Hoàn thành hệ sinh thái tài chính số vào năm 2030 là khả thi

09:08 | 17/09/2021 Print
(TBTCVN) - Trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số nói chung đang có những chuyển động rất tích cực và tương đối đồng bộ, ngành Tài chính đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về hành lang pháp lý, hạ tầng để có thể hoàn thành xong quá trình chuyển đổi vào năm 2030.

Đồ họa: HỒNG VÂN

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Sẵn sàng mọi mặt

Trao đổi về công tác chuyển đổi số của ngành Tài chính, tại Diễn đàn trực tuyến Tài chính số 2021 do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức, TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, về hành lang pháp lý, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 9/3/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách; Quyết định số 446/QĐ-BTC ngày 30/3/2018 về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 9/3/2018; Quyết định 2445/QĐ-BTC ngày 28/12/2018 ban hành kiến trúc chính phủ điện tử Bộ Tài chính và lộ trình chuyển đổi số của Bộ Tài chính; Quyết định số 844/QĐ-BTC ban hành kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng 2025.

Cùng với đó là các Quyết định số 843/QĐ-BTC ban hành kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tích cực chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 1874/QĐ-BTC ngày 27/11/2020 ban hành kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 749/ QĐ-TTg về chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Đã chuẩn bị đầy đủ


Ngành Tài chính đã có sự chuẩn bị về hành lang pháp lý, hạ tầng số tương đối đầy đủ, bao gồm hạ tầng kết nối, hạ tầng thiết bị, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng phát triển công nghệ. 7 năm liên tiếp (2013 - 2019), Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin khối các bộ ngành cho thấy sự thích ứng nhanh chóng của ngành với công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam.

Không chỉ hành lang pháp lý, theo TS. Nguyễn Việt Hùng, hiện nay, hạ tầng cho chuyển đổi số của ngành Tài chính cũng đã tương đối đầy đủ, bao gồm: hạ tầng kết nối, hạ tầng thiết bị, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng phát triển công nghệ.

Về hạ tầng kết nối, Bộ Tài chính đã xây dựng thành công hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính đảm bảo kết nối trao đổi dữ liệu cho 2.737 đơn vị sử dụng, phục vụ các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của toàn ngành Tài chính. Hạ tầng thiết bị của ngành Tài chính trong những năm vừa qua cũng đã được triển khai đảm bảo đáp ứng được nhu cầu xây dựng, triển khai công nghệ thông tin của toàn ngành.

Về hạ tầng ứng dụng, ngành Tài chính đã triển khai được một số hệ thống thông tin tài chính lớn, đóng vai trò nền tảng trong hoạt động tài chính – ngân sách nhà nước như: hệ thống thông tin tích hợp kho bạc (TABMIS), hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), hệ thống thông quan hàng hóa tự động/hệ thống quản lý hải quan thông minh (VNACCS/VCIS), hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính (DMFAS),…

“Hiện nay, toàn ngành Tài chính có tổng số 474 cán bộ làm công tác công nghệ thông tin và thống kê tại cấp trung ương. Về cơ bản nhân lực đã, đang đáp ứng được các yêu cầu về phát triển, quản lý, vận hành các hệ thống thông tin ngành Tài chính.” – ông Hùng cho hay.

Hướng tới số hóa hoàn toàn

Để chủ động hơn nữa, Bộ Tài chính đã hoạch định xong lộ trình xây dựng Bộ Tài chính số đến năm 2030, trong đó chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu được đề ra là xây dựng tài chính điện tử - tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở. Tầm nhìn của giai đoạn này được Bộ Tài chính xác định là tiếp tục hoàn thiện xây dựng chính phủ điện tử ngành Tài chính hướng tới bộ tài chính số, phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn ngành thông qua chính phủ số và các công cụ số hóa. Theo ông Nguyễn Việt Hùng, ở giai đoạn này, ngành Tài chính xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là chuyển đổi về các hệ thống ứng dụng, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin.

Cùng với đó, ngành Tài chính sẽ triển khai xây dựng hệ thống điều hành dựa trên số hóa, tích hợp các công cụ công tác và văn bản trong ngành Tài chính; hệ thống hiện đại hóa báo cáo tích hợp ngành Tài chính; hệ thống thông tin quản lý giá, hệ thống thông tin quản lý nợ công; hệ thống thanh tra, giám sát, xử lý nợ thuế, hệ thống thông tin thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm hải quan;…

Đặc biệt, cũng trong giai đoạn này, ngành Tài chính sẽ thực hiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ chủ chốt và hoạt động chỉ đạo điều hành. Đồng thời, toàn ngành hoàn thành việc tích hợp 100% ứng dụng với hệ thống quản lý định danh và truy cập ngành Tài chính và tích hợp với các hệ thống công nghệ thông tin quốc gia hướng tới một hệ thống quản lý tài chính xuyên suốt trong Chính phủ.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, các hệ thống thông tin cốt lõi đang được ứng dụng của ngành Tài chính sẽ hoàn thành phiên bản thế hệ mới, số hóa hoàn toàn với các tính năng tích hợp chia sẻ dữ liệu, xác thực định danh hiện đại, khai thác tối đa dữ liệu mở, dữ liệu lớn, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại.

Bước sang giai đoạn 2026 - 2030, ngành Tài chính xác định mục tiêu là sẽ thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh. Tầm nhìn của giai đoạn này là sẽ hướng tới việc tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ; xây dựng nền tảng tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở; thiết lập hệ sinh thái tài chính số, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh.

“Tôi cho rằng việc xây dựng xong hệ sinh thái tài chính số hiện đại vào năm 2030 là không quá tham vọng” – TS. Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

Đồng bộ trong phát triển kinh tế số


Để đo lường hiệu quả công tác cải cách, hiện đại hóa của ngành Tài chính, ta có thể dùng rất nhiều con số. Giả dụ như 99,7% doanh nghiệp đã kê khai thuế điện tử, 90% đã nộp thuế điện tử, 98,8% đăng ký nộp thuế điện tử,… Hay như, Bộ Tài chính 7 năm liền đứng trong top đầu bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính.

Những số liệu nghe có vẻ cụ thể nhưng để hình dung ra hiệu quả vẫn có thể hơi khó. Vậy chúng ta thử dùng cách liên tưởng xem. Chẳng hạn với cảng Cát Lái, theo thống kê, mỗi ngày có tới hơn 15.000 containers qua cảng. Như vậy, nếu làm thủ tục giấy, nếu không có Hệ thống thông quan điện tử của ngành Hải quan, có lẽ chỉ sau 30 phút, số xe chờ làm thủ tục sẽ đậu kín từ bến cảng tới trung tâm quận 1 – TP. Hồ Chí Minh. Tương tự với thuế, nếu không có hệ thống quản lý thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử đều hoạt động 24/7 phục vụ cho cả cá nhân, doanh nghiệp thì số người nộp thuế xếp hàng chờ làm thủ tục có lẽ cũng dài không kém.

Sự nỗ lực, tiên phong của ngành Tài chính trong lĩnh vực này là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), nhấn mạnh trong một phát biểu mới đây rằng: Nếu chỉ có một ngành bứt phá thì không thể phát triển được. Chuyển đổi số cần thiết phải được phát triển đồng đều ở các ngành khác như giao thông, y tế, giáo dục, công thương, du lịch... để Việt Nam đạt được mức độ đồng bộ trong phát triển kinh tế số.

Đồng thời, quy trình, thủ tục, chính sách cho chuyển đổi số cần phải được ban hành đồng bộ, thông thoáng mới không làm giảm tốc độ chuyển đổi và tạo ra rào cản đối với hiệu quả của công tác này.

Hồng Vân

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam