Chi tiêu cho thực phẩm ở châu Á có thể tăng gấp đôi vào năm 2030

16:19 | 23/09/2021 Print
Theo một báo cáo chung mới đây của PwC, Rabobank và Temasek, người tiêu dùng châu Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi chi tiêu cho thực phẩm vào năm 2030, mở ra cơ hội “vàng” cho các nhà đầu tư trong việc đưa ra các lựa chọn thực phẩm lành mạnh và bền vững hơn.

thực phẩm

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Sơn Đông (Trung Quốc).

“Báo cáo về Thách thức đối với Thực phẩm châu Á 2021” cho hay, chi tiêu cho thực phẩm trong khu vực này sẽ đạt hơn 8.000 tỷ USD vào đầu thập kỷ tới, tăng từ mức 4.000 tỷ USD vào năm 2019, trở thành thị trường thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới.

Phần lớn nhu cầu đó đến từ việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong một khu vực ngày càng có ý thức về chăm sóc sức khỏe, hiểu biết về kỹ thuật số, cũng như việc dân số đang gia tăng nhanh chóng. Đến năm 2030, châu Á dự kiến sẽ là nơi sinh sống của 4,5 tỷ người và 65% tầng lớp trung lưu trên thế giới.

Anuj Maheshwari, Giám đốc quản lý kinh doanh nông sản của Temasek, cho biết: “Người dân muốn thực phẩm lành mạnh hơn, an toàn hơn, họ đẩy mạnh mua hàng trực tuyến và sử dụng những thực phẩm có tính bền vững đối với môi trường”.

Ấn Độ và các nước Đông Nam Á được coi là những quốc gia có mức tăng chi tiêu cho thực phẩm lớn nhất, với tốc độ tăng trưởng hàng năm lần lượt là 5,3% và 4,7%. Tuy nhiên, nhìn chung Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn nhất của châu Á.

Đánh giá trên của báo cáo dựa trên cuộc khảo sát 3.600 người tiêu dùng trên 12 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, cũng như các cuộc trò chuyện với các giám đốc điều hành cấp cao trong lĩnh vực thực phẩm và phân tích hơn 3.000 công ty thực phẩm và đồ uống được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu cầu thực phẩm đã gây áp lực lên hệ sinh thái lương thực vốn đã rất mong manh tại châu Á, đang phải chịu tác động lớn kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Theo báo cáo trên, sẽ cần tới 1.550 tỷ USD vốn đầu tư trên toàn bộ chuỗi giá trị vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của khu vực. Điều đó đánh dấu mức tăng 750 tỷ USD từ khoản đầu tư được ước tính ban đầu là 800 tỷ USD trong báo cáo đầu tiên được công bố năm 2019.

Điều đó mang lại cơ hội thương mại đáng kể cho các nhà đầu tư. Cụ thể, báo cáo nêu rõ 6 “xu hướng quan trọng” trong việc tiêu thụ thực phẩm tại châu Á, bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, sản phẩm tươi sống, nguồn gốc an toàn và có thể truy xuất, tiêu dùng bền vững, protein thay thế và mua hàng trực tuyến. Theo ông Maheshwari, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần tập trung vào những xu hướng này.

Theo AgFunder, hoạt động đầu tư vào công nghệ nông nghiệp cũng đã tăng đáng kể kể từ năm 2014 tại châu Á, tăng 377% lên 30,5 tỷ USD./.

Theo Vietnam+

Theo Vietnam+

© Thời báo Tài chính Việt Nam