Nghị quyết số 105/NQ-CP: Gói hỗ trợ tổng lực giúp doanh nghiệp hồi sinh

09:38 | 12/09/2021 Print
(TBTCVN) -Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Đây là gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay, mang tính tổng thể với sự chung tay tháo gỡ khó khăn của các bộ, ngành, hy vọng sẽ hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

12

Chính phủ đã có nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt dịch trước đã tiếp tục suy giảm sức chống chịu, nguồn lực dự trữ dần cạn kiện. Nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vượt qua đại dịch, từng bước ổn định sản xuất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ đặt mục tiêu sẽ có ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh; đại đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, hỗ trợ giảm tiền điện nước…

Có 4 nhiệm vụ và giải pháp được đề ra, có liên quan của rất nhiều bộ, ngành được Chính phủ nêu trong nghị quyết. Trong đó, giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất và có yếu tố quyết định, đó là thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đồng thời với tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Đáng lưu ý, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để sớm được tham gia lưu thông và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là yếu tố rất quan trọng, để trong trường hợp nếu phải “sống chung với dịch bệnh”, chúng ta vẫn vừa đảm bảo chống dịch tốt, vừa duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đà tăng trưởng. Tương tự như vậy, Chính phủ yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn.

Các bộ, ngành cùng vào cuộc

Nhóm giải pháp quan trọng thứ hai đó là Chính phủ yêu cầu phải đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” để vận chuyển hàng hóa thông suốt, nhanh chóng và thuận lợi.

Các bộ có vai trò quan trọng không kém đó là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được “điểm mặt chỉ tên” đối với nhiệm vụ này, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, không để đứt gãy sản xuất.

Đối với Bộ Tài chính cần chỉ đạo Tổng cục Hải quan thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hóa, thông quan nhanh đối với hàng hóa nhập khẩu thiết yếu.

Một trong những gói hỗ trợ được doanh nghiệp mong chờ nhất đó chính là hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng đã được quy định cụ thể tại nghị quyết này. Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động ngay trong tháng 9/2021.

Các bộ, ngành, như: Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ tiền điện nước, gia hạn tiền nộp khai thác tài nguyên, chích sách lãi suất thấp cho doanh nghiệp…

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là gói hỗ trợ tổng thể và lớn nhất từ trước đến nay, hỗ trợ nhiều đối tượng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp yếu thế như hợp tác xã, hộ kinh doanh. Mục tiêu không chỉ có 1 triệu doanh nghiệp được hưởng chính sách tín dụng, mà còn giúp các doanh nghiệp “hồi sinh”. Nếu làm được, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và có cú lội ngược dòng mạnh mẽ, cùng với những hồi phục sau khi dịch bệnh qua đi.

* TS. Châu Đình Linh, Giảng viên Học viện Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh:
Các nhóm giải pháp đúng trọng điểm, phù hợp với tình hình mới

Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 đã xác định được cụ thể các nhóm giải pháp, trên cơ sở đánh giá đúng trọng tâm trọng điểm.

Tôi cho rằng, những nội dung, giải pháp đã đi đúng vào nhu cầu thực chất của các nhóm đối tượng, giúp các doanh nghiệp có thể cắt giảm các chi phí, khắc phục được những khó khăn về dòng tiền… Ví dụ như việc hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ hoãn hoặc giãn nợ thôi cũng đã giải tỏa đáng kể gánh nợ về chi phí...

Ngoài ra, Nghị quyết ban hành lần này cũng đã tạo ra sự gắn kết tốt hơn trong công tác phối hợp giữa các địa phương. Vai trò điều tiết của Chính phủ được thể hiện rõ nét, khắc phục được tình trạng mỗi địa phương làm một cách dẫn đến ảnh hưởng sự thông suốt của chuỗi lưu thông, cung ứng.

* PGS. TS Lê Xuân Trường:
Triển khai nhanh, đồng bộ sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp

Nghị quyết số 105/NQ-CP được xây dựng trong tâm thế rất khẩn trương theo chỉ đạo của Thủ tướng và đã nhanh chóng được ban hành. Bản Nghị quyết dài 15 trang với nhóm giải pháp tổng thể. Để thực hiện các giải pháp này, rất nhiều bộ, ngành phải vào cuộc để hỗ trợ các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay.

Nghị quyết được ban hành vào thời điểm này là hết sức cần thiết và không thể chậm, muộn hơn được nữa.

Nghị quyết có 4 nhiệm vụ và giải pháp lớn, trong đó có 12 giải pháp mấu chốt, có giá trị thiết thực để nối lại những đứt gãy của nền kinh tế do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh. Trong đó, giải pháp đầu tiên, cơ bản nhất đó là phải thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch kết hợp với duy trì sản xuất, kinh doanh. Do đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tôi cho rằng, đây là nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng nhất.

Đối với nhóm giải pháp thuộc trách nhiệm tổ chức thực hiện của các bộ, ngành khác như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cũng có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Chỉ có thực hiện đồng bộ các giải pháp, mới thực hiện được mục tiêu đề ra.

Riêng đối với Bộ Tài chính, bên cạnh việc triển khai các chính sách về gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; Chính phủ giao, chỉ đạo Tổng cục Hải quan hỗ trợ về mặt thủ tục, thông qua hàng hóa nhanh đối với một số hàng hóa nhập khẩu thiết yếu. Vừa qua, các chính sách hỗ trợ về tài khóa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là gói hỗ trợ hiệu quả nhất, rõ nhất trong tổng thể các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Dù ngân sách còn khó khăn, nhưng Chính phủ đã quyết định gia hạn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp là cố gắng rất lớn của Chính phủ.

Tôi cho rằng, nếu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 105/NQ-CP, các chính sách được triển khai nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả, sẽ góp phần rất lớn hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đang hết sức khó khăn như hiện nay.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam