Đề xuất sửa đổi một số quy định về quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC

20:06 | 17/09/2021 Print
Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 83/2018/TT-BTC ngày 30/8/2018 hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo đó, dự thảo Thông tư sửa đổi khoản 1 Điều 2 thành: “Bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND cấp tỉnh”. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 83/2018/TT-BTC cũng được sửa đổi thành: “SCIC chỉ thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đổi tượng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về SCIC theo quy định tại Điều 3 Thông tư này và còn vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính năm hoặc quý gần nhất (giá trị vốn chủ sở hữu tại mã số 410 trên bảng cân đối kế toán lớn hơn 0) với thời điểm chuyển giao. Trường hợp doanh nghiệp tiếp nhận là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con thì SCIC căn cứ vào báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ để xác định chỉ tiêu vốn chủ sở hữu”.

Dự thảo Thông tư cũng sửa đổi khoản 2 Điều 5 như sau: “Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty liên doanh là giá trị sổ sách phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo báo cáo tài chính riêng và các khoản tiền của Nhà nước còn phải thu hồi (nếu có)…”.

Cùng với đó, Thông tư mới sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 7: Trong thời hạn chuyển giao nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này, các bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu thì thực hiện chuyển giao giá trị vốn nhà nước theo giá trị được phê duyệt tại Phương án cổ phần hóa hoặc quyết định điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Sau khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước, các bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND cấp tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp với SCIC và doanh nghiệp thực hiện xử lý các tồn tại về tài chính của doanh nghiệp, quyết toán, công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu theo quy định của pháp luật về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và điều chỉnh giá trị phần vốn nhà nước đã chuyển giao (nếu có).

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo SCIC phối hợp với các bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện xử lý các tồn tại về tài chính và quyết toán phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Đối với các doanh nghiệp SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước nhưng chưa được các bộ, UBND cấp tỉnh hoàn thành việc xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu theo quy định của pháp luật về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, SCIC không thực hiện triển khai bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này. Việc bán vốn chỉ tiếp tục thực hiện khi các bộ, UBND cấp tỉnh hoàn thành việc quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam