Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong kinh doanh bảo hiểm

11:11 | 13/09/2021 Print
Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Một trong những mục tiêu của dự án Luật là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra.

BB

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp.

Hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm

Trình bày tờ trình tóm tắt về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, mục tiêu xây dựng dự án Luật là hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều, cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019, cụ thể như sau:

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); các loại hình bảo hiểm chia thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe; bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Về hợp đồng bảo hiểm (HĐBH), dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của Luật cũ, bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp. Về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) bảo hiểm, người được bảo hiểm trong các công tác này và định hướng việc giải quyết tranh chấp.

Đối với hoạt động của DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các DN bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập DN bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép DN bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.

Nâng cao quản trị điều hành của doanh nghiệp bảo hiểm

Dự thảo cũng bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao quản trị điều hành của DN như quy định mới về tổ chức hoạt động, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm; cho phép DN bảo hiểm chủ động trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, thuê ngoài đáp ứng điều kiện; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, dự thảo bổ sung nội dung, nguyên tắc khuyến khích các DN bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin; yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng.

Dự thảo dành một chương về bảo hiểm vi mô được quy định mới bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (DN bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô). Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của DN môi giới bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của DN bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm; những điều đại lý bảo hiểm không được làm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

Trong quản lý tài chính DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, dự thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Theo đó, dự thảo Luật yêu cầu DN phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của DN. Các quy định về dự phòng nghiệp vụ, hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, doanh thu - chi phí được sửa đổi tương ứng với mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro như yêu cầu sử dụng chuyên gia tính toán trong trích lập dự phòng, dự phòng phải kèm theo tài sản tương ứng và được đánh giá thường xuyên; bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư thay bằng quy định về tài sản không được đầu tư, bổ sung quy định đầu tư ra nước ngoài.

Về quản lý nhà nước, dự thảo sửa đổi theo hướng gộp quy định về nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Ngoài ra, bổ sung quy định đối với kiểm toán độc lập, phạm vi kiểm toán độc lập và trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính.

Luật này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam