Covid-19 tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số

10:42 | 22/09/2021 Print
(TBTCVN) - Từ khi đại dịch xảy ra, quá trình chuyển đổi số của rất nhiều ngành, lĩnh vực trở nên nhanh hơn mức tưởng tượng. Những ngành vốn chưa sẵn sàng số hóa cũng buộc bước chân vào con đường này.

Giáo dục – đào tạo là lĩnh vực chuyển đổi số hiệu quả rõ rệt nhất trong bối cảnh Covid-19.

Giáo dục – đào tạo là lĩnh vực chuyển đổi số hiệu quả rõ rệt nhất trong bối cảnh Covid-19. Khi Covid-19 bùng phát, tất cả các địa phương đều phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Nhiều tỉnh, thành phố còn phải đặt trong tình trạng giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh. Điều này khiến những phương thức giao dịch truyền thống, trực tiếp trước đây không thể áp dụng và cách duy nhất là dùng công nghệ số. Từ khi đại dịch xảy ra, quá trình chuyển đổi số của rất nhiều ngành, lĩnh vực trở nên nhanh hơn mức tưởng tượng. Những ngành vốn chưa sẵn sàng số hóa cũng buộc bước chân vào con đường này.

Buộc phải thay đổi phương thức

Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, GS. TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đưa ra ví dụ: “Trong giáo dục, trước đây đi học là phải đến lớp, nhưng khi đại dịch xảy ra, các trường chỉ lúng túng trong một thời gian rất ngắn và sau đó thì gần như toàn ngành Giáo dục đã triển khai dạy học online bằng các phần mềm có tương tác. Thực tế, nhiều chương trình, hệ đào tạo không thua kém so với giáo dục trực tiếp”.

Hay ở góc độ người dân, trước đây Nhà nước khuyến khích không dùng tiền mặt, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) trả lương qua tài khoản nhưng thực tế, ngay sau khi tiền lương được chuyển là người người xếp hàng để rút và cầm tiền mặt đi tiêu. Thế nhưng dịch xảy đã hoàn toàn thay đổi hành vi. Ai muốn an toàn trước dịch bệnh, không muốn tiếp xúc thì phải chuyển sang dùng các phương thức giao dịch điện tử như là internet banking, ví điện tử, mobile banking và hầu như việc không dùng tiền mặt lúc này đã trở thành thói quen. “Thói quen ấy rõ ràng có sự chuyển đổi rất nhanh do sự xuất hiện của dịch Covid-19” - ông Cường nói.

3 giai đoạn cho doanh nghiệp chuyển đổi số

Lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam được khuyến nghị thông qua giai đoạn chuẩn bị và 3 giai đoạn để thực hiện dần từ chuyển đổi số triển khai riêng lẻ, chưa có tính kết nối sang chuyển đổi số hoàn toàn, kết nối và tích hợp đồng bộ với nhau. Các giai đoạn này là tương đối, tùy vào tình trạng thực tế, mục tiêu và tiềm lực của từng doanh nghiệp, có thể thực hiện song song hoặc nối tiếp nhau.

Các cơ quan, tổ chức, DN cũng chuyển đổi rất nhanh. Đơn vị nào ứng dụng tốt về công nghệ số, chuyển đổi số thì vẫn có thể duy trì được hoạt động thông qua làm việc online, làm việc từ xa mà không bị đình trệ. Thậm chí, có nhiều hoạt động của các cơ sở sản xuất được chia nhỏ ra và có người giám sát từ xa. Phương thức tổ chức, quản lý, hoạt động của các tổ chức, cơ quan, DN cũng thay đổi rất nhiều. Những hoạt động trước đây phải bỏ ra rất nhiều chi phí, công sức, thời gian, phương tiện như đi công tác, đi hội nghị, đi nước ngoài để đàm phán, ký kết nay đều được chuyển sang phương thức trực tuyến mà vẫn đạt hiệu quả.

TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, Covid-19 là kẻ thù của nhân loại nhưng ở góc độ chuyển đổi số thì việc Covid-19 bùng phát là một cơ hội tạo nên sự thay đổi theo chiều hướng số hóa các hoạt động. Đây cũng là một sự thay đổi thông minh, cần thiết cho xã hội hiện tại.

“Cái lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là chuyển đổi số và sự xuất hiện của Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển đổi. Tôi nghĩ công nghệ có thể giúp nhân loại bù đắp lại những thiệt hại mà Covid-19 gây ra thông qua việc đẩy nhanh chuyển đổi số, thay đổi về văn hóa giao tiếp, văn hóa làm việc, thay đổi nền văn minh của nhân loại. Đây là động lực phát triển lớn nhất của nhân loại trong thời gian tới” – ông Lộc nhấn mạnh.

Bắt nhịp được sẽ ít thiệt hại

Ở góc độ DN, nhất là DN công nghệ, ông Ngô Diên Hy – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) cũng cho rằng, Covid-19 tạo ra động lực để chúng ta tiến nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi số.

Một ví dụ dễ thấy trong lĩnh vực giáo dục, VNPT đã phát triển hệ thống Elearning (học trực tuyến) cho các nền tảng giáo dục từ cách đây khoảng 5 năm nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc khuyến khích các trường sử dụng. Khi Covid-19 bùng phát, hệ thống này đã đạt lưu lượng gấp hàng trăm, từ vài ngàn học sinh lên hàng triệu học sinh tham gia học trực tuyến.

“Sau Covid-19, có lẽ việc học trực tuyến sẽ trở nên bình thường hóa tại Việt Nam và trở thành một thói quen tốt để phát triển các lớp học ảo, áp dụng những công nghệ đào tạo tiên tiến” - ông Hy nói.

Cũng theo ông Ngô Diên Hy, năm 2017, chúng ta thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, trong đó tập trung rất nhiều về vấn đề chuyển đổi số quốc gia đã ấp ủ từ nhiều năm trước đây, từ trước khi Covid-19 xuất hiện. Điều đó chứng tỏ, chúng ta cũng đã có sự chuẩn bị.

Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2020 đã ban hành Thông tư 16 cho phép các ngân hàng thực hiện các giao dịch điện tử trên môi trường số để giải tỏa vướng mắc trong việc phục vụ đưa khách hàng lên môi trường online.

“Rõ ràng trong giai đoạn hiện nay, DN nào đưa được khách hàng lên môi trường online nhiều nhất, tại nhiều điểm chạm nhất thì DN đó bị ít thiệt hại nhất trong bối cảnh Covid-19. Còn DN nào thụt lùi trong việc đưa khách hàng của mình lên môi trường online thì sẽ là bị tổn thương nhiều nhất”, – ông Hy nhấn mạnh.

* TS. Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Ngành Tài chính đang đi đầu trong cuộc cách mạng số

Mục tiêu của chúng ta đang phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.

Hạ tầng kinh tế số của chúng ta đang phát triển khá nhanh và cho đến thời điểm hiện nay đã đạt được trình độ tương đương với các quốc gia “top” đầu trong khu vực.

Trong các cơ quan nhà nước thì Tài chính, cụ thể là ngành thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm đang là cơ quan đi đầu trong xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động của mình trong bối cảnh ngành Tài chính tích cực chuyển sang hoạt động trên nền tảng công nghệ số. Đây là điều rất quan trọng.

Ngành Tài chính đã là ngành tiên phong trong chuyển đổi thể chế, trong cải cách hành chính, trong cắt bỏ các giấy phép con và bây giờ thì ngành Tài chính cũng đang đi đầu trong cuộc cách mạng số trong các cơ quan của Chính phủ Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực này của ngành Tài chính.

* Ông Nguyễn Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính:

Động lực để thúc đẩy chuyển đổi số thực chất hơn

Dù có xuất hiện Covid-19 hay không thì nhu cầu thay đổi của DN lúc nào cũng có và họ không cần Covid như là một động lực. Điều họ cần nhất là Chính phủ thay đổi để giúp đỡ họ.

Với nhận định đó thì có thể đánh giá Covid-19 là động lực để Chính phủ đổi mới, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cộng đồng DN và triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thực chất hơn nữa để có thể song hành với nhau cùng phát triển.

* Ông Ngô Diên Hy – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT:

Khoảng 70 – 90 triệu dân chưa được cấp chứng thư số cá nhân

Bối cảnh Covid-19 là lúc các cơ quan nhà nước cũng phải cần có những chính sách phù hợp, đặc biệt với vấn đề định danh số. Đơn cử thời gian qua, trong lĩnh vực thuế, lĩnh vực bảo hiểm đã có thể thực hiện các dịch vụ công một cách tự động, bởi vì các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này đã được cấp chứng thư số. Vậy người dân thì sao?

Hiện nay, chúng ta đang có một khoảng trống cỡ 70 - 80 triệu người dân chưa được cấp những chứng thư số cá nhân. Họ chưa thể bỏ hàng triệu đồng để trả chi phí chứng thư số cho các nhà cung cấp hàng năm như doanh nghiệp.

Các cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý để đẩy nhanh việc cung cấp chứng thư số giá rẻ cho người dân và thực hiện điều này trong tương lai gần.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam