Cục DTNN Khu vực Đông Nam Bộ: Hoàn thành xuất, cấp, bàn giao gạo hỗ trợ cho các địa phương vùng dịch

15:08 | 09/09/2021 Print
Gần 12 nghìn tấn gạo (bao gồm cả đột xuất) được xuất, cấp, bàn giao cho 6 địa phương nằm trong “điểm nóng” dịch Covid -19 trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng Cục Dự trữ Nhà nước Khu vực Đông Nam Bộ vẫn đảm bảo hoàn thành 100% đúng thời hạn 10/9.

anh moi

Bốc xếp gạo qua băng chuyền từ kho dự trữ ra xe vận chuyển. Ảnh: Vân Hà

Xuất cấp gạo trong lúc đơn vị có 2 F0

Theo Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) Khu vực Đông Nam Bộ Nguyễn Văn Khoa, những ngày qua đơn vị đã dồn hết mọi nguồn lực để triển khai nhiệm vụ chính trị trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nguy cơ lây nhiễm cao, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ. Hầu hết địa bàn giao, nhận gạo do đơn vị đảm nhiệm đều là “điểm nóng” có số ca nhiễm Covid -19 đứng đầu cả nước.

Cũng theo ông Khoa, chính vì làm việc trong môi trường đặc biệt như vậy nên một số cán bộ trong đơn vị khó tránh khỏi sự lây nhiễm Covid-19 từ trong cộng đồng. Thực tế đã có 2 công chức dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện ngay sau khi nhận quyết định triển khai xuất, cấp, bàn giao gạo hỗ trợ cho các địa phương.

Ngay lập tức các ca F0 được cách ly, bóc tách, 1 chi cục phải khoanh vùng, một số trường hợp được xác định là F1 do có tiếp xúc với F0 phải cách ly tại nhà.

“Quân số hiện có của đơn vị mỏng, 1 số công chức có nhà ở nằm trong vùng phong tỏa, trong khi thời gian xuất cấp hàng dự trữ quốc gia (DTQG) lại ngắn, vùng Nam Bộ lại đang là cao điểm mùa mưa, nhân công bốc xếp gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16 +, hơn thế nữa, địa bàn giao nhận gạo quá rộng… Đây thực sự là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và thách thức.”- Cục trưởng Nguyễn Văn Khoa bày tỏ.

Trước ngày 23/8, thời điểm trước khi TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương áp dụng tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, Cục DTNN Khu vực Đông Nam Bộ vừa hoàn thành xuất, cấp, bàn giao 559 tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tại 7 huyện, thị của tỉnh Bình Phước, đơn vị lại tiếp tục triển khai ngay việc xuất cấp, bàn giao 8.697,35 tấn gạo cho 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Dương.

Tại tỉnh Tây Ninh, do lượng gạo hỗ trợ ít, địa bàn triển khai thuận lợi, chỉ trong 2 ngày 24- 25/8 đã hoàn thành bàn giao 336,255 tấn gạo hỗ trợ cho địa phương.

Riêng tại tỉnh Bình Dương do số lượng gạo đợt 1 lớn (8.361 tấn) bắt đầu triển khai từ ngày 23/8 đến nay đơn vị đã hoàn thành 100% số gạo nói trên kịp thời phân bổ, hỗ trợ cho hàng vạn hộ dân đang gặp khó khăn trong “vùng đỏ” tại 9 huyện, thị xã, thành phố (hoàn thành trước thời điểm ngày 10/9).

Đáp ứng tốt nhiệm vụ đột xuất

Ông Nguyễn Văn Khoa cho biết, cùng thời điểm từ đầu tháng 9 đến nay đơn vị tiếp tục được phân bổ và giao nhiệm vụ đột xuất, xuất, cấp bàn giao bổ sung nguồn gạo DTQG cho tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, tỉnh Đồng Nai 1.528 tấn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 1.067 tấn, TP. Hồ Chí Minh bổ sung 40,8 tấn.

Theo ông Khoa, ngoài nhiệm vụ xuất cấp thông thường, để có đủ lượng gạo bổ sung xuất, cấp, hỗ trợ kịp thời cho người dân đang gặp khó khăn theo yêu cầu cấp bách, Cục DTNN Khu vực Đông Nam Bộ đảm nhiệm thêm phần gia công xay xát thêm 4.000 tấn thóc vụ Đông Xuân năm 2020 và 2021.

Bà Nguyễn Thị Vân Hà – Trưởng phòng Thanh tra Cục DTNN Khu vực Đông Nam Bộ cho biết, trước ngày 10/9 (mốc thời gian theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính), đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ xuất, cấp, vận chuyển, bàn giao 11.893 tấn gạo (bao gồm cả đột xuất) cho 6 tỉnh, thành phố trong khu vực. Quá trình triển khai nhanh gọn, không để xảy ra sai sót, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ cấp bách “thời chiến”.

anh moi
Huy động cả cán bộ thủ kho làm nhiệm vụ bốc xếp gạo. Ảnh: Vân Hà

Bà Hà cho biết, quá trình triển khai, đơn vị nhận được sự quan tâm, phối kết hợp trên tinh thần khẩn trương, vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đơn vị nhận hàng DTQG; sự giúp đỡ của lực lượng quân đội, lực lượng tại chỗ ở các địa phương, bốc hàng xuống để giải phóng phương tiện nhanh chóng quay đầu thực hiện các chuyến hàng mới.

Theo Cục trưởng Nguyễn Văn Khoa, bên cạnh nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm, khắc phục khó khăn, đơn vị không để bị động, không lúng túng trước những tình huống phát sinh xảy ra. Nhờ chủ động thực hiện nhiệm vụ “kép” chỉ trong thời gian 19 - 20 ngày đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao góp phần không nhỏ trong công tác chống dịch tại địa bàn./.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam