TP.Hồ Chí Minh: Cần chấn chỉnh kịp thời việc triển khai các gói hỗ trợ cho dân

15:37 | 20/09/2021 Print
Tiếp thu một số phản ánh, kiến nghị của người dân về tình trạng một số nơi triển khai cấp phát tiền trợ cấp cho người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 chưa hợp lý, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh đề nghị UBND TP cần kịp thời chấn chỉnh ngay thực trạng này.

anh mơi

Người dân khu phong tỏa tiếp nhận túi an sinh của thành phố. Ảnh: CTV

Người dân than phiền

Thời điểm này thành phố (TP) Hồ Chí Minh đang triển khai gói hỗ trợ lần 3 với gần 10.000 tỷ đồng, mở rộng các đối tượng, người già, trẻ em, người lao động mất việc, không có thu nhập, gặp khó khăn, không phân biệt thường trú, tạm trú... Trước đó, thành phố đã triển khai xong gói hỗ trợ đợt 1 và 2 với 6.500 tỷ đồng.

Đánh giá chung, đa số các địa phương, đơn vị đã có cách làm khoa học, triển khai nhanh, kịp thời, rất nhiều người dân được thụ hưởng từ chính sách nhân văn này.

Bên cạnh đó vẫn có nơi triển khai chưa đến nơi đến chốn khiến cư dân than phiền. Gần đây nhất tại phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức, theo người dân phản ánh, mặc dù TP.Hồ Chí Minh đã triển khai đến gói hỗ trợ thứ 3 nhưng có rất ít cư dân ở khu nhà xã hội Chương Dương Home trên địa bàn phường Trường Thọ được nhận tiền trợ cấp. Khi phát tiền thì cơ quan chức năng hẹn tới hẹn lui khiến nhiều người bức xúc.

Nằm trong diện lao động khó khăn, mất việc làm, thất nghiệp gần 3 tháng nay, lẽ ra phải được nhận tiền trợ cấp của UBND thành phố từ những đợt đầu tiên, thế nhưng chị Nguyễn Thị Lợi (SN 1986), ngụ căn hộ B0815 - nhà ở xã hội Chương Dương Home đăng ký trợ cấp từ đầu tháng 8, đến nay chị vẫn chưa nhận được khoản trợ cấp hay túi an sinh nào.

Lúc trước khi chưa xảy ra dịch, chị Lợi làm giúp việc nhà và phụ giữ trẻ cho người khác. 3 tháng nay chị thất nghiệp, nuôi con nhỏ, công ty của chồng cũng ngưng hoạt động, cả hai vợ chồng đều chật vật. Khoảng đầu tháng 8/2021, khi chung cư triển khai cho các hộ đăng ký đường link để nhận gói hỗ trợ cho các trường hợp lao động khó khăn, mất việc làm, không có thu nhập, chị Lợi cũng đăng ký và ra phường khai thêm thông tin nhận trợ cấp, nộp tại UBND phường Trường Thọ thời điểm đó.

Khoảng cuối tháng 8, chị Lợi nhận được tin nhắn ra nhận tiền. Thế nhưng sau đó, phường đã dời lại ngày khác. Chị Lợi có gọi cho bà Châu - phụ trách việc cấp phát tiền cho cư dân nhưng bà Châu không bắt máy. Sau đó, chị nghe bên đó báo lại “có người nhận thay em rồi”. Chị Lợi cho là vô lý vì chồng chị chưa hề ra đó nhận bất cứ khoản tiền nào. Hơn nữa khi cấp phát tiền cho bất cứ trường hợp nào, bên phường cũng đều yêu cầu đúng người đi nhận, không cho nhận thay, phải xuất trình chứng minh nhân dân, số điện thoại, các thông tin cá nhân phải trùng khớp 100% mới cho nhận tiền.

Giữa trưa nắng như đổ lửa, bà Nguyễn Thị Luyến (sinh năm 1968) đi bộ ra khu phố để nhận tiền trợ cấp dành cho diện người già, người buôn bán vỉa hè thất nghiệp mấy tháng nay khi phường thông báo gọi ra nhận tiền. Bà ở cùng với gia đình con gái là Phạm Thị Hương tại căn hộ C1-0828 - nhà ở xã hội Chương Dương Home. Từ đầu mùa dịch tới nay, bà cũng chưa từng nhận được khoản trợ cấp nào. Ra đến nơi thì người phát tiền đã về, bà ngồi đợi 3 tiếng đồng hồ cũng không thấy ai trở lại phát tiền đành lủi thủi đi bộ về. Tới nay, bà Luyền vẫn chưa thấy ai gọi hay nhắn ra nhận tiền.

Tại nhà ở xã hội Chương Dương Home, do chưa được nhận khoản trợ cấp nào từ đầu mùa dịch tới nay, mới đây gói hỗ trợ có mở rộng cho các đối tượng mất việc, thất nghiệp nên cư dân mong ngóng rất nhiều từ khoản trợ cấp này.

Hiện cư dân nhà ở xã hội Chương Dương Home cũng vừa nhận được thông báo của UBND phường Trường Thọ yêu cầu cư dân đăng ký lại thông tin để được nhận tiền trợ cấp.

Chính quyền vào cuộc

Thực trạng ở phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức không phải là ngoại lệ. Tại cuộc giám sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh với đại diện 4 quận, huyện và sở, ngành và HĐND TP về chính sách hỗ trợ người dân, người lao động (NLĐ) gặp khó khăn do dịch Covid-19, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong đợt 1 các địa phương cơ bản thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, quá trình triển khai gói hỗ trợ đợt 2 cho NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của HĐNDTP thì vẫn còn để sót và khá nhiều bất cập.

Tại quận Bình Tân, tính đến ngày 14/9 đã hỗ trợ 75.771/78.157 trường hợp, 2.486 trường hợp còn lại chưa được chi. Huyện Hóc Môn sót 19.565 trường hợp, chưa chi 634 trường hợp. Quận 8 còn hơn 5,4% chưa chi, rà soát đợt 1 còn sót 22.390 trường hợp. Quận Gò Vấp cũng tương tự, sau khi rà soát xong còn sót 10.000 trường hợp.

Đại diện UBND P8, quận Gò Vấp nêu một thực tế trong công tác chi hỗ trợ ở địa phương: "Có hộ 2 người, hộ 7-8 người vẫn nhận 1,5 triệu đồng/hộ (hoặc 1,2 triệu đồng và phần quà quy ra tiền là 300.000 đồng), trong khi lao động tự do thuộc 6 ngành nghề lại chi theo cá nhân, được nhận 3 triệu đồng cho 2 đợt, dẫn đến sự so bì”.

Bà Trần Thị Kim Yến - Bí thư Quận ủy quận 1 cho rằng, sai sót trong quá trình hỗ trợ vừa qua là khó tránh khỏi. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tổ dân phố người lập danh sách ban đầu là các tổ trưởng dân phố đã có tuổi, dễ lây nhiễm bệnh nên có những hạn chế nhất định. Theo bà Yến, các đợt hỗ trợ được thực hiện khá nhanh, các gói chồng lên nhau khiến nhiều người không hiểu dẫn đến so bì.

Nguyên nhân chủ yếu là từ chính quyền cơ sở làm thiếu công bằng, thiếu sự công khai, minh bạch. Giãn cách kéo dài, rất nhiều hộ, nhiều người lâm hoàn cảnh khó khăn nhưng họ chỉ yêu cầu sự công bằng, công khai, minh bạch ngay từ tổ dân phố, khu phố đến phường, xã để người dân biết, hiểu rõ chính sách, đối tượng được hưởng.

Không sợ thiếu - chỉ sợ không công bằng

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều quận, huyện vì nhiều lý do, công tác chi hỗ trợ làm chậm hơn so với kế hoạch. Bà Tuyết đề nghị trong đợt 3, các địa phương phải rút kinh nghiệm, đặc biệt làm tốt công tác xác minh để không bỏ sót đối tượng.

Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá, có nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân khách quan thì chủ quan vẫn là thống kê của cơ sở chưa chính xác, bỏ sót đối tượng được hưởng. Ông Mãi cho biết, trong đợt 1 và 2, TP.HCM đã cấp gần 6.500 tỉ đồng, trong đó có kinh phí vận động từ nguồn xã hội hóa là 1.400 tỉ đồng, còn lại từ ngân sách.

Nguyên nhân, theo ông Mãi là do TP giãn cách quá lâu nên đối tượng khó khăn tăng thêm, các cấp chính quyền khi rà soát thống kê chưa đầy đủ. "Đây là khuyết điểm của chúng tôi và xin nhận với bà con. Để khắc phục, TP đã cập nhật thêm danh sách và tính toán gói hỗ trợ đợt 3, sẽ tiếp tục bổ sung đảm bảo cho bà con được hỗ trợ".

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, công tác hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn trong đợt 3, TP thống nhất 2 diện đối tượng được hỗ trợ, gồm: NLĐ bị mất việc, không có thu nhập, gặp khó khăn (không phân biệt người có hộ khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú) đang có mặt trên địa bàn phường, xã, thị trấn; người già, trẻ em là cha, mẹ, vợ, chồng, con (ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc) của NLĐ bị mất việc đang có mặt trên địa bàn phường, xã, thị trấn tại thời điểm khảo sát, lập danh sách. Việc lập danh sách số người cụ thể được nhận tiền hỗ trợ trên cơ sở danh sách thực chi đợt 2 và bổ sung đối tượng theo tiêu chuẩn diện định hướng hỗ trợ trên.

Theo thống kê sơ bộ từ TP.Thủ Đức và các quận huyện, TP.Hồ Chí Minh có khoảng 2 triệu hộ dân với 7,1 triệu người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, TP cũng có khoảng 450.000 người đang lưu trú bị mất việc làm, thu nhập không có, đang gặp khó khăn cần được hỗ trợ. Tổng số người cần hỗ trợ là hơn 7,5 triệu người, với dự toán khoảng gần 10.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo việc chi hỗ trợ chặt chẽ, không bỏ sót, không trùng lắp, không để lợi dụng chính sách cho mục đích cá nhân, ông Võ Văn Hoan yêu cầu với các trường hợp thuộc diện thường trú, tạm trú, UBND phường, xã, thị trấn sẽ phối hợp cảnh sát khu vực đối chiếu hồ sơ nhân hộ khẩu hiện có, tổ chức kiểm tra, rà soát và hoàn thiện danh sách hỗ trợ. Đối với các trường hợp lưu trú tạm thời, mỗi phường, xã lập tổ công tác đến từng khu vực nhà trọ, khu lưu trú công nhân, sinh viên, học sinh, xóm nghèo... rà soát, đối chiếu từ danh sách đã đăng ký để xác lập danh sách chi tiết từng trường hợp.

Quan điểm của các đại biểu Quốc hội qua đợt giám sát chuyên đề đề nghị các đơn vị, địa phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh việc chi trả 2 gói hỗ trợ trước. Trong đợt 3 phải làm một cách công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng không sót lọt, sai đối tượng, gây tâm lý bất bình cho người dân./.

Qua kiểm tra tại các xã, phường, các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ nêu thực tế, nhiều người lao động ngoại tỉnh ở trong các khu nhà trọ đang gặp rất nhiều khó khăn do nghỉ việc dài ngày nhưng lại không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ. Nhiều gia đình không còn tiền và mong muốn được miễn, giảm tiền điện, nước. Thành phố cần chỉ đạo các quận, huyện, TP. Thủ Đức rà soát việc hỗ trợ cho các đối tượng đang gặp khó khăn, không có việc làm, không có thu nhập khác, ở trong vùng giãn cách; bổ sung kịp thời, tránh bỏ sót. “Thành phố lớn, đối tượng nhiều, phải đưa nhanh nhất các gói hỗ trợ đến tận tay người dân, đặc biệt lưu ý người dân ở các khu trọ, những hộ có trẻ nhỏ”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Gia Cư-CTV

Gia Cư-CTV

© Thời báo Tài chính Việt Nam