Chính thức triển khai hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố

19:07 | 21/09/2021 Print
Chiều 21/9, Tổng cục Thuế đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chính thức triển khai áp dụng hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh thành phố là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định.

tổng cục thuế

Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố. Ảnh: Đức Minh.

Hai giai đoạn triển khai hóa đơn điện tử

Báo cáo tại hội nghị về lộ trình, kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, Bộ Tài chính đã phê duyệt lộ trình triển khai hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022. Giai đoạn này triển khai tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định. Giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022 triển khai cho 57 tỉnh, thành phố còn lại.

Theo ông Toàn, trong giai đoạn đầu, Tổng cục Thuế triển khai phần mềm quản lý hóa đơn điện tử trên hạ tầng kỹ thuật hiện có của Tổng cục Thuế. Tiếp đến, Tổng cục Thuế sẽ bổ sung, nâng cấp hạ tầng cho hệ thống hóa đơn điện tử vào tháng 4/2022.

Nói về việc triển khai các giải pháp công nghệ thông tin để triển khai hóa đơn điện tử, ông Toàn cho biết, phần mềm quản lý hoá đơn điện tử đã được thiết kế kiến trúc tổng thể hệ thống trên nền tảng công nghệ hiện đại thời kỳ cách mạng 4.0.

Đề nghị UBND các tỉnh phối hợp triển khai

Để triển khai thành công hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính đã có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định, đề nghị phối hợp triển khai hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo cục thuế tham mưu thành lập ban chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử do lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng ban, chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật để kết nối, tra cứu thông tin về hóa đơn điện tử; nắm bắt các hình thức gian lận mới nhằm mục đích thu lợi bất chính, hoặc chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước để có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Kiến trúc hệ thống theo hướng triển khai cho hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, các khối chức năng xử lý nghiệp vụ được thiết kế triển khai linh hoạt, có độ mở cao, theo mô hình xây dựng phần mềm mới là vừa xây dựng phát triển phần mềm, vừa triển khai và vận hành mà không ảnh hưởng tới hoạt động của ứng dụng.

“Đến nay, Tổng cục Thuế đã thực hiện rà soát, sắp xếp để tận dụng tối đa hạ tầng kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật, xây dựng các thông số và hoàn thành việc cài đặt hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng cho việc triển khai, kiểm thử phần mềm quản lý hoá đơn trong thời gian tới cho 6 tỉnh, thành phố” - ông Toàn nói.

Để triển khai thành công hóa đơn điện tử, ông Toàn cho biết trong quá trình triển khai, Tổng cục Thuế sẽ huy động nguồn lực từ tổ triển khai hoá đơn điện tử của 6 cục thuế để tham gia trực tiếp vào các giai đoạn xây dựng và triển khai phần mềm quản lý hoá đơn điện tử, bao gồm: phân tích yêu cầu nghiệp vụ, thiết kế, lập trình các chức năng ứng dụng của cổng lập hoá đơn trực tiếp của Tổng cục Thuế, cổng tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử và hệ thống xử lý dữ liệu hoá đơn điện tử.

Tổng cục Thuế sẽ thực hiện kiểm thử hiệu năng, kiểm thử tích hợp hệ thống, kiểm thử mức cán bộ thuế và cài đặt phần mềm trên hạ tầng kỹ thuật đã được chuẩn bị và tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm ứng dụng cho toàn bộ các cơ quan thuế tại 6 tỉnh, thành phố để triển khai sử dụng trong tháng 11/2021.

Song song với việc triển khai giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố, Tổng cục Thuế thực hiện các thủ tục để cung cấp và cài đặt hạ tầng kỹ thuât bổ sung đáp ứng yêu cầu triển khai giai đoạn 2 tại các tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 6/2022 và đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dữ liệu lớn về hoá đơn điện tử của 6 cục thuế triển khai giai đoạn 1 trong thời gian tiếp theo.

Thành lập ban chỉ đạo và tổ triển khai tại các địa phương

Phát biểu tại lễ công bố, ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021, việc triển khai áp dụng hoá đơn điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong năm 2021 - 2022.

Vì vậy, trong thời gian tới, ngành Thuế cần tập trung nguồn lực, đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử quyết liệt, theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế báo cáo UBND tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo triển khai áp dụng hóa đơn điện tử do lãnh đạo tỉnh, thành phố làm trưởng ban và thành viên là đại diện lãnh đạo của cục thuế và các sở, ban, ngành có liên quan.

Ban chỉ đạo có tổ giúp việc do cục trưởng cục thuế làm tổ trưởng và thành viên là đại diện lãnh đạo, công chức các chi cục thuế, các phòng thuộc cục thuế, đại diện các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan trên địa bàn.

Đồng thời, các cục thuế chủ động phối hợp với sở thông tin và truyền thông, các báo đài tại địa phương để tuyên truyền kịp thời lợi ích của việc thực hiện hóa đơn điện tử và những nội dung mới của hóa đơn điện tử theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Cục Công nghệ thông tin phối hợp với các vụ, đơn vị khẩn trương hoàn thiện và trình ban hành quy trình quản lý hóa đơn điện tử, quy định về thành phần chứa dữ liệu hóa đơn điện tử và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế; thông báo về việc tiếp nhận văn bản đề nghị công khai dịch vụ hoá đơn điện tử và đề nghị ký hợp đồng cung cấp dịch vụ kết nối nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế của các tổ chức cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử.

Tổng cục Thuế giao Vụ Chính sách chủ trì tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ thuế về Thông tư số 78/2021/TT-BTC, quy trình quản lý hóa đơn điện tử, sử dụng các dịch vụ hoá đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, sử dụng phần mềm quản lý hoá đơn điện tử, sử dụng dịch vụ của các tổ chức cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử…

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, việc áp dụng thành công hoá đơn điện tử sẽ tạo tiền đề tốt để ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong thời gian tới. Vì vậy, lãnh đạo và công chức tại cơ quan thuế các cấp cần quyết tâm, dồn toàn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này./.

Nhật Minh - Đức Minh

Nhật Minh - Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam