Hải Phòng: Quản lý tốt số dư tạm ứng để nguồn vốn đầu tư công đạt hiệu quả cao

18:54 | 11/09/2021 Print
Hải Phòng là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn mức bình quân chung của cả nước, tuy nhiên, số dư tạm ứng vốn đầu tư còn tương đối lớn. Kho bạc Nhà nước Hải Phòng đã rất nỗ lực trong việc thu hồi các khoản tạm ứng để nguồn vốn đầu tư công thực sự phát huy hiệu quả.

KBNN Hải Phòng giải ngân vốn đầu tư

Phối cảnh Cầu Rào 1 tại thành phố Hải Phòng (Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.276 tỷ đồng).

Thực hiện giải ngân song song với thu hồi tạm ứng

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của thành phố Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ giao là 7.291 tỷ đồng, HĐND thành phố giao 13.614 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 1.242 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương 12.372 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương được phân bổ cho từng dự án, chương trình theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vốn đầu tư công của thành phố được bố trí theo thứ tự ưu tiên các công trình trọng điểm, nhất là các công trình có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm và phân cấp vốn đầu tư công cho các quận, huyện…

Ông Lê Thanh Phương - Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hải Phòng cho biết, ngay sau khi nhận được kế hoạch vốn được giao, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, KBNN Hải Phòng đã có văn bản gửi Sở Tài chính Hải Phòng đề nghị phối hợp, nhập đủ dự toán cho các dự án do UBND thành phố bố trí kế hoạch vốn trên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc); đôn đốc các chủ đầu tư (CĐT) khẩn trương làm thủ tục cam kết chi để KBNN Hải Phòng kịp thời giải ngân khi có đủ hồ sơ thanh toán. Đồng thời, chỉ đạo các KBNN trực thuộc phối hợp với các phòng tài chính - kế hoạch quận, huyện, nhập đủ dự toán cho các dự án do UBND quận, huyện bố trí kế hoạch trên hệ thống Tabmis.

Tính đến hết ngày 8/9/2021, KBNN Hải Phòng đã giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 được 6.631 tỷ đồng, bằng 90,95% kế hoạch trung ương giao và bằng 48,71% kế hoạch HĐND thành phố giao.

Số giải ngân chủ yếu tập trung vào các dự án trọng điểm như: Dự án xây dựng Cầu Rào 1; dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng từ đường tỉnh 353 đến cầu Thái Bình (từ Km0+000 đến Km19+645); dự án cải tạo nâng cấp đường Quốc lộ 10 từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; dự án đầu tư xây dựng cầu Quang Thanh … Đây đều là các tuyến giao thông trọng điểm thông thương hàng hóa từ thành phố Hải Phòng đến mọi miền đất nước, tạo đà phát triển kinh tế xã hội cho thành phố Hải Phòng và các dự án an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo từ KBNN Hải Phòng, mặc dù đạt tỷ lệ giải ngân cao so với bình quân chung của cả nước nhưng số dư tạm ứng vốn đầu tư tại Hải Phòng cũng tương đối lớn. Đến hết năm 2020, số dư tạm ứng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố là 4.192 tỷ đồng.

Do đó, để đảm bảo nguồn vốn đầu tư công được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đặc biệt là các khoản tạm ứng bồi thường giải phóng mặt bằng, các khoản tạm ứng theo hợp đồng, KBNN Hải Phòng đã thường xuyên rà soát các khoản tạm ứng, rà soát thời hạn của bảo lãnh tạm ứng và bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Ngoài việc ra văn bản đôn đốc các CĐT thực hiện đúng quy định về việc thu hồi vốn tạm ứng, KBNN Hải Phòng đã phối hợp với CĐT rà soát từng khoản chi đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Đối với các khoản tạm ứng quá hạn lâu ngày, KBNN Hải Phòng chủ động liên hệ với với CĐT bằng nhiều phương thức như: gửi công văn, gọi điện thoại đề nghị CĐT phối hợp làm thủ tục thu hồi vốn đã tạm ứng.

Đáng chú ý, có những khoản tạm ứng quá hạn, do bàn giao qua nhiều CĐT hoặc do đơn vị di chuyển trụ sở, hồ sơ lưu tại đơn vị bị thất lạc đã nhiều năm, KBNN Hải Phòng đã tạo điều kiện cho CĐT sao lại hồ sơ gốc lưu tại kho bạc để đối chiếu lại với hồ sơ lưu tại đơn vị, trường hợp đủ khối lượng nghiệm thu, các cán bộ kho bạc hướng dẫn CĐT làm thủ tục thu hồi tạm ứng.

Bằng sự quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, đến nay, hầu hết số dư tạm ứng vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã được thu hồi đúng hạn. Từ năm 2016 đến nay, số dư tạm ứng quá hạn đã giảm từ 1.172 tỷ đồng xuống còn 620 tỷ đồng.

Đẩy mạnh giao dịch điện tử tạo thuận lợi cho CĐT giải ngân vốn đầu tư công

Hải Phòng đang có tỷ lệ giải ngân khá cao nhưng theo báo cáo từ KBNN Hải Phòng, kết quả này vẫn chưa đạt so với kỳ vọng.

Do đó, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2021, ngoài việc đôn đốc các CĐT khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán các dự án thu hồi ứng trước trong năm 2021, các dự án thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2021, KBNN Hải Phòng đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các CĐT nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của từng dự án, từng gói thầu để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai đảm bảo tiến độ đề ra, hướng dẫn các CĐT hoàn thiện hồ sơ và gửi ngay qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến để giải ngân vốn kịp thời.

Ngoài ra, KBNN Hải Phòng thực hiện kiểm soát chi đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, theo đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần, thanh toán theo đúng hợp đồng đã ký. Công chức kho bạc cố gắng tranh thủ thời gian làm thêm ngoài giờ, rút ngắn thời gian kiểm soát, thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân.

Trước ngày 23 hàng tháng, KBNN Hải Phòng cung cấp số liệu giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 20 tháng đó gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND thành phố phương án điều chỉnh kế hoạch vốn, điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm để bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án trọng điểm, quan trọng của thành phố có tiến độ giải ngân tốt hơn.

Cùng với hệ thống KBNN, KBNN Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện giao nhận hồ sơ kiểm soát chi qua Cổng thông tin điện tử của KBNN; nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ thị của Tổng giám đốc KBNN về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch; chủ động kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động KBNN; xây dựng quy định nội bộ về thời gian tiếp nhận xử lý chứng từ thực hiện qua Trang thông tin dịch vụ công KBNN đảm bảo thời gian tiếp nhận hồ sơ theo đúng quy định, không quên, không sót hồ sơ của đơn vị./.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam