Hướng đến mô hình hải quan thông minh, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số

00:00 | 20/09/2021 Print
(TBTCVN) - Dự thảo Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đơn vị, thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan, cục hải quan tỉnh, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: HỒNG VÂN

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Dự kiến dự thảo sẽ sớm được hoàn thiện trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

Làm rõ hơn mục tiêu phát triển hội nhập quốc tế

Tổng cục Hải quan cho biết, về cơ bản các ý kiến đều đồng thuận với nội dung dự thảo Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030 và đề nghị làm rõ mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh. Ý kiến của một số đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan cũng đề nghị đánh giá cụ thể hơn về tác động của bối cảnh trong nước, quốc tế đến kết quả thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2011 - 2020 cũng như dự đoán tác động đến Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030, đơn cử như tác động của chiến tranh thương mại, tình hình dịch Covid-19; làm rõ vai trò hợp tác quốc tế của Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Đề nghị nêu trên đã và đang được ban soạn thảo chiến lược hải quan lý giải và tiếp thu, đặc biệt là nội dung liên quan đến lĩnh vực hợp tác hội nhập quốc tế nhằm nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới và tạo thuận lợi cho thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, thực hiện. Theo đó, chiến lược hải quan đến 2030 sẽ bổ sung các giải pháp, mục tiêu hợp tác quốc tế và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về hải quan; đẩy mạnh quá trình nội luật hóa các cam kết đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước, trong đó chú trọng đến các cam kết trong khuôn khổ ASEAN, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTAs).

Đồng thời, chiến lược làm rõ hơn về các mục tiêu tranh thủ sự hợp tác, khai thác các nguồn hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm quản lý hải quan tiên tiến để đóng góp cho tiến trình cải cách, hiện đại hóa các quy trình, thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp và công tác thực thi pháp luật hải quan; đồng thời phát triển nguồn nhân lực của Hải quan Việt Nam, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiệu lực hiệu quả.

Doanh nghiệp là trung tâm cải cách hải quan

Dự thảo Chiến lược phát triển hải quan 2021 - 2030, cũng đã nhận được sự góp ý của đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) liên quan đến mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và dịch vụ hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá cao việc phát triển hải quan trên cơ sở kế thừa, phát triển các thành tựu cải cách, hiện đại hóa đã đạt được; tiếp thu các thành tựu của các nước tiên tiến, các thông lệ quốc tế và chuẩn mực đã được Tổ chức Hải quan Thế giới khuyến nghị; tiếp tục hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý nhà nước về hải quan; hiện đại hóa công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu; lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ thông tin làm nền tảng cho phát triển hải quan trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Dũng cũng cho rằng, cơ quan hải quan cũng cần làm rõ mục tiêu mức độ hài lòng của DN về thủ tục, dịch vụ hải quan để làm thước đo cải cách; tập trung đầu tư cơ sở vật chất và trau dồi nâng cao trình độ, năng lực cán bộ công chức hải quan đảm bảo sự phát triển, hiện đại hóa chung của Hải quan Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Dũng cũng cho hay, xác định mã hàng hóa (HS), xác định trị giá tính thuế, áp thuế suất là những khâu luôn có nhiều vướng mắc đối với DN, do đó trong chiến lược cũng cần xây dựng biệp pháp khắc phục. Cụ thể, ngành Hải quan cần đi sâu xây dựng kế hoạch cải cách các khâu xác định mã HS, xác định trị giá tính thuế, áp thuế xuất tính thuế, xác định thuế, ấn định thuế trước phần quản lý thuế. Có sự kết hợp và tích hợp sâu rộng vào trong thủ tục mở tờ khai điện tử, bao gồm mã HS - tích hợp với chú giải HS/tích hợp trị giá tính thuế với thuế suất xuất nhập khẩu” - ông Đức Dũng đề xuất.

Khẩn trương hoàn thiện hải quan thông minh

Đảm bảo việc triển khai Chiến lược phát triển hải quan 2021 - 2030 khi được Chính phủ xem xét phê duyệt, Tổng cục Hải quan rà soát toàn bộ 128 quy trình nghiệp vụ để hoàn thiện mô hình hải quan thông minh, nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.

Việc thực hiện thành công mô hình Hải quan thông minh sẽ tạo ra bước đột phá và nâng tầm phát triển của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn mới. Hải quan thông minh là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, yêu cầu chia sẻ - kết nối thông tin với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, DN.

Hải Linh

Hải Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam