“Kho bạc 3 không” sớm thành hiện thực

23:55 | 19/09/2021 Print
(TBTCVN) - Từ nhiều năm nay, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện cải cách từ phối hợp thu, giao dịch trên môi trường mạng đến đẩy mạnh không giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt… Theo đó, tại trụ sở các đơn vị kho bạc đã vắng bóng khách hàng, lượng chứng từ giấy cũng giảm hẳn.

Đồ họa: HỒNG VÂN

Đồ họa: Hồng Vân

Đây chính là những bước căn bản để Kho bạc Nhà nước sớm tiến tới đích là “Kho bạc 3 không”, theo đúng mục tiêu đề ra.

Các mục tiêu cơ bản hoàn thành

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Kho bạc Nhà nước (KBNN), nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã có nhận xét về “Kho bạc 3 không” (không có bạc, không khách hàng giao dịch, không chứng từ giấy). Theo ông, năm 2019, KBNN đã làm được việc đầu tiên là không có bạc (không giao dịch bằng tiền mặt). Năm 2020, với việc triển khai mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong toàn hệ thống, KBNN đã thực hiện được yếu tố “không” thứ hai là không có người đến giao dịch tại trụ sở… Thời gian tới, KBNN cần tiếp tục củng cố và nâng cao nhiệm vụ cải cách hành chính để thực hiện được “không” thứ 3 là không chứng từ giấy.

Để có được kết quả này, trong suốt nhiều năm trở lại đây, toàn hệ thống KBNN đã luôn nỗ lực thực hiện đẩy mạnh hiện đại hóa và cải cách phương thức giao dịch. Theo đó, để mở rộng không gian và thời gian cho người nộp thuế, ngoài việc phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) với 5 hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và MB, trong nửa đầu năm 2020, KBNN tiếp tục ký thỏa thuận phối hợp thu NSNN với 4 NHTM cổ phần là VPBank, SeaBank, SHB và Techcombank.

Phối hợp thu ngân sách giúp tiến trình tới kho bạc 3 không nhanh hơn

Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã phối hợp thu với 9 hệ thống ngân hàng thương mại (5 hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, 4 hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần). Việc ký kết thỏa thuận này phù hợp với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa của kho bạc nhà nước đã và đang triển khai thực hiện trong thời gian qua để trở thành kho bạc điện tử và hướng tới kho bạc số với 3 không: “Không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ”. Đồng thời, với ngân hàng, đây cũng là bước chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động, đổi mới phương thức phục vụ khi lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Đồng thời, đối với công tác tập trung các khoản thu vào, KBNN đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai Chương trình quản lý thu NSNN để kết nối, trao đổi, thống nhất thông tin, dữ liệu điện tử về thuế, phí, lệ phí giữa KBNN, cơ quan thuế, hải quan và các NHTM nơi KBNN mở tài khoản và phối hợp thu.

Mặt khác, KBNN đã phối hợp với các cơ quan trong việc phát triển và đa dạng hoá các phương thức thu NSNN hiện đại bên cạnh phương thức truyền thống là nộp tiền mặt và chuyển khoản tại trụ sở ngân hàng như: thu NSNN qua Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của cơ quan thu, qua ATM, internet banking, mobile banking, qua các điểm chấp nhận thẻ POS của ngân hàng thương mại…

Với những giải pháp đã thực hiện, đến hết năm 2020, tỷ trọng thu bằng tiền mặt qua KBNN chỉ còn 0,55% so với tổng số thu ngân quỹ nhà nước. Việc giảm lượng tiền mặt trong giao dịch tại KBNN đang đi đúng theo định hướng của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Đáng chú ý, cũng trong năm 2020, toàn hệ thống đã đẩy mạnh giao dịch trên DVCTT của KBNN. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng giao dịch chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng trên DVCTT đạt từ 98% trở lên giúp cho lượng chứng từ giấy giao dịch qua KBNN giảm hẳn.

Đích đến “Kho bạc 3 không” đã rất gần

KBNN đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là thực hiện mục tiêu hoàn thành 100% thủ tục trên DVCTT mức độ 4 để sớm hình thành “Kho bạc 3 không”. Cùng với KBNN, các KBNN địa phương cũng đang gấp rút triển khai các công việc để rút ngắn khoảng cách tới đích đến.

Tại KBNN Hải Phòng, Giám đốc Lê Thanh Phương cho biết, nhờ tích cực triển khai các ứng dụng CNTT và DVCTT, hiện nay 97% khối lượng giao dịch tại KBNN Hải Phòng đã được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến. KBNN Hải Phòng cơ bản trở thành “Kho bạc 3 không”, đáp ứng tốt các yêu cầu công việc đặt ra.

Nói rõ hơn về công tác này, người đứng đầu KBNN Hải Phòng cho biết, ngoài việc giao dịch trên DVCTT, KBNN Hải Phòng còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, đa số các khoản thu ngân sách của địa phương đều được thực hiện qua các NHTM, nhất là thuế xuất nhập khẩu thực hiện qua NHTM chiếm gần 100% tổng số thu nên công chức kho quỹ được giảm tải để tăng cường cho công tác kiểm soát chi, giúp cho công tác quản lý ngân sách của đơn vị ngày càng gia tăng hiệu quả.

Trong những năm gần đây, lộ trình đi đến “Kho bạc 3 không” của KBNN Ninh Thuận từng bước được hoạch định và thực hiện chặt chẽ, thận trọng, chắc chắn. Với 96% các khoản thu - chi được thực hiện thông qua hệ thống NHTM đã giúp cho việc thu - chi trực tiếp bằng tiền mặt tại KBNN Ninh Thuận chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 3 - 4% trên tổng thu và tổng chi. Đặc biệt, tại một số đơn vị KBNN huyện đã không còn tiền mặt trong kho quỹ đã giúp hạn chế tuyệt đối rủi ro phát sinh trong công tác quản lý tiền tại kho bạc.

Bà Nguyễn Thị Bắc Hà - Trưởng Phòng Kiểm soát chi - KBNN Ninh Thuận cho biết, với những kết quả đã đạt được, KBNN Ninh Thuận luôn nhận được sự đánh giá cao của các cấp lãnh đạo tỉnh trong công tác cải cách hành chính. Kết quả này cũng giúp cho KBNN Ninh Thuận tiếp tục giữ vững thứ hạng cao về cải cách hành chính trong khối cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Đây chính là động lực, là nguồn cổ vũ giúp cho tiến trình đi đến “Kho bạc 3 không” của KBNN Ninh Thuận được rút ngắn lại.

Tại KBNN An Giang, sau nhiều nỗ lực, đến nay đơn vị đã hoàn thành mục tiêu “Kho bạc 3 không”. Với mục tiêu không có bạc, KBNN An Giang đã thực hiện phối hợp thu với các hệ thống NHTM. Đồng thời, với các khoản chi bằng tiền mặt có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, KBNN An Giang cũng từng bước thực hiện qua hệ thống các NHTM thông qua tài khoản thanh toán của KBNN các cấp mở tại NHTM. Từ tháng 4/2021, tất cả các khoản chi trả bằng tiền mặt từ nguồn NSNN trên địa bàn tỉnh An Giang đã được thực hiện qua hệ thống NHTM. KBNN An Giang đã chính thức hoàn thành mục tiêu “Kho bạc không có bạc”.

Theo báo cáo từ KBNN An Giang, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, đơn vị đã đẩy mạnh giao dịch trên DVCTT. Đến nay, 100% chứng từ thanh toán đã được KBNN An Giang tiếp nhận, xử lý trên DVCTT. Theo đó, KBNN An Giang đã hoàn thành được mục tiêu không có khách hàng, không chứng từ giấy…

Có thể thấy, với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống KBNN, “Kho bạc 3 không” sẽ sớm trở thành hiện thực giúp cho công tác quản lý nguồn ngân quỹ nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả, đồng thời tiết kiệm rất nhiều chi phí (chi phí đi lại, chi phí in chứng từ giấy…). “Kho bạc 3 không” sẽ là nền tảng vững chắc để KBNN tiến tới kho bạc số - là mục tiêu trong dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 đang được KBNN trình Bộ Tài chính.

Để củng cố thêm các tiện ích của kho bạc điện tử, kho bạc 3 không, hiện KBNN đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các NHTM hướng dẫn triển khai, tiếp nhận các khoản thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh và các bộ, ngành từ cổng thông tin của các tỉnh, thành phố (thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia), qua NHTM và chuyển đến KBNN để nộp trực tiếp vào NSNN hoặc vào tài khoản phí, lệ phí chờ nộp NSNN của cơ quan thu mở tại KBNN.

Đồng thời, KBNN tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước rà soát và trình Bộ Tài chính mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc thanh toán cá nhân qua tài khoản tại các địa bàn chưa thuộc diện bắt buộc nhưng trên thực tế đã thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản.

Thêm các tiện ích kho bạc 3 không

Để củng cố thêm các tiện ích của kho bạc điện tử, kho bạc 3 không, hiện kho bạc nhà nước đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các ngân hàng thương mại hướng dẫn triển khai, tiếp nhận các khoản thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh và các bộ, ngành từ cổng thông tin của các tỉnh, thành phố (thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia), qua ngân ngân sách nhà nước hoặc vào tài khoản phí, lệ phí chờ nộp ngân sách nhà nước của cơ quan thu mở tại kho bạc nhà nước.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam