Khơi thông đầu ra cho nông sản đang ách tắc vì dịch bệnh

18:37 | 14/09/2021 Print
(TBTCVN) - Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhiều nông sản vào chính vụ thu hoạch đang gặp khó khăn về lưu thông và tiêu thụ. Do đó, các bộ, ngành chức năng đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp mạnh để tháo gỡ vướng mắc về đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân.

ns

Biểu đồ: TL

Nông sản tồn đọng, xuất khẩu dần “hụt hơi”

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Nam như: Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Vĩnh Long, An Giang… nhiều nông sản đến mùa thu hoạch đang rất khó khăn về khâu lưu thông, phân phối; hàng hóa ùn ứ, tồn đọng, bị đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là các sản phẩm như nhãn, cam, bưởi, cá…

Điển hình, Gia Lai đang vào mùa thu hoạch rộ rau củ quả, trái cây nhưng tiêu thụ khó khăn, gây ùn ứ và giá cả giảm mạnh tới 30%. Hiện địa phương này còn khoảng 1.500 ha rau với sản lượng khoảng 25.000 tấn đang tiếp tục thu hoạch, chủ yếu là rau ngót (700 tấn); hơn 7.500 ha trái cây (bơ, sầu riêng, nhãn) và hàng nghìn tấn khoai lang, cùng 30.000 con gà trắng...

Tại Đồng Nai, có 3 nhóm nông sản nguy cơ khó tiêu thụ là trái cây tồn đọng hơn 1.000 tấn (bưởi, cam, quýt, củ đậu); tồn dư 200.000 con gà trắng, 80.000 con vịt, 6.000 con dê, 300.000 trứng chim cút; thủy sản tồn dư khoảng 1.000 tấn (cá nước ngọt, tôm thẻ, tôm căng).

Tại Bình Dương đang dư thừa 80 tấn dưa lưới, 70 tấn chuối và 30 tấn chanh không hạt. Đặc biệt, các sản phẩm rau ăn lá đang dư thừa nhiều và gặp khó khăn trong tiêu thụ, mỗi ngày tồn hơn 2 triệu quả trứng gia cầm và 200.000 quả trứng cút.

Tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng ngày 13/9 vừa qua, Bộ Công thương cho hay, xuất khẩu nông sản đi các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Mỹ, EU, châu Phi… đều đang gặp nhiều rào cản như dịch bệnh khiến các nước giảm nhập khẩu, tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải… Đó là còn chưa kể đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản từ các địa phương nuôi trồng trọng điểm đến khu vực cửa khẩu, biên giới để xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Trung Quốc - một trong những thị trường lớn nhất của nông thủy sản, cũng đang tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt tại khu vực cửa khẩu biên giới để phòng, chống dịch. Đơn cử, tại Lạng Sơn, hiện chỉ có 4/12 cửa khẩu hoạt động và đã bắt đầu có tình trạng ùn ứ trong khi lượng hàng hóa tiếp tục dồn về. Chính vì vậy, mới đây, tỉnh này đã thông báo đến các địa phương, doanh nghiệp chủ động cơ cấu lại hàng hóa, tránh ùn ứ và cần tăng cường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Không phát sinh thủ tục cản trở lưu thông hàng hóa

Trước tình trạng đó, tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng cần cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông thủy sản. Trong đó, ông chỉ ra vai trò quan trọng của chính quyền địa phương trong việc tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường, đưa ra biện pháp bảo đảm an toàn cho sản phẩm trong điều kiện dịch bệnh, kết nối với thương nhân để tiêu thụ nông sản…

Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh, các địa phương chủ động thì giải quyết được vấn đề, nếu không, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hiện Bộ Tài chính đang tích cực triển khai Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh. Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh cho phép cơ quan hải quan được bố trí nhân lực theo nhu cầu, yêu cầu công việc để thông quan hàng hóa.

Theo quan điểm của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, chúng ta không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa. Thêm vào đó, cơ quan chức năng không quy định việc sang tải mà kiểm tra chặt chẽ điểm đi, điểm đến và có cách quản lý F0, bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố cần phối hợp với ngành y tế, công thương, các bộ, ngành làm việc cụ thể với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; yêu cầu Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, hiệp hội doanh nghiệp trong đàm phán, cung cấp các thông tin thị trường, chủ động đưa các vấn đề về đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật liên quan đến thị trường nông sản. Bộ Y tế tiếp tục tập trung ưu tiên vắc-xin để tiêm cho các đối tượng tham gia thu hoạch, thu mua, sản xuất, chế biến nông sản…

Theo các chuyên gia, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các sàn giao dịch điện tử, kênh phân phối trực tuyến; thành lập trung tâm xúc tiến nông sản quốc gia để kết nối với các thị trường có ký kết hiệp định thương mại… Về lâu dài cần tổ chức, quy hoạch trung tâm logistics vùng để kết nối lưu thông trong nội vùng thuận lợi, linh hoạt xử lý trong mọi tình huống.

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8/2021 giảm gần 28%

Theo thông tin từ Bộ Công thương, căng thẳng dịch bệnh tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã tác động rõ rệt tới xuất khẩu thủy sản. Kim ngạch tháng 8/2021 giảm mạnh, chỉ đạt vào 588 triệu USD, giảm gần 28% so với cùng kỳ và giảm 31% so với tháng 7/2021.

Đáng chú ý, xuất khẩu giảm mạnh ở hầu hết các thị trường chủ lực như thị trường Trung Quốc và Nhật Bản giảm tới 36%, EU giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Đức giảm 42%). Đặc biệt, thị trường Anh trong năm 2020 vốn đạt mức tăng trưởng rất cao thì nay đã lao dốc tới 48% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, nguy cơ đáng báo động là sau một thời gian giãn cách dài, nhiều doanh nghiệp thủy sản không thể phục hồi sản xuất sớm trước 15/9/2021. Điều đó khiến khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm hạn chế, những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện và có thể lỗi hẹn đến năm 2022.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam