Thay đổi chiến lược kinh doanh theo xu hướng tiêu dùng để bứt phá hậu đại dịch

17:43 | 20/09/2021 Print
Theo các chuyên gia kinh tế, một yếu tố vô cùng quan trong doanh nghiệp không thể lơ là, bỏ qua trong chiến lược kinh doanh ngắn hạn cũng như dài hạn chính là sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng, nhất là khi nền phục hồi giai đoạn hậu đại dịch.

tieu dung

Doanh nghiệp nên hướng đến sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Ảnh: T.U

Thói quen và xu hướng tiêu dùng thay đổi

Dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nhân công và nguyên liệu đầu vào, sản xuất đình trệ, chuỗi phân phối bị đứt gãy… Bối cảnh đó đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược phù hợp, nỗ lực vươn lên, duy trì và thúc đẩy kinh doanh, giữ vững thị phần.

Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, một yếu tố vô cùng quan trong doanh nghiệp không thể lơ là, bỏ qua trong kế hoạch ngắn hạn cũng như dài hạn chính là sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng, nhất là khi các nền kinh tế toàn cầu phục hồi giai đoạn hậu đại dịch.

Theo một nghiên cứu của Accenture (Mỹ) về phản ứng của người tiêu dùng và Covid-19 cho thấy dịch bệnh đã tạo ra một số xu hướng mới trong hành vi của người tiêu dùng và sẽ tiếp tục kéo dài hoặc có thể thay đổi vĩnh viễn thói quen tiêu dùng. Theo đó, ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay là hạn chế việc lãng phí thực phẩm và cân nhắc tới sức khỏe khi mua sắm. Người tiêu dùng lo lắng và nhìn nhận sâu sắc hơn về việc bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình, bạn bè và xã hội. Các xu hướng giải trí, học tập và các hoạt động có tính cá nhân cũng tăng lên. Các doanh nghiệp đang sử dụng ngày càng nhiều hơn các công cụ kỹ thuật số để tương tác với người tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value – IBV) mới đây đã thực hiện cuộc khảo sát với 14.000 người đến từ 9 quốc gia về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững. Kết quả cho thấy, 90% người được hỏi đều thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này từ khi đại dịch xảy ra. Mức độ sẵn sàng thay đổi hành vi cũng thay đổi rõ rệt khi 55% người tiêu dùng cho biết tính bền vững là yếu tố rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng khi lựa chọn thương hiệu; 62% người tiêu dùng cũng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường...

Đơn cử, Bộ Công thương mới đây thông tin, xu hướng tiêu dùng sản phẩm thủy sản của EU đã thay đổi vì Covid-19. Theo đó, những sản phẩm thủy sản có tính tiện dụng tiêu dùng ở nhà là lựa chọn của phần đông người tiêu dùng thủy sản tại thị trường này.

Thay đổi tư duy, linh hoạt áp dụng hình thức kinh doanh mới

Nhận định của các chuyên gia cho thấy, hiện trên thế giới, khi đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã và đang bắt đầu tập trung tìm hiểu những thay đổi của người tiêu dùng và phát triển các chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Đại dịch Covid-19, ở khía cạnh nào đó, đã mang lại cơ hội để doanh nghiệp có thể phát triển theo hướng bền vững hơn, hướng tới các giá trị cộng đồng nhiều hơn.

Sự kiện Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh – Tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới” đã thúc đẩy mạnh mẽ các giá trị bền vững trong chính sách kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như trong tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tại Việt Nam, mặc dù chưa có dữ liệu chính thức về chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng về các giá trị bền vững sau sự xuất hiện của dịch bệnh, nhưng có thể thấy, tiêu dùng bền vững đang ngày càng được quan tâm hơn trong cộng đồng người tiêu dùng và cả doanh nghiệp.

Do đó, để tồn tại, phát triển và bứt phá giai đoạn hậu đại dịch, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp Việt cần đáp ứng được xu hướng, thói quen tiêu dùng hình thành trong đại dịch, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh mới cho mình.

Điều đó có nghĩa là bản thân doanh nghiệp nên hướng đến sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường trong kênh phân phối; thay đổi linh hoạt phương thức kinh doanh bởi người tiêu dùng đã có xu hướng chủ động mua hàng từ xa...

Về vấn đề này, theo TS.. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tiêu dùng xanh, sản xuất bền vững trở thành xu hướng nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng và người tiêu dùng. Bản thân doanh nghiệp nếu không chú trọng điều đó, cho ra sản phẩm gây ô nhiễm môi trường sẽ bị người tiêu dùng quay lưng, tẩy chay.

"Cần nhấn mạnh là tiêu dùng bền vững là khái niệm tuy mới mới ở nước ta nhưng doanh nghiệp không khó để thực hiện. Mọi doanh nghiệp, dù có quy mô nhỏ hay lớn đều có thể thực hiện thành công xu hướng tiêu dùng tiến bộ này cũng như áp dụng các phương thức kinh doanh mới, nhất là thương mại điện tử" - ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam