Cổ phiếu ngân hàng đơn độc, VN-Index mất cơ hội tăng

16:37 | 20/09/2021 Print
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có phiên đầu tuần khá sôi động, đáng lẽ phải giúp cuộc “khởi nghĩa” thành công. Thế nhưng nhiều cổ phiếu lớn hơn lại quay đầu giảm, tước đi cơ hội tăng điểm của VN-Index.

CKCầu bắt đáy không thành ở VIC

Cổ phiếu gây xáo trộn thị trường nhiều nhất hôm nay là VIC. Những chuỗi ngày lao dốc kinh hoàng đang tạo lòng tham đáng kể với mã này. Chỉ riêng từ đầu tháng 9 tới nay VIC đã giảm 7,9%, từ đỉnh tháng 8 cách đây 20 phiên, giá bốc hơi 16,63%. Trong vòng 5 tháng qua VIC giảm 32,3%.

VIC đang rơi xuống đáy năm 2021 ở quanh mốc 82.000 đồng (giá điều chỉnh). Điều này đã làm nổi lòng tham ở không ít nhà đầu tư. Phiên bắt đáy đáng chú ý nhất là hôm 16/9 vừa qua khi khối ngoại xả ròng ngàn tỷ ở mã này. VIC hôm đó chuyển nhượng 15,13 triệu cổ.

Hôm nay VIC lại được bắt đáy khá tốt khi giá giảm cả buổi sáng. Đầu phiên chiều VIC xuất hiện một nhịp đẩy giá rất mạnh. Giá đang giảm đột ngột chuyển sang tăng vọt 2,42% so với tham chiếu. Phiên cuối tuần trước VIC cũng có một nhịp tăng tương tự nhưng thất bại. Hôm nay VIC cũng vậy, lại xuất hiện lực xả mạnh cuối phiên đẩy giá đóng cửa giảm 0,12%.

Biến động giá trong phiên xuất hiện liên tục, thậm chí tăng tốt, cho thấy VIC có cầu bắt đáy. Nhà đầu tư mua mạnh từng thời điểm làm chênh lệch cung cầu và kéo giá tăng. Tuy nhiên do nhu cầu bán còn nhiều, giá tăng lại tạo điều kiện thoát hàng tốt hơn nên xuất hiện lực cung mới đẩy giá xuống.

VIC là cổ phiếu vốn hóa lớn thứ hai sau VCB, nên mỗi biến động giá của VIC ảnh hưởng rất nhiều tới VN-Index. Nhịp tăng của VIC đã có lúc kéo VN-Index vượt tham chiếu tới gần 1%, trước khi rơi trở lại cuối phiên và cũng do VIC bị xả giảm giá.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng là một nhân tố bí ẩn ở VIC. Khối ngoại xả ròng VIC rất nhiều những phiên vừa qua. Hôm nay VIC lúc giá tăng lại xuất hiện lực bán từ khối ngoại. Thêm hơn 163 tỷ đồng lại được rút ròng khỏi VIC phiên này và chính khối ngoại khiến VIC đảo chiều không thành công chiều nay.

Ngay mai VIC thậm chí còn đối diện với rủi ro bán lớn hơn nữa khi các nhà đầu tư bắt đáy sớm hôm 16/9 bắt đầu có thể bán cổ phiếu. Hơn 15 triệu cổ phiếu là quy mô khổng lồ, trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Nếu nhà đầu tư cắt lỗ, VIC sẽ chịu áp lực rất lớn. Ngược lại, nếu nhà đầu tư không bán ra nhiều, đó có thể là tín hiệu tốt vì lực mua bắt đáy thật sự muốn giữ cổ phiếu lại.

Cổ phiếu ngân hàng chưa thay đổi được cục diện

Tín hiệu mạnh mẽ từ cổ phiếu ngân hàng là điều tốt nhất cho thị trường lúc này, khi nhiều blue-chips khác vẫn còn yếu. Hôm nay ngân hàng cũng suýt nữa làm nên chuyện, khi tăng giá rất tốt cả buổi sáng, một mình chống đỡ cho VN-Index.

Thế nhưng chiều nay ngân hàng cũng chịu sức ép nhất định và không thể thay thế được số đông. VCB tăng 2,47%, TCB tăng 1,91%, ACB tăng 1,58% là các mã còn mạnh nhất. Ảnh hưởng từ lực bán khiến nhiều cổ phiếu ngân hàng trượt dốc trong phiên khá lớn. Mức trượt giá ở nhiều mã ngân hàng lên tới trên 1% trong ngày hôm nay như HDB, CTG, STB, TCB, VPB... Thậm chí như TPB, từ chỗ tăng 2,45% đảo chiều thành giảm 1,72%, nghĩa là trượt giá trong phiên hơn 4%.

Cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB tăng 2,47%, TCB tăng 1,91% cũng không đủ để giữ VN-Index đóng cửa trên tham chiếu. VIC quay đầu giảm, VHM bốc hơi tới 1,6%, SAB giảm 1,68%, MSN giảm 2,05%, GAS giảm 3,37%, GVR giảm 2,98%, HPG giảm 0,97% đã gây sức ép lớn hơn.

Phiên hôm nay cho thấy chỉ riêng cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa chắc đã đem lại một tương lai hi vọng cho thị trường. VN-Index mới ngấp nghé phục hồi tới đỉnh cao tháng 8 mà thị trường đã phân hóa nhiều. Vì vậy để vượt qua đỉnh cao tháng 8, cần có sự cộng hưởng của các cổ phiếu dẫn dắt chứ không thể riêng nhóm nào.

chứng khoán 20-9

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

23.696 tỷ đồng (+41%)

813,2 triệu (+43%)

3.972 tỷ đồng (+27%)

170 triệu (+8%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam