Thị trường chứng khoán có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy

17:24 | 16/09/2021 Print
Các chỉ số chứng khoán từ đầu tháng 9 tới nay dao động trong biên độ hẹp, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng vào việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục có một vài tuần tích lũy trước khi xác định xu hướng mới.

ttck

Phóng viên TBTCO đã có cuộc trao đổi với ông Phan Khánh Linh, Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Thị trường trong nửa cuối năm sẽ đi ngang và nhiều khả năng vẫn trong vùng tái tích lũy với khả năng đi từ 1.250 điểm đến 1.400 điểm.

pl

Ông Phan Khánh Linh

* PV: Thưa ông, sau một thời gian dài tăng trưởng, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có nhịp điều chỉnh mạnh và cũng đã có nhịp hồi phục. Ông có nhận xét gì về diễn biến của thị trường thời gian qua?

Ông Phan Khánh Linh: Thị trường từ vùng đáy 650 điểm vào tháng 4 năm 2020 và đã có lúc tăng lên hơn 1.400 điểm, còn ở giai đoạn hiện tại thị trường đang ở trạng thái đi ngang. Có thể thấy sau một thời gian tăng dài nhiều cổ phiếu đã tăng khoảng 2, 3 lần, do đó thị trường cần có nhịp “nghỉ ngơi”. Điều này có nghĩa là những nhà đầu tư đã đầu tư thời gian trước có thể sẽ chốt lời và đây là quãng thời gian thị trường đi ngang để có thể xác lập xu hướng mới. Xu hướng mới chưa thể khẳng định là tăng hay giảm, giai đoạn này là giai đoạn tái tích lũy của thị trường.

Diễn biến này hoàn toàn phù hợp với định giá của thị trường cũng như phù hợp với tâm lý của nhà đầu tư, giai đoạn hiện tại sẽ không còn dễ dàng với nhà đầu tư để có thể mua mã cổ phiếu nào cũng thắng như giai đoạn trước. Thị trường hiện tại đã có sự phân hóa hơn, nhà đầu tư cần nghiên cứu, phân tích sâu hơn về các mã cổ phiếu để có thể có được lợi nhuận trong thời gian này.

* PV: Ông dự báo như thế nào về diễn biến của thị trường trong những tháng còn lại của năm 2021? Yếu tố nào sẽ tác động chính tới thị trường trong thời gian tới?

Ông Phan Khánh Linh: Thị trường trong nửa cuối năm sẽ đi ngang và nhiều khả năng vẫn trong vùng tái tích lũy từ 1.250 điểm đến 1.400 điểm.

Những yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán thời gian tới có thể là kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp. Theo tôi đánh giá chắc chắn kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19, trong quý IV có thể phục hồi tuy nhiên cũng khó có thể phục hồi một cách ấn tượng.

Bên cạnh đó, là thông tin về việc kiểm soát dịch bệnh cũng sẽ là yếu tố tác động tới thị trường. Theo thống kê ở những thị trường như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ (có nét văn hóa, địa lý, quy mô thị trường tương đồng với Việt Nam) khi dịch bùng phát mạnh nhất ở các nước này thì TTCK gần như đi ngang hoặc giảm nhẹ, sau khi đỉnh dịch qua đi, ca nhiễm hàng ngày giảm, Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội thì diễn biến TTCK đã tích cực với xu hướng tăng dần lên.

Ở Việt Nam, với tốc độ tiêm vắc xin hiện nay ở 1 số thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số thành phố khác thì việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ là một tác động tốt cho thị trường ít nhất là về mặt tâm lý, thị trường sẽ có những diễn biễn tích cực. Tuy nhiên để có những diễn biến tích cực hơn nữa thì cần có những gói kích thích kinh tế mới.

* PV: Sau một thời gian dài thanh khoản của thị trường suy giảm, trong tháng 8 và những phiên giao dịch gần đây thanh khoản đã được cải thiện rõ nét. Theo ông đâu là nguyên nhân?

Ông Phan Khánh Linh: Do thị trường đã tăng trong một thời gian dài từ vùng 650 điểm lên 1.400 điểm và gặp áp lực chốt lời lớn, giao dịch của nhà đầu tư khá thận trọng, trong khi đó khối ngoại cũng đẩy mạnh bán ròng. Do vậy tâm lý chung của các thành viên tham gia thị trường là thăm dò khi định giá thị trường ở ngưỡng cao, nhiều mã cổ phiếu tăng 2,3 lần. Thời gian gần đây dòng tiền cũng đã quay trở lại tích cực hơn và tập trung vào nhóm cổ phiếu midcap (cổ phiếu của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa), những cổ phiếu được hưởng lợi từ những chính sách và có kỳ vọng tăng trưởng cuối năm.

* PV: Theo ông nhóm ngành nào sẽ có sự hấp dẫn trong những tháng cuối năm và thu hút được dòng tiền?

Ông Phan Khánh Linh: Không có quá nhiều những nhóm ngành được hưởng lợi nửa cuối năm, theo tôi những cổ phiếu được hưởng lợi từ sóng đầu tư công sẽ đáng chú ý. Tính đến hết tháng 8 năm 2021, giải ngân đầu tư công mới chỉ được 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (46,41%). Tôi cho rằng, ngay sau khi hết giãn cách hoạt động này sẽ được đẩy mạnh. Sóng đầu tư công một số bộ ngành liên quan đến xây dựng, doanh nghiệp làm những dự án đầu tư công của Chính phủ, vật liệu xây dựng, xây dựng cơ bản sẽ được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, vận tải biển cũng sẽ tích cực trong những tháng cuối năm bởi giá logictic ở mức cao. Ngoài ra, ngành năng lượng, thủy điện và năng lượng tái tạo cũng sẽ tích cực. Theo chính sách của Chính phủ, các doanh nghiệp về điện gió, điện tái tạo phải đóng điện trước 1/11/2021 để được hưởng giá ưu đãi bán điện. Do đó, các doanh nghiệp này sẽ rất rốt ráo hoàn thành dự án điện. Khi đóng điện hòa vào điện lưới quốc gia, các doanh nghiệp này có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận vào quý IV. Theo tôi đó là 3 nhóm ngành đáng chú ý trong thời gian tới.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam