Áp lực đạt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2021

20:40 | 14/09/2021 Print
(TBTCVN) - Thu ngân sách năm 2021 vô cùng khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mặc dù các cơ quan thu ngân sách đã rất nỗ lực bằng nhiều giải pháp thực hiện thu đúng, thu đủ các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, nhưng đáng ngại là thu nội địa có xu hướng giảm, đang tạo áp lực lớn lên các cơ quan này.

Nguồn: Bộ Tài chính	    	   							     Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Nỗ lực thu trong bối cảnh ngày càng khó

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế số thu ngân sách nhà nước (NSNN) 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.004,2 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là những con số hết sức đáng mừng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, có một tín hiệu bất ổn là từ tháng 4, thu nội địa có xu hướng giảm dần khi thu được 115,6 nghìn tỷ đồng, đạt 10,2% dự toán. Tháng 5 thu được 85 nghìn tỷ đồng, đạt 7,5% dự toán. Tháng 6, thu được 80,5 nghìn tỷ đồng, đạt 7,1% dự toán. Tuy tháng 7 số thu NSNN tăng lên mức 126,7 nghìn tỷ đồng nhưng tháng 8 lại giảm xuống chỉ còn 78,6 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong tháng 8/2021, số thu từ các khoản thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) giảm mạnh, chỉ bằng khoảng từ 57% đến 60% số thu tháng 7/2021.

Có thể nói số thu NSNN như trên phản ánh khách quan “bức tranh toàn cảnh” của nền kinh tế trong 8 tháng năm 2021 cũng như những nỗ lực vượt bậc của các cơ quan quản lý thu NSNN, vượt qua những khó khăn khách quan, đảm bảo nguồn tài chính để Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đợt bùng phát dịch thứ tư, bắt đầu từ ngày 27/4/2021 đã gây ra vô vàn khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh và các tầng lớp dân cư. Số DN rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn DN, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh có 24 nghìn DN, chiếm đến 28,1% tổng số DN rút lui khỏi thị trường, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn DN, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Đứng trước bối cảnh kinh tế khó khăn như vậy, kết quả thu NSNN trong 8 tháng đầu năm 2021 là rất đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực vô cùng lớn để vượt khó của các cơ quan quản lý thu NSNN. Một mặt, ngành Tài chính thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế của Quốc hội và Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng dịch vụ thuế và hải quan điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chống thất thu NSNN…

Tập trung thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết 105 của Chính phủ

Hiện tại đã bước vào trung tuần tháng 9/2021 và tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng kinh tế sẽ khó đạt được như kỳ vọng từ đầu năm. Điều này gây áp lực rất lớn cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và mục tiêu thu NSNN năm 2021. Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN ở mức cao nhất phù hợp với điều kiện dịch bệnh, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp mà Chính phủ chỉ đạo trong Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; trong đó, cần tập trung thực hiện tốt các biện pháp:

Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong quản lý thu NSNN mà trước mắt là nâng cao hơn nữa sự tiện lợi và hiệu quả trong giải quyết các thủ tục hành chính về thuế và hải quan để góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển; thực hiện tốt chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính cũng giúp giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và tạo thuận lợi để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Hai là, cơ quan thuế và hải quan cần nhanh chóng hướng dẫn cụ thể quy trình nghiệp vụ để thực hiện giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính trong Nghị quyết 105/NQ-CP, nhằm đẩy nhanh tiến độ thông quan giải phóng hàng hóa phục vụ nhu cầu phòng chống dịch và phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Ba là, Bộ Tài chính cần khẩn trương nghiên cứu tham mưu, đề xuất bổ sung các giải pháp về hỗ trợ thuế, phí, lệ phí cho DN và hộ kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 105/NQ-CP. Đồng thời, ngành Tài chính cần tiếp tục bám sát thực tiễn để kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách thuế, về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu để tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây chính là tiền đề để đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Bốn là, trong thời gian tới cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu NSNN bằng sức mạnh của cả hệ thống, trong đó, cần đẩy mạnh và đổi mới phương pháp thanh tra, kiểm tra thuế; kiểm tra sau thông quan; giám sát hải quan; chống buôn lậu và gian lận thương mại… Ngoài ra, cơ quan thuế các cấp cần tập trung khai thác tốt các lĩnh vực còn dư địa tiềm năng mà quy định pháp luật mới về quản lý thuế (Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý thuế, Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính) đã tạo cơ sở để quản lý thu như: thương mại điện tử, dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới, kinh tế chia sẻ…

Thu nội địa tăng so với cùng kỳ, nhưng không thể chủ quan


Thu nội địa 8 tháng năm 2021 ước đạt 820,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ năm 2020. Thu từ dầu thô ước đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 111% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 157,5 nghìn tỷ đồng, bằng 88,2% dự toán, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.

PGS.TS Lê Xuân Trường

PGS.TS Lê Xuân Trường

© Thời báo Tài chính Việt Nam