Xuất khẩu cà phê sang EU: Không nâng cao chất lượng sẽ hao hụt thị phần

16:34 | 11/09/2021 Print
Xuất khẩu cà phê cần đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của châu Âu nếu như không muốn dần bị hao hụt thị phần tại thị trường tiềm năng này. Trong đó, một trong những điều kiện tiên quyết là thực hành sản xuất theo GlobalGAP.

Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, xuất khẩu suy giảm

Cà phê là một trong những loại nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Theo thông tin của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sản phẩm này xuất khẩu chủ yếu sang thị trường châu Âu, Mỹ, ASEAN...

5 quốc gia thuộc EU có kim ngạch nhập khẩu cà phê của Việt Nam lớn nhất bao gồm Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp. Tỷ trọng nhập khẩu của 5 quốc gia này chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Trong đó, EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, cũng là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất của Việt Nam. Nước ta cung ứng hơn 16% thị phần tại thị trường này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch và giá cả xuất khẩu cà phê đều suy giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, thời gian qua giá cà phê liên tục sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây.

Điển hình, tại thị trường Anh, từ đầu năm đến nay, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam giảm mạnh. Trong 6 tháng đã giảm 48,4% về lượng và giảm 49,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái và thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh giảm từ 27,32% xuống còn 16,35%. Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu nước ta và do sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng và xu hướng tiêu dùng của người dân Anh.

Cũng theo Bộ Công thương, từ đầu tháng 7 đến nay, khi tình hình dịch bệnh của các tỉnh phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai diễn biến phức tạp đã khiến cho xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA (Việt Nam - EU) gặp khó khăn.

xk

Doanh nghiệp Việt nên hướng đến sản phẩm cà phê hữu cơ. Ảnh: TL

Đặc biệt, điều đáng lo ngại hơn, đại dịch kéo dài đã và đang gây ra sự đứt gãy chuỗi xuất khẩu cà phê, nhất là thủ phủ Tây Nguyên. Nhiều doanh nghiệp đang lâm cảnh khó khăn trong phân phối, lưu thông, xuất khẩu chịu nhiều áp lực do thiếu hụt container rỗng, chi phí logistic tăng mạnh…

Trong khi đó, nông dân trồng cà phê cũng điêu đứng vì chi phí duy trì sản xuất, thu hoạch đều liên tục tăng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành cà phê nước ta trong tương lai.

Cần cải thiện chất lượng, nắm bắt thị hiếu để xuất khẩu bền vững

Chúng ta đều biết, với cam kết xóa bỏ thuế quan theo EVFTA, cơ hội mở rộng thị trường cũng như gia tăng thị phần xuất khẩu cà phê sang EU là rất lớn khi có 93% dòng thuế về 0%. Trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất chính là cà phê chế biến. Bên cạnh đó, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu, trong đó có sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột.

Đây là lợi thế cạnh tranh lớn cho cà phê Việt tại EU. Hơn nữa, ngành cà phê cũng đang đứng trước cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ hiện đại cho sản xuất để chế biến sâu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế….

Tuy nhiên, ngành cà phê nước ta hiện vẫn tồn tại rất nhiều, hạn chế, bất cập. Xuất khẩu với sản lượng lớn nhưng chủ yếu là sản phẩm thô, Việt Nam chưa tham gia được vào chế biến sâu. Hầu hết cà phê được thu gom thông qua các đại lý, doanh nghiệp nhỏ rồi bán lại cho các công ty, doanh nghiệp lớn trong nước và FDI sơ chế rồi xuất khẩu nên giá trị mang lại chưa cao. Nếu không nhanh chóng cải thiện chất lượng, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu...thì kim ngạch xuất khẩu cũng như thị phần của cà phê Việt vào châu Âu sẽ đứng trước nguy cơ hao hụt, suy giảm.

Đơn cử, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, hiện tại xuất khẩu cà phê sang Anh của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô, chế biến sơ, trong khi cơ cấu tiêu dùng tại đây chủ yếu là cà phê hòa tan, chiếm 41% thị phần, cao hơn rất nhiều so với bình quân 17% thị phần tại châu Âu. Dẫn đến, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm đáng kể và sẽ còn giảm mạnh trong tương lai nếu chúng ta không cải thiện chất lượng sản phẩm, tính bền vững về môi trường và truy xuất nguồn gốc…

Trước tình hình đó, các chuyên gia cho rằng, để xuất khẩu cà phê sang châu Âu bền vững, cà phê Việt phài đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này. Cụ thể, sản phẩm cần được chế biến sâu với chất lượng cao hơn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; các doanh nghiệp thực hành sản xuất theo GlobalGAP… Doanh nghiệp nên nhanh chóng bắt tay vào việc cải thiện để nắm bắt kịp thời cơ hội thị trường phục hồi giai đoạn hậu đại dịch.

Trong đó, doanh nghiệp Việt nên "để tâm" đếm thị trường rất tiềm năng là Anh với nhu cầu cao. Thêm vào đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đang giúp cà phê Việt có lợi thế cạnh tranh cao hơn những sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh để tạo lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Ngoài ra, Nhà nước cần thực hiện chính sách hoàn thiện chuỗi giá trị theo hướng bền vững của ngành sản xuất nông sản xuất khẩu, phải có một quy hoạch vùng hiệu quả, xây dựng kế hoạch liên kết vùng nhằm thúc đẩy hợp tác trong chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản… Và trước mắt cần cấp bách "cứu" doanh nghiệp, nông dân thông qua các chính sách hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, thuế phí, đất đai... /.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam