Áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế IFRS tại Việt Nam cùng KPMG

Bài 2: Những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý khi áp dụng chuẩn mực IAS 36

12:04 | 10/09/2021 Print
(TBTCO) - Việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS), trong đó có IAS 36 – Suy giảm giá trị tài sản, vào thực tế còn nhiều vấn đề và thách thức.
Bài 2: Những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý khi áp dụng chuẩn mực IAS 36
Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Kiểm toán KPMG Việt Nam.

Năm 2020, 87,2% các doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Làn sóng dịch bệnh thứ 4 với số ca lây nhiễm gia tăng trong thời gian gần đây đang cản trở rất lớn tới sự phục hồi kinh tế của các doanh nghiệp.

Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do giảm tiếp cận thị trường, suy yếu dòng tiền, đứt đoạn chuỗi cung ứng…, các doanh nghiệp này còn gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn vốn mới, do các ngân hàng và nhà đầu tư e ngại doanh nghiệp chưa đánh giá đúng sự suy giảm giá trị tài sản của mình trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Việc áp dụng IFRS, trong đó có IAS 36, sẽ giúp doanh nghiệp lập báo cáo tài chính minh bạch hơn, giúp gia tăng sự tự tin của các nhà đầu tư và ngân hàng khi cân nhắc đầu tư hay cho công ty vay vốn.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên của Thời báo Tài chính phỏng vấn chuyên gia IFRS bà Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Kiểm toán tại KPMG Việt Nam.

PV: Theo bà, đâu là vấn đề cơ bản nhất các doanh nghiệp gặp phải khi nhìn nhận về giá trị tài sản của mình, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay?

Bà Phạm Thị Hoàng Anh: Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp là hay tập trung đánh giá các dấu hiệu suy giảm giá trị tài sản liên quan trực tiếp đến tài sản cụ thể ví dự như tài sản bị hư hỏng, lỗi thời hay không nằm trong kế hoạch sử dụng và bỏ qua các dấu hiệu suy giảm bên ngoài doanh nghiệp ví dụ như thay đổi bất lợi trong môi trường hoạt động do tính ít liên kết rõ ràng đến tài sản cụ thể.

Với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi các quốc gia cần phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, gây ra gián đoạn hoạt động của các doanh nghiệp thì các dấu hiệu bên ngoài trở nên khá rõ ràng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành nghề bị ảnh hưởng, ví dụ như các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: du lịch, khách sạn, vận chuyển…

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thường bỏ qua chúng vì tính tạm thời của sự kiện này, mà không xét đến ảnh hưởng lâu dài của nó đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ví dụ như việc suy giảm các tiêu chí doanh thu hay lợi nhuận ngân sách trong vòng nhiều năm liên tục, hay sự sụt giảm vốn hóa thị trường của doanh nghiệp dẫn tới lợi ích ước tính mang lại trong tương lai của tài sản đang ít hơn so với mức mong đợi của tài sản đó.

Vậy nên, việc sử dụng các xét đoán để nhận diện và đánh giá các dấu hiệu là vô cùng quan trọng và cần được thực hiện kỹ lưỡng và toàn diện.

PV: Việc xác định và tính toán suy giảm giá trị tài sản sẽ được thực hiện trên toàn bộ tài sản của doanh nghiệp hay chỉ cho những tài sản cụ thể có dấu hiệu suy giảm?

Bà Phạm Thị Hoàng Anh: Việc kiểm tra mức độ suy giảm giá trị tài sản thông thường được thực hiện cho từng tài sản riêng lẻ hay một nhóm tài sản (CGU) - là một nhóm tài sản nhỏ nhất có khả năng tạo ra dòng tiền một cách độc lập/hay phần lớn độc lập với dòng tiền từ tài sản khác hoặc nhóm tài sản khác.

Ví dụ như đối với một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ, nhóm tài sản (CGU) có thể được xác định là từng cửa hàng (store) trong trường hợp các cửa hàng này được quản trị một cách riêng lẻ để đo lường hiệu quả hoạt động của từng cửa hàng.

Trong quá trình công tác, tôi thấy các doanh nghiệp thường xác định CGU một cách đơn giản là 1 CGU bao gồm toàn bộ tài sản của doanh nghiệp dẫn tới một số tài sản lẽ ra không bị suy giảm giá trị sẽ phải gánh luôn cả phần lỗ từ suy giảm của tài sản bị suy giảm.

PV: Về mặt thực tiễn, khi thực hiện công tác tính toán giá trị suy giảm này, đâu là thử thách mà các doanh nghiệp phải đối mặt?

Bà Phạm Thị Hoàng Anh: Thử thách lớn nhất là tính phức tạp của mô hình tính toán, để tính toán được đúng và chuẩn thì quả là một kế toán viên xuất xắc!

Như chúng ta đã biết, để tính được giá trị thu hồi của tài sản bị suy giảm thì đầu tiên phải xác định đâu là giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán (FVLCD) và so sánh với giá trị sử dụng của tài sản (VIU). Đây là 2 thông số khá phức tạp để tính toán. Trong khi giá trị hợp lý thể hiện mức giá kỳ vọng của thị trường hiện tại và tương lai đối với tài sản (IFRS 13) thì giá trị sử dụng phản ảnh hiện giá của một dòng tiền tương lai được mong đợi tạo ra từ một tài sản riêng lẻ hay một khối tài sản (IAS 36).

Khi tính toán giá trị sử dụng (VIU), ban giám đốc phải đưa ra các giả định và xét đoán liên quan đến ước tính dòng tiền tạo ra từ tài sản trong tương lai ví dụ như tỷ lệ tăng trưởng hằng năm và tăng trưởng đều, tỷ lệ chiết khấu dòng tiền... các yếu tố này mang tính ước tính và chịu ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan, và có thể can thiệp vào các giả định nhằm tạo ra giá trị sử dụng cao hơn để tránh ghi nhận một khoản lỗ do suy giảm giá trị tài sản.

PV: Ngoài ra, còn có những vấn đề nào đáng lưu ý trong quá trình áp dụng thực tiễn chuẩn mực IAS 36 này?

Bà Phạm Thị Hoàng Anh: Một số doanh nghiệp hay bỏ sót tài sản dùng chung khi thực hiện kiểm tra hay phân bổ suy giảm giá trị của tài sản, Theo IAS 36, tài sản dùng chung được định nghĩa là “tài sản, ngoài lợi thế thương mại, đóng góp vào dòng tiền trong tương lai của hơn một CGU”.

Trên thực tế, tài sản dùng chung thường là tài sản không tự tạo ra dòng tiền độc lập, nhưng thay vào đó 'hỗ trợ' các nhóm tài sản khác của doanh nghiệp. Một số ví dụ tài sản dùng chung là tòa nhà đặt trụ sở chính, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trung tâm nghiên cứu.

Chuẩn mực cũng cho phép trong trường hợp không phân bổ được giá trị tài sản dùng chung vào nhóm tài sản (bởi vì việc phân bổ không thể thực hiện một cách hợp lý và nhất quán) thì việc kiểm tra suy giảm giá trị tài sản đối với tài sản dùng chung cũng không được thực hiện.

Việc kiểm tra suy giảm giá trị tài sản vốn phức tạp lại càng phức tạp hơn nếu có liên quan đến lợi thế thương mại. Lợi thế thương mại cũng tương tự tài sản dùng chung, không thể tự tạo ra dòng tiền mà phải được phân bổ vào tài sản/nhóm tài sản để thực hiện kiểm tra suy giảm giá trị tài sản.

Trong trường hợp lợi thế thương mại liên quan đến một số nhóm tài sản nhất định, việc phân bổ lợi thế thương mại có thể bị tính toán sai khi nó được phân bổ đều cho các nhóm tài sản thay vì chỉ phân bổ cho các nhóm tài sản liên quan đến việc tạo thành lợi thế thương mại.

PV: Để tránh những sai sót trong việc tính toán và ghi nhận suy giảm giá trị tài sản, các doanh nghiệp nên làm gì?

Bà Phạm Thị Hoàng Anh: Những vấn đề tôi nêu trên vẫn chưa thật sự hoàn toàn phản ánh hết tính phức tạp của việc áp dụng các quy định của chuẩn mực IAS 36, trên thực tế, còn rất nhiều vấn đề đáng lưu ý.

Do đó, sự tham gia của các chuyên gia tài chính và chuyên gia định giá độc lập là cần thiết trong việc kiểm tra suy giảm giá trị tài sản, do các yêu cầu không chỉ về kiến thức chuyên môn cần thiết trong mô hình chiết khấu và còn về hiểu biết thị trường để có thể đảm bảo chất lượng của thông tin sử dụng trong mô hình.

Báo cáo tài chính phải cung cấp thông tin hữu ích và có ý nghĩa cho các nhà đầu tư và những người sử dụng để họ có thể tự tin và hiểu rõ trong việc thực hiện đầu tư và các quyết định khác. Các tài sản trong phạm vi điều chỉnh của chuẩn mực này thường chiếm tỷ trọng lớn trên tổng tài sản của một công ty.

Giá trị của các tài sản này có thể ảnh hưởng không chỉ đến tình hình tài chính của công ty mà còn ảnh hưởng đến giá trị của công ty. Trong khi đó, việc áp dụng IAS 36 không hề đơn giản và không chỉ được thực hiện ở bộ phận kế toán mà đòi hỏi doanh nghiệp phải tích hợp các thông tin từ các phòng ban khác.

Tại Quyết định 345/QĐ-BTC, Bộ Tài chính đã quyết định đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam theo hai giai đoạn: tự nguyện (từ nay đến 2025) và bắt buộc (từ 2025 trở đi).

Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi hệ thống kế toán, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là trang bị kiến thức về IFRS cho đội ngũ nhân viên tài chính kế toán để có thể sẵn sàng áp dụng các chuẩn mực có tính chất phức tạp như chuẩn mực IAS 36 này. Bên cạnh tính phức tạp, đòi hỏi nhiều xét đoán và chuyên môn cao, việc thực hiện theo yêu cầu của chuẩn mực này cần nhiều công sức cũng như thời gian.

Vì vậy, khi thực hiện chuyển đổi sang áp dụng IFRS, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc việc thực hiện chuyển đổi IFRS trên hệ thống thay vì chuyển đổi thủ công nhằm giảm thiểu thời gian thực hiện đồng thời gia tăng độ chính xác của thông tin trình bày trên Báo cáo Tài chính.

PV: Cảm ơn bà Hoàng Anh về những chia sẻ này!

Bài viết tham khảo ý kiến chuyên gia bà Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Kiểm toán có thâm niên hoạt động hơn 13 năm tại KPMG Việt Nam. Với kiến thức chuyên sâu về các chuẩn mực báo cáo tài chính trong nước và quốc tế, bà Hoàng Anh đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, nông nghiệp và năng lượng về chuyển đổi sang Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Bà hiện đang là trưởng ban cố vấn chuyên môn để áp dụng IFRS trên hệ thống Oracle cho tập đoàn Thành Thành Công, đơn vị triển khai Oracle theo IFRS đầu tiên tại Việt Nam.

Xem thêm các bài phân tích khác về việc áp dụng IFRS tại Việt Nam tại IFRS Academy (https://home.kpmg/vn/en/home/services/audit/international-financial-reporting-standards/ifrs-academy.html)

Bài 1: Ghi nhận suy giảm giá trị tài sản của doanh nghiệp theo IAS 36 – các vấn đề thực tiễn áp dụng

PV

© Thời báo Tài chính Việt Nam