Đại dịch Covid-19 là cơ hội để nhìn nhận lại và chuyển đổi

17:14 | 12/09/2021 Print
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hậu quả lớn đối với cả thế giới đặc biệt là đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, Covid-19 chính là thời cơ cho doanh nghiệp chuyển đổi số để bước vào kỷ nguyên số hóa nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.

chuyển đổi số

Gần như toàn ngành giáo dục đã triển khai dạy học online bằng các phần mềm có tương tác. Ảnh: TL.

Thay đổi mạnh mẽ thói quen

Khi dịch Covid-19 bùng phát, tất cả các địa phương đều phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt.

Nhiều tỉnh, thành phố còn phải đặt trong tình trạng giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh. Điều này khiến những phương thức giao dịch truyền thống, trực tiếp trước đây không thể áp dụng và cách duy nhất là dùng công nghệ số.

Thời điểm này, quá trình chuyển đổi số của rất nhiều ngành, lĩnh vực trở nên nhanh hơn mức tưởng tượng. Những ngành vốn chưa sẵn sàng số hóa cũng buộc bước chân vào con đường này.

Trao đổi tại Diễn đàn trực tuyến Tài chính số do TBTCVN tổ chức, GS. TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đưa ra một số ví dụ để minh chứng điều này.

“Đó là trong giáo dục, trước đây, cứ đi học là phải đến lớp chứ làm gì có chuyện ngồi ở nhà, thế nhưng mà khi đại dịch xảy ra, các trường chỉ lúng túng trong một thời gian rất ngắn và sau đó thì gần như toàn ngành giáo dục đã triển khai dạy học online bằng các phần mềm có tương tác. Thực tế, nhiều chương trình, hệ đào tạo không thua kém nhiều so với giáo dục trực tiếp.” – ông Cường nói.

Hay ở góc độ người dân, trước đây Nhà nước khuyến khích không dùng tiền mặt, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trả lương qua tài khoản nhưng thực tế, ngay sau khi tiền lương được chuyển là người người xếp hàng để rút và cầm tiền mặt đi tiêu.

Thế nhưng dịch xảy đã hoàn toàn thay đổi hành vi. Ai muốn an toàn trước dịch bệnh, không muốn tiếp xúc thì phải chuyển sang dùng các cái phương thức giao dịch điện tử như là internet banking, ví điện tử, mobile banking và hầu như việc không dùng tiền mặt lúc này đã trở thành thói quen.

“Thói quen ấy rõ ràng có sự chuyển đổi rất nhanh do sự xuất hiện của dịch Covid-19” – GS. TS. Hoàng Văn Cường nhận định.

hoàng văn cường
GS. TS. Hoàng Văn Cường phát biểu tại Diễn đàn trực tuyến Tài chính số 2021.

Phải biết tận dụng được lợi thế

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi rất nhanh. Đơn vị nào ứng dụng tốt về công nghệ số, chuyển đổi số thì vẫn có thể duy trì được hoạt động thông qua làm việc online, làm việc từ xa mà không bị đình trệ.

Thậm chí, có nhiều hoạt động của các cơ sở sản xuất được chia nhỏ ra và có người giám sát từ xa.

Phương thức tổ chức, quản lý, hoạt động của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp cũng thay đổi rất nhiều. Những hoạt động trước đây phải bỏ ra rất nhiều chi phí, công sức, thời gian, phương tiện như đi công tác, đi hội nghị, đi nước ngoài để đàm phán, ký kết nay đều được chuyển sang phương thức trực tuyến mà vẫn đạt hiệu quả.

Ông Cường cho rằng, đại dịch đã tạo ra một sức ép vô hình để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nhìn lại, cấu trúc lại các hoạt động của mình, xem cái gì thực sự cần thiết, cái gì cần loại bỏ, cái gì có thể thay đổi được bằng công nghệ số để nâng cao hiệu quả.

Kể cả những doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, qua đây cũng đánh giá lại phương thức quản lý.

Khi chúng ta chuyển sang một công nghệ mới, phương thức mới, sử dụng nền tảng số này, chúng ta có thể lại giao dịch kết nối được không chỉ với những đơn vị ở tại địa bàn có khi để kết nối được toàn cầu. Nắm bắt được, có lẽ doanh nghiệp bắt nhịp vào chuỗi cung ứng và sẽ khôi phục trở lại.

“Như vậy, có thể nói, tận dụng được sức ép của đại dịch này là một cơ hội để chúng ta thay đổi, từ đó tiếp cận nhiều hơn, nhanh hơn những lợi thế mà chuyển đổi số mang lại.” – GS. TS. Hoàng Văn Cường nói.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam