Thương mại ASEAN-5 tiếp tục tăng trưởng mạnh

16:15 | 10/09/2021 Print
Thương mại khu vực ASEAN đạt được những kết quả quả tích cực nhờ các biện pháp kiểm soát dịch của Chính phủ cũng như sự phục hồi từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc.

Tại Malaysia: Cán cân thương mại thặng dư 13,7 tỷ MYR trong tháng 7/2021, giảm 38,6% so với tháng 6/2021 và giảm 45,6% so với tháng 7/2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 97,3 tỷ MYR, giảm 7,8% so với tháng 6/2021 nhưng tăng 5,1% so với tháng 7/2020. Đây là mức tăng trưởng một con số đầu tiên trong 5 tháng qua, đóng góp chính là xuất khẩu của ngành nông nghiệp (29,2%), khai khoáng (18,3%) và hàng hóa chế tạo (2,3%).

Nhập khẩu cũng khả quan khi đạt 83,6 tỷ MYR, tăng 0,5% so với tháng 6/2021 và tăng 24,1% so với tháng 7/2020. Nhập khẩu nhiều nhất là hàng hóa trung gian (55,8%) và hàng tiêu dùng (7,7%).

Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại thặng dư 167 tỷ MYR, tăng 86,0% so với 7 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 859,4 tỷ MYR, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2020 và nhập khẩu đạt 692,4 tỷ MYR, tăng 53,3% so với 7 tháng đầu năm 2020.

kinh te
Thương mại khu vực ASEAN đạt được những kết quả quả tích cực. Ảnh: TL

Tại Thái Lan: Trong tháng 7/2021, cán cân thương mại thặng dư 0,18 tỷ USD, giảm 81,1% so với tháng 6/2021 và giảm 94,6% so với tháng 7/2020. Đây là mức thặng dư nhỏ nhất trong 3 tháng qua. Trong đó, xuất khẩu đạt 22,65 tỷ USD, giảm 4,4% so với tháng 6/2021 nhưng tăng 20,3% so với tháng 7/2020; nhập khẩu đạt 22,47 tỷ USD, giảm 1,3% so với tháng 6/2021 nhưng tăng 45,9% so với tháng 7/2020.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại thặng dư 2,63 tỷ USD, giảm 82,3% so với 7 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 155 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020 và nhập khẩu đạt 152,4 tỷ USD, tăng 28,7% so với 7 tháng đầu năm 2020.

Trong 7 tháng năm 2021, các sản phẩm xuất khẩu lớn như ô tô, thiết bị và phụ tùng (39,2%), các sản phẩm liên quan đến dầu (59,0%), đá quý và đồ trang sức (trừ vàng) (43,8%), sắt thép và các sản phẩm sắt thép (59,4%).

Những thị trường xuất khẩu chủ lực tăng như sau: Mỹ (22,3%), Trung Quốc (41,0%), Nhật Bản (23,3%), EU 27 (20,9%), Nga và SNG (53,0%). Trong khi đó, xuất khẩu giảm tại Thụy Sỹ (80,7%) và Úc (6,8%).

Theo Bộ Thương mại nước này thì kết quả trên là nhờ sự tích cực thực hiện các kế hoạch xuất khẩu của Bộ này và sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu.

Tại Indonesia: Trong tháng 7/2021, cán cân thương mại thặng dư 2,59, tăng 96,2% so với tháng 6/2021 nhưng giảm 20,6% so với tháng 7/2020. Đây là tháng thặng dư thứ mười lăm liên tiếp khi xuất khẩu đạt 18,55 tỷ USD, tăng 11,7% so với tháng 5/2021 và tăng 54,5% so với tháng 6/2020. Trong đó, xuất khẩu của các sản phẩm ngoài dầu khí (28,26%) và các sản phẩm dầu khí (50,08%). Xuất khẩu ngoài dầu khí lớn nhất là sang Trung Quốc với 3,57 tỷ USD, tiếp theo là Hoa Kỳ với 2,02 tỷ USD và Nhật Bản với 1,19 tỷ USD, đóng góp của ba nước đạt 40,57%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN và Liên minh châu Âu (27 nước) lần lượt đạt 3,18 tỷ USD và 1,55 tỷ USD.

Nhập khẩu cũng ghi nhận kết quả tích cực khi đạt 17,23 tỷ USD, tăng 21,1% so với tháng 5/2021 và tăng 60,1% so với tháng 6/2020. Trong đó, nhập khẩu lớn nhất đến từ sản phẩm dầu và khí tăng 86,39%, tiếp đến là sản phẩm ngoài dầu và và khí đốt tăng 40,21%.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại thặng dư 14 tỷ USD, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 120,25 tỷ USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2020 và nhập khẩu đạt 106,25 tỷ USD, tăng 30,4% so với 7 tháng đầu năm 2020.

Ba nước cung cấp hàng hóa ngoài dầu khí nhập khẩu lớn nhất trong 7 tháng năm 2021 là Trung Quốc 29,71 tỷ USD (32,00%), Nhật Bản 7,69 tỷ USD (8,28%) và Hàn Quốc 5,08 tỷ USD (5,47%). Nhập khẩu ngoài dầu khí từ ASEAN là 16,63 tỷ USD (17,91%) và Liên minh châu Âu là 5,81 tỷ USD (6,26%).

Tại Philippines: Cán cân thâm hụt 2,83 tỷ USD trong tháng 6/2021, tăng so với mức thâm hụt 2,76 tỷ USD của tháng 5/2021 và tăng so với mức thâm hụt 1,42 tỷ USD của tháng 6/2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 6,51 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 5/2021 và tăng 21,0% so với tháng 6/2020. Sản phẩm điện tử tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với tổng kim ngạch đạt 3,72 tỷ USD, chiếm 57,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tiếp theo là nhóm hàng chế tạo khác với giá trị xuất khẩu đạt 404,44 triệu USD (6,2%); nhóm hàng khoáng sản với 523,16 triệu USD (8,0%); và tổng sản phẩm nông nghiệp đóng góp 366,35 triệu USD (5,6%).

Theo đối tác thương mại lớn, xuất khẩu sang Mỹ chiếm giá trị xuất khẩu cao nhất lên tới 1,09 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đó là Trung Quốc với 1,06 tỷ USD (16,2%); Nhật Bản với 966,51 triệu USD (14,9%); Hồng Kông với 907,40 triệu USD (13,9%); và Singapore với 320,83 triệu USD (4,9%).

Nhập khẩu đạt 9,33 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng 5/2021 và tăng 23,7% so với tháng 6/2020. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu là sản phẩm điện tử với giá trị là 2,49 tỷ USD, chiếm 26,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Kế đến là nhiên liệu khoáng sản, dầu nhờn và các vật liệu liên quan, trị giá 1,20 tỷ USD (12,8%); thiết bị vận tải đạt 654,66 triệu USD (7,0%).

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại thâm hụt 17,44 tỷ USD, tăng 39,1% so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 35,9 tỷ USD, tăng 20,9% so với 6 tháng đầu năm 2020 và nhập khẩu đạt 53,34 tỷ USD, tăng 29,8% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam