Thực lòng thương dân

09:16 | 10/09/2021 Print
(TBTCVN) - Dịch bệnh hoành hành và ngấm sâu, căng mình chống dịch trong liên tục 5 tháng qua đã khiến nguồn lực hỗ trợ từ trung ương đến lúc chưa thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của địa phương.

Nhân viên y tế TP.Hồ Chí Minh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân thành phố.

Nhân viên y tế TP. Hồ Chí Minh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân thành phố.

Tình hình đòi hỏi chính quyền các cấp phải nỗ lực ở mức cao nhất, trách nhiệm ở mức cao nhất và hơn cả là phải thực lòng thương dân để đảm bảo chính sách “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tiền ít nhưng vẫn không để người dân nào bị đói.

Nghị quyết 68 của Chính phủ dành 26 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho người dân khó khăn vì đại dịch Covid-19, thể hiện nỗ lực rất cao của Chính phủ không để ai bị bỏ lại phía sau. 26 nghìn tỷ đồng là số tiền lớn và đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh ngân sách nhà nước ngặt nghèo. Nhưng cơn càn quét dữ dội của đại dịch lên đời sống người dân đã khiến cho 26 nghìn tỷ đồng chỉ như muối bỏ biển.

Người giàu cũng khóc

Điều này được nhìn thấy thật rõ ràng khi hồi trung tuần tháng 8, thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho riêng TP. HCM gần 28.000 tỷ đồng để hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày trong thời gian 98 ngày cho 4.740.330 người lao động nghèo và 1.500.000 đồng/hộ/tháng trong thời gian 2 tháng cho các hộ nghèo ở thành phố này. Đó là không kể các địa phương khác cũng đề xuất cần được hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng, như Bình Dương đề xuất được hỗ trợ hơn 7.600 tỷ đồng…

Đường dây rất nóng

Để chống dịch, các địa phương mở đường dây nóng. Còn ở Chính phủ thì đó là đường dây rất nóng. Vừa nghe thông tin hơn 90% người dân tại khu vực 4/11, tổ 52, ấp Thới Tứ 2, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn chưa nhận được gói hỗ trợ nào, không liên hệ được các đường dây nóng; cán bộ phường yêu cầu người dân phải có chứng nhận tiêm vắc-xin mũi 1 mới được nhận hỗ trợ; bệnh viện Xuyên Á Hóc Môn bắt buộc người bệnh Covid-19 cam kết không sử dụng bảo hiểm xã hội khi vào cấp cứu… Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND TP. HCM kiểm tra và xử lý ngay.

Vào cuối tháng 8, Thủ tướng cũng ký ban hành riêng một Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng công an tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường rà soát, thu dung người “lang thang, cơ nhỡ” trên địa bàn để xét nghiệm, phân loại, đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc tổ chức quản lý để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

TP. HCM và Bình Dương đều là những địa phương được xem là giàu nhất cả nước mà đến lúc này cũng lâm cảnh “người giàu cũng khóc”, cực chẳng đã mới phải đề xuất khẩn cấp hỗ trợ. Và không chỉ đề xuất Trung ương hỗ trợ bằng tiền, mà còn cả gạo. Chẳng hạn như Đồng Nai kiến nghị hỗ trợ hơn 3.128 tấn gạo, Long An cần hỗ trợ hơn 2.392 tấn gạo, Kiên Giang kiến nghị hỗ trợ hơn 4.550 tấn gạo; Cà Mau cần hỗ trợ hơn 2.862 tấn gạo. TP. HCM đề nghị số gạo cần hỗ trợ lên đến 142.000 tấn gạo.

Vẫn chưa hết, không chỉ cần hỗ trợ tiền, gạo, mà còn là cần hỗ trợ người, hỗ trợ vắc-xin, hỗ trợ kit xét nghiệm… Như Bình Dương cần 100 trạm y tế lưu động (mỗi trạm cần 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng) để ứng cứu cho người dân nhưng đang thiếu nhân lực nên đề nghị Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các tỉnh, thành bạn chi viện…

Về đề xuất hỗ trợ gạo cho TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1415 ngày 20/8, trong đó giao Bộ Tài chính xuất cấp 71.104,95 tấn gạo cho UBND TP. HCM để cấp cho 4.740.330 người lao động nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong thời gian 1 tháng.

Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính), thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngành Dự trữ Nhà nước không quản ngày đêm, phối kết hợp với văn phòng các cục dự trữ khu vực, các chi cục dự trữ nhà nước trực thuộc với các ban, ngành địa phương kịp thời xuất cấp, vận chuyển và bàn giao gạo tới người dân tại tâm dịch.

Tính đến hết ngày 6/9/2021, các cục DTNN khu vực đã xuất cấp hơn 52.352 tấn gạo dự trữ quốc gia (DTQG) hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 ở các địa bàn thuộc 27 tỉnh, thành phố ở miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố phía Nam. Một số đơn vị đã hoàn thành trước hạn 100% nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN giao. Toàn bộ số gạo DTQG đã được các sở, ban, ngành địa phương kịp thời đưa tới tận tay hàng chục nghìn người dân ở nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, đặc biệt là người dân ở các khu vực phải thực hiện phong tỏa, cách ly y tế, bị ngừng việc, mất việc.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”

Quan tâm đặc biệt người nghèo

“Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt công tác an sinh xã hội, nhất là bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đến tận tay người dân, nhất là ở khu cách ly, quan tâm đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các địa phương phải nắm chắc tình hình, xử lý ngay, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu. Dù khó khăn đến đâu, cũng phải bền bỉ thực hiện tốt”. - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Dịch bệnh hoành hành và ngấm sâu, căng mình chống dịch trong liên tục 5 tháng qua đã khiến nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương đã đến lúc khó đáp ứng kịp thời nhu cầu của địa phương. Tình hình đòi hỏi chính quyền các cấp phải nỗ lực ở mức cao nhất, trách nhiệm ở mức cao nhất và hơn cả là phải thực lòng thương dân để đảm bảo chính sách “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tiền có thể ít nhưng vẫn giúp được không người dân nào bị đói.

Tỉnh Bình Dương ngoài việc triển khai chính sách an sinh xã hội theo quy định của Chính phủ đã linh hoạt tìm nhiều nguồn để hỗ trợ người dân, người lao động trên tinh thần đủ, nhanh không để sót ai. Sau khi rà soát thấy còn 109.000 người lao động rất khó khăn nhưng lại không có trong diện hỗ trợ, Bình Dương vẫn quyết định trích nguồn kinh phí phòng, chống dịch để hỗ trợ toàn bộ những người này.

TP. HCM đã giải ngân hơn 6.000 tỷ đồng hỗ trợ người khó khăn do dịch Covid-19 và trao tặng 1,6 triệu túi an sinh, cố gắng tới ngày 10/9, sẽ phát xong 14.000 tấn gạo cho bà con. TP. HCM đã ra Nghị quyết 09 dành hỗ trợ cho nhóm lao động tự do để thực hiện gói hỗ trợ thứ nhất, sau đó rà soát thấy giáo viên mầm non không có trong nhóm này nên tiếp tục ra thêm gói hỗ trợ thứ 2. Tiếp tục rà soát lại thấy vẫn bỏ sót những người dân đang bị kẹt lại TP. HCM do dịch, không thể về quê được nên TP. HCM quyết định ai mất việc, không có thu nhập, khó khăn thì đều được hỗ trợ.

Công khai nhận khuyết điểm trước người dân khi còn để bỏ sót những người trong cảnh cơ hàn chưa nhận được hỗ trợ, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi quả quyết mục tiêu, sự phấn đấu của chính quyền thành phố là không để bất kỳ một người nào không nhận được hỗ trợ hay thiếu lương thực, thực phẩm dẫn đến thiếu đói.

Sức ép mở cửa

Nghị quyết 68 được ban hành ngày 1/7/2021, nhanh chóng đi vào cuộc sống, như thống kê của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, chỉ trong 15 ngày đầu, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và thực hiện thần tốc, nhiều địa phương đạt kết quả cao. Đến nay, sau hơn 2 tháng triển khai, đã có khoảng 15 triệu lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với tổng số tiền 8,4 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ 1,2 triệu lao động tự do với số tiền hơn 2,1 nghìn tỷ đồng; có 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được nhận hỗ trợ.

Tuy nhiên, dịch thì vẫn đang kéo dài, số tiền hỗ trợ người dân đã nhận được khó mà giữ cho họ không rơi cảnh thiếu đói, trong khi nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ cho dân là cực kỳ căng thẳng. Sức ép kiểm soát bằng được dịch bệnh để sớm mở cửa trở lại càng lúc càng trở nên dồn dập đối với cả hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Từ “tâm bão”, nơi vẫn có thêm hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên tuyên bố: "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục nhưng tiếp tục trong điều kiện có niềm tin dẫn tới chiến thắng. TP. HCM đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại bình thường mới".

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam