Cổ phiếu "vua" có còn hấp dẫn trong những tháng cuối năm?

10:52 | 22/09/2021 Print
(TBTCVN) - Theo các chuyên gia chứng khoán, bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm 2021 của nhóm ngành ngân hàng sẽ chịu tác động lớn từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh, do đó thị trường chủ yếu sẽ kỳ vọng vào triển vọng lợi nhuận năm 2022.

Ngân hàng hiện là ngành có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Ngân hàng hiện là ngành có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi các hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại.

Đà tăng trưởng dự báo chậm lại

Nửa đầu tháng 9, VN-Index hồi phục nhờ động lực của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, kết hợp đan xen các nhóm cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng, hạ tầng, được cho là hưởng lợi từ nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ để hồi phục kinh tế. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu “vua” - cổ phiếu ngân hàng đang đi ngang, đây cũng là một trong những yếu tố được nhận định là điều kiện cần để chỉ số hồi phục.

Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới được công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, hiện tại là thời điểm để tích lũy cổ phiếu ngân hàng. Việc giá cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh trong thời gian qua, phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt dịch bùng phát dịch bệnh hiện nay. Số liệu thống kê từ Công ty Chứng khoán VNDirect, lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng niêm yết tăng 36,2% so với cùng kỳ trong quý II/2021 và tăng 55,5% trong 6 tháng đầu năm 2021, một phần do mức nền thấp của của năm 2020.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn ngành cuối tháng 6 tăng 6,44% so với đầu năm, từ mức 2,95% cuối tháng 3 và gần gấp đôi mức tăng 3,65% của 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, tín dụng đang tăng chậm lại trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tháng 7 và 8 tín dụng chỉ tăng thêm 0,9%, nâng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên 7,4% so với đầu năm.

Biên lãi suất sẽ giảm so với nửa đầu năm

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, đà tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại trong nửa cuối năm, do biên lãi suất (NIM) sẽ giảm so với nửa đầu năm. Thêm vào đó, các ngân hàng cần chủ động trích lập dự phòng nhằm duy trì chất lượng tài sản trước khả năng nợ xấu gia tăng. Hầu hết các ngân hàng niêm yết ghi nhận NIM cải thiện trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ chi phí vốn giảm. Bên cạnh đó, NIM dự báo sẽ khó cải thiện trong trong nửa cuối năm do các ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Các chuyên gia của VNDirect kỳ vọng số lượng ca nhiễm mới sẽ giảm và các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng vào cuối tháng 9 và dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành xuống mức 10 - 12% từ mức 13% trước đó, nhằm phản ánh khả năng cầu tín dụng chưa phục hồi sau giãn cách. Các nhà đầu tư đều hình dung được bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm 2021 sẽ chịu tác động lớn từ đợt bùng phát hiện tại; do đó thị trường chủ yếu sẽ kỳ vọng vào triển vọng lợi nhuận năm 2022.

Tuy nhiên về phương diện dòng tiền, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng ổn định từ đầu năm đến nay trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thấp, thị trường chứng khoán đang trở thành 1 kênh đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư cá nhân. Theo đánh giá của các chuyên gia VNDirect, xu hướng này sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2022, được thể hiện thông qua sự tăng trưởng số lượng tài khoản cá nhân mở mới trong 2 tháng vừa qua. Chiếm một phần tư giá trị vốn hóa thị trường, rõ ràng, ngành ngân hàng là một trong những ngành thu hút dòng vốn từ sự tham gia ngày càng tăng của nhà đầu tư cá nhân. Giá cổ phiếu các ngân hàng hiện đã điều chỉnh 15% so với mức đỉnh, vì vậy cổ phiếu ngân hàng có thể trở nên hấp dẫn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư.

Khó thu hút dòng tiền

Ông Phan Khánh Linh, Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam nhận định, năm 2020 cũng như nửa đầu năm 2021 là thời điểm rất rực rỡ của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, nửa cuối năm nay lợi nhuận của các ngân hàng khó có thể bùng nổ trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng liên đới. Với tình hình dịch như hiện nay cộng thêm việc nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng trong quý III năm 2021 sẽ chậm lại, các ngân hàng sẽ phải đặt vấn đề quản trị rủi ro lên hàng đầu để đảm bảo chất lượng tài sản. Mặt khác, diễn biến dịch kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp, khiến áp lực trích lập nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh.

Trong năm 2021 - 2022, lợi nhuận của các ngân hàng phần nào phụ thuộc vào khả năng thu hồi nợ từ những khoản nợ vay tái cơ cấu. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, từ đó làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.

Trong khi đó, ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng nhóm Phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, ngân hàng hiện là ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán. Đây là ngành dẫn dắt chính với những xu hướng tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây không phải là ngành có thể thu hút dòng tiền trong những tháng cuối năm.

Với các biện pháp chống dịch hiện tại sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, ngân hàng cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng này. Đặc biệt, ngân hàng là ngành hoạt động tài chính, ngành khá nhạy cảm với những biến động của nền kinh tế. Vì thế, nếu không có những chính sách hỗ trợ thì ảnh hưởng sẽ không hề nhỏ.

“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không thể hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng vận hành không hiệu quả sẽ làm nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn. Do đó, có thể ảnh hưởng rất lớn đến những nghĩa vụ của doanh nghiệp với các ngân hàng. Không loại trừ khả năng nợ xấu sẽ gia tăng trong thời gian tới. Với một số lý do trên thì hoạt động của nhóm này có thể tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng cuối năm với kết quả kinh doanh không như kỳ vọng trong năm 2021, do đó, nhóm này khó có thể thu hút được dòng tiền trong thời gian tới”, ông Hiếu phân tích.

Những nhóm cổ phiếu đáng chú ý khi dịch được kiểm soát

Báo cáo vừa công bố của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) đã đưa ra đánh giá tác động của các đợt bùng phát dịch đối với thị trường chứng khoán. Cụ thể, trước khi số ca mắc mới tạo đỉnh, đa số các nhóm ngành đều ghi nhận trạng thái giảm điểm. Sau đó, khi dịch bệnh dần được khống chế và số ca mắc mới đã tạo đỉnh, rất nhiều các ngành đồng thuận với xu hướng tăng điểm, đặc biệt là các nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ như dịch vụ tài chính, hóa chất...

Bên cạnh đó, xu hướng dòng tiền khi thị trường hồi phục sẽ lan tỏa hầu khắp nhóm ngành, tuy nhiên Agriseco đánh giá sẽ chỉ có một số ít các nhóm ngành có tỷ suất tốt hơn chỉ số chung. Đây thường là các nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ cao hoặc có câu chuyện tăng trưởng riêng biệt như hóa chất, kim loại, bán lẻ, dầu khí...

Agriseco đánh giá nhóm cổ phiếu hóa chất, cao su, phân lân đều được kỳ vọng tăng trưởng mức 3 chữ số từ đầu năm tới nay. Ngoài ra, nhu cầu đối với một số mặt hàng như photpho vàng, phân bón đang gia tăng trên thị trường quốc tế giúp các doanh nghiệp này được hưởng lợi từ việc xuất khẩu.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam