống nhất các biện pháp phòng chống dịch ở tất cả các tỉnh thành là rất quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa và sản xuất. Một số ví dụ gần đây khi xe vận chuyển hàng hóa vào một số tỉnh thành phải sang tải, đổi xe, đổi tài xế gây phát sinh chi phí, thời gian và bất ổn trong việc lên kế hoạch sản xuất và thời gian giao hàng. Các thành phố lớn sẽ không thể hoạt động bình thường nếu các tỉnh thành lân cận không phối hợp các nỗ lực mở cửa.

“Có thể chấp nhận một số khác biệt trong biện pháp chống dịch nhằm đáp ứng khả năng y tế của từng địa phương, nhưng chúng ta cần xác định các ngành sản xuất dịch vụ đòi hỏi tính liên kết cao giữa các địa phương để có biện pháp giải tỏa thông suốt liên tỉnh, có biện pháp nhất quán từ trung ương. Có như vậy mới đảm bảo từng bước mở cửa nền kinh tế và kiểm soát dịch hiệu quả trong giai đoạn đáp ứng mới với đại dịch” - TS. Hiệp nhấn mạnh.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam