Chao đảo cùng thế giới, VN-Index bốc hơi gần 11 điểm

16:25 | 21/09/2021 Print
Thị trường chứng khoán toàn cầu đêm qua rúng động trước nguy cơ đổ vỡ của tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc. Các chỉ số chính sụt giảm nghiêm trọng và ngay lập tức tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Thị trường trong nước hôm nay có những thời điểm bị bán tháo mạnh.

CKBlue-chips sụp đổ

Những lo lắng về “bom nợ” Evergrande đã âm ỉ trên thị trường chứng khoán quốc tế từ tuần trước. Chỉ số S&P500 của Mỹ đã có 2 tuần giảm liên tiếp. Đêm qua chỉ số này bốc hơi 1,7%, DJI giảm 1,78%, Nasdaq giảm 2,19%.

Mặc dù rủi ro từ vụ Evergrande đến thị trường Việt Nam như thế nào không rõ, nhưng mức sụt giảm mạnh từ thị trường tài chính quốc tế vẫn có thể gây sốc nhất định. Sáng nay thị trường trong nước chìm trong áp lực bán tháo mạnh. VN-Index lúc gần 11h còn giảm tới 1,9%.

Đặc biệt chỉ số VN30-Index giảm chạm đáy sâu nhất phiên bốc hơi 1,71% và đóng cửa vẫn giảm 0,85%. Nhóm cổ phiếu blue-chips Vn30 đại đa số vẫn giảm giá mạnh, chỉ có 4 mã tăng giá là BVH, MWG, MSN và VNM.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chịu chung số phận, bị xả hàng khá nhiều và giá đều giảm mạnh: VCB giảm 1,61%, VPB giảm 0,89%, CTG giảm 1,1%, STB giảm 1,11%. Ngay cả nhóm cổ phiếu triển vọng nhất cũng bị áp lực lớn kéo xuống thì gần như không có hi vọng gì ở các blue-chips còn lại.

VIC giảm 1,27%, VHM giảm 3% lộ diện là hai cổ phiếu gây hại nhất cho VN-Index. Ngoài ra GVR cũng giảm 2,67%, HPG giảm 0,97%. Trong số này VIC tiếp tục chuỗi ngày lao dốc thứ 6 liên tiếp và đang tiệm cận mức đáy 2021 hồi cuối tháng 1.

Mặc dù đa số cổ phiếu blue-chips giảm giá hôm nay nhưng lực cầu bắt đáy vẫn không cảm thấy hấp dẫn. Thanh khoản của rổ Vn30 sụt giảm hơn 6% so với hôm qua chứ không tăng lên. Bình thường nếu giá đột ngột rơi mạnh, nhà đầu tư thường nhảy vào mua bắt đáy và tạo được thanh khoản càng lớn tức là càng có nhiều người quan tâm.

Trong số 4 cổ phiếu tăng của nhóm Vn30 giao dịch hầu hết là nhỏ. Thanh khoản cao nhất là VNM với 273 tỷ đồng, giá tăng 0,11% thì cũng chỉ đứng thứ 20 trên 2 sàn. Những cổ phiếu có thanh khoản lớn thì đều giảm giá và là dấu vết của bán tháo như HPG, VHM, VPB, VIC, SSI, VND...

Cổ phiếu nhỏ vẫn hấp dẫn

Trong khi cả VN30 lẫn VN-Index đều đóng cửa giảm hôm nay thì Midcap và Smallcap tăng tương ứng 0,08% và 0,47%. Đặc biệt nhóm smallcap vẫn có tới 15 mã tăng giá kịch trần, rõ ràng là điểm sáng chói lọi giữa bối cảnh thị trường bị bán tháo ồ ạt.

Thực ra cũng phải nhìn nhận rằng thị trường Việt Nam có rất ít mối liên hệ với rủi ro của Evergrande và ảnh hưởng chủ yếu là tâm lý. Cổ phiếu đầu cơ xưa nay vẫn đi ngược dòng được, ngay cả khi nội tại thị trường trong nước có vấn đề. Điều quan trọng nhất là dòng tiền đầu cơ có sẵn sàng đẩy giá ngược dòng hay không.

Cơn sốt đầu cơ các mã nhỏ đã có sự xoay vòng nhất định, nhiều cổ phiếu tăng quá nóng bị xả, nhưng điều đó không có nghĩa là hết sóng. Cơ hội trên thị trường lúc này không tìm đâu ra khác ngoài đầu cơ các mã nhỏ. Thông tin hỗ trợ không có, dòng tiền yếu, chỉ có các mã đầu cơ thanh khoản thấp là phù hợp.

Hôm nay cổ phiếu đầu cơ tăng trần khá nhiều, nhưng không ảnh hưởng gì tới chỉ số lẫn thanh khoản. Giao dịch sôi động nhất của nhóm smallcap tăng trần cũng chỉ khớp 162 tỷ đồng, quá nhỏ. Điểm số thì các mã này càng không có cơ hội. Nói cách khác, các mã đầu cơ có thể đánh ngược dòng mà không gây ảnh hưởng gì lớn, ít chú ý, ít gây “bức xúc” mà lại thu hút được số lớn các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Điều quan trọng khi đầu cơ các mã nhỏ là kiềm chế lòng tham vì tình trạng phổ biến là nhà đầu tư chốt lời xong giá lại tăng cao hơn nữa, và cảm giác tiếc nuối xuất hiện, thôi thúc một vị thế giao dịch mới lớn hơn để lãi đậm hơn. Tuy nhiên hầu hết lợi nhuận đầu cơ thường bị mất sạch ở các giao dịch cuối với quy mô ngày càng lớn. Mặt khác, các mã đầu cơ tăng dù được tô vẽ yếu tố cơ bản nào đó, nhưng bản chất là dòng tiền nóng vào như thế nào. Khi tiền rút ra để chạy đến cổ phiếu đầu cơ khác thì giá chắc chắn giảm mà không có lý do nào khác giải thích được.

chứng khoán 21-9

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

21.949 tỷ đồng (-4%)

817 triệu (-4%)

3.619 tỷ đồng (-1%)

185,9 triệu (+1%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam