Việt Nam kêu gọi xóa bỏ rào cản trong cung ứng vắc-xin

17:15 | 23/09/2021 Print
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi COVAX và các nước có năng lực đẩy mạnh nỗ lực cung ứng vắc-xin cho các nước đang phát triển, để ít nhất 70% dân số các nước này được tiêm chủng sớm nhất có thể và hy vọng đạt được mục tiêu này trước kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm sau.

ctn

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thượng đỉnh toàn cầu về Covid-19. Ảnh: TTXVN

Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, trưa ngày 22/9 (theo giờ New York), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Covid-19 với chủ đề “Chấm dứt đại dịch Covid-19 và xây dựng lại tốt hơn” do Tổng thống Hoa Kỳ chủ trì tổ chức nhân dịp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76. Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với các nỗ lực phòng chống dịch trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới.

Bảo đảm ít nhất 70% dân số thế giới được tiêm chủng trước 9/2022

Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với các nỗ lực phòng chống dịch trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới. Do thời gian hội nghị có hạn, chỉ có lãnh đạo cấp cao một số nước phát biểu tại hội nghị, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao khác được mời gửi thông điệp ghi hình để phát trên trang mạng của ban tổ chức sau hội nghị.

Hội nghị tập trung thảo luận và đưa ra các cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo cấp cao, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân về tiêm chủng vắc-xin rộng rãi cho người dân trên thế giới, bảo vệ tính mạng con người và xây dựng lại an ninh y tế toàn cầu tốt hơn trong thời gian tới.

Đáng chú ý là cam kết sẽ bảo đảm ít nhất 70% dân số thế giới ở tất cả các quốc gia thuộc các nhóm có thu nhập khác nhau được tiêm vắc-xin đầy đủ trước Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2022.

Các nhà lãnh đạo cấp cao cũng cam kết bảo đảm tất cả các quốc gia thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình thấp có thể tiếp cận đầy đủ ô-xy, đồ bảo hộ cá nhân và phương pháp điều trị hiệu quả trong năm 2021 và phương pháp điều trị tiên tiến trong năm 2022 để bảo vệ tính mạng cho người dân.

Đồng thời, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho an ninh y tế thông qua việc thiết lập Quỹ tài chính an ninh toàn cầu với mức khởi đầu mong muốn khoảng 10 tỷ USD trong năm 2021 và thành lập một Hội đồng về các hiểm họa sức khoẻ toàn cầu.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cùng nhiều nhà lãnh đạo khác đều nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần có cam kết và quyết tâm mạnh mẽ và cấp bách để tiêm vắc-xin rộng rãi cho mọi người dân trên toàn thế giới, bảo vệ tính mạng và cuộc sống của người dân, tăng nguồn lực để xây dựng lại tốt hơn.

Bảo vệ sinh mạng và sức khoẻ của người dân phải là ưu tiên hàng đầu

Phát biểu tại hội nghị quan trọng này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong ứng phó dịch bệnh, bảo vệ sinh mạng và sức khoẻ của người dân phải là ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều đó, cần hành động quyết liệt để phát hiện sớm, truy vết nhanh, cách ly kịp thời và điều trị hiệu quả, tăng cường năng lực xét nghiệm, bảo đảm ô-xy, máy thở và thuốc điều trị, đặc biệt là nhanh chóng tiêm vắc-xin trên diện rộng.

Muốn vậy, cần tăng cường hợp tác toàn cầu, đầu tư nâng cao khả năng tự cường của hệ thống y tế và phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm, nhất là ở các nước đang phát triển. Đại diện Việt Nam hoan nghênh việc hội nghị lần này quyết định thành lập Quỹ tài chính an ninh y tế toàn cầu, góp phần bảo đảm nguồn lực cho những nỗ lực phòng chống đại dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mở rộng tiêm vắc-xin song song với sử dụng thuốc điều trị hiệu quả có ý nghĩa then chốt để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng người dân và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.

Chủ tịch nước đề xuất, cần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản xuất vắc-xin. Trong đó có việc tạo ra những trung tâm và mạng lưới sản xuất vắc-xin ở các khu vực thông qua việc tăng cường hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, xoá bỏ rào cản liên quan đến cung ứng vắc-xin. Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực này.

Đại diện Việt Nam cho rằng, trước sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19, đặc biệt là các biến chủng mới, cần tăng cường khả năng tiếp cận vắc-xin, nhất là của các nước đang phát triển. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và đánh giá cao vai trò của Chương trình COVAX, cảm ơn nhiều nước đã chia sẻ, hỗ trợ vắc- xin cho Việt Nam.

“Tôi kêu gọi COVAX và các nước có năng lực đẩy mạnh nỗ lực cung ứng vắc-xin cho các nước đang phát triển, để ít nhất 70% dân số các nước này được tiêm chủng sớm nhất có thể và hy vọng đạt được mục tiêu này trước kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm sau”- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chủ tịch nước thông báo, Việt Nam đang triển khai chương trình tiêm phòng Covid-19 cho mọi người dân trên 18 tuổi. Đồng thời, để ủng hộ tiếp cận công bằng vắc-xin, Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD cho COVAX và sẽ xem xét tiếp tục đóng góp cho COVAX trong thời gian tới.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã thành lập Quỹ Ứng phó Covid-19 vào năm 2020 và mới đây đã quyết định sử dụng 10,5 triệu USD từ quỹ này để mua vắc-xin cho các nước thành viên.

“Đại dịch Covid-19 là thách thức to lớn hiếm có trong lịch sử loài người, đòi hỏi những hành động và nỗ lực hợp tác sâu rộng và chặt chẽ trên toàn cầu. Tôi tin rằng, sát cánh bên nhau, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, cuộc sống người dân và xây dựng lại tốt hơn”- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Mai Lâm

Mai Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam