Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Đột phá phát triển kinh tế Thủ đô

16:21 | 23/09/2021 Print
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt là cơ hội hình thành nên diện mạo mới cho Thủ đô, điểm đến hấp dẫn cho người dân trong nước và du khách quốc tế. Đô thị ven sông Hồng có thể tạo nên các đột phá về phát triển kinh tế, xã hội..., cho thành phố và khu vực.

Hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng

Nêu quan điểm tại "Diễn đàn bất động sản trực tuyến: Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng", do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 23/9, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Trung ương Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, đô thị sông Hồng là đồ án quy hoạch rất quan trọng, khi được phê duyệt sẽ có tính pháp lý, là cơ sở lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất hai bên bờ sông…

Vì vậy, một quy hoạch chi tiết với thiết kế đô thị hiện đại, sáng tạo, thông minh và có bản sắc văn hóa cùng những chính sách phát triển minh bạch, tạo điều kiện trong đấu thầu sử dụng đất, trong đầu tư phát triển bất động sản, thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế...

diễn-đàn-bất-động-sản-Hấp-lực-mới-từ-chuỗi-đô-thị-ven-sông-Hồng
Toàn cảnh diễn đàn trực tuyến "Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng". Ảnh: PV

Ông Hoàng Đình Khiêm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và phát triển địa ốc Vietstarland, cũng cho rằng trong quy hoạch đô thị sông Hồng, yếu tố nền tảng cốt lõi vững chắc nhất chính là hạ tầng giao thông. Theo quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ có 10 cây cầu được xây mới và bổ sung qua sông Hồng, trong đó cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được triển khai sẽ mở thêm 4 làn lưu thông, tăng gấp đôi lưu lượng giao thông; cầu Trần Hưng Đạo nối từ quận Long Biên sang trung tâm Hoàn Kiếm cũng vừa được phê duyệt phương án thiết kế.

Kết hợp với nút giao thông Cổ Linh hiện đại đã thông tuyến với 4 tầng xe chạy, 6 đường dẫn kết nối thuận lợi các tuyến lưu thông huyết mạch vành đai 3, Cổ Linh, cầu Thanh Trì, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, khơi thông việc di chuyển vào nội đô, góp phần giảm thiểu ùn tắc và góp phần phát triển kinh tế xã hội. Khi hạ tầng khu vực bứt phá mạnh mẽ thì giá trị bất động sản (BĐS) cũng liên tục được tăng trưởng theo từng năm.

Theo TSKH. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, với sự nghiên cứu khá kỹ lưỡng, tổng hợp đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng kỳ vọng sẽ xây dựng được một Thủ đô an toàn với lũ lụt, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, sông Hồng sẽ trở thành trục không gian cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử là trục trung tâm của Thủ đô với các khu dân cư ổn định có cuộc sống với chất lượng cao đồng bộ kết cấu hạ tầng với nhà ở, công trình công cộng bền vững.

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy thu hút đầu tư

Phân tích ở khía cạnh thị trường, ông Hoàng Đình Khiêm đánh giá, khi dịch bệnh ập đến cũng khiến tư duy người mua nhà thay đổi rất nhiều. Thứ nhất, đối với khách hàng mua nhà để ở. Trước đây, khi muốn mua một căn hộ điều đầu tiên họ quan tâm là vị trí cách bao xa so với trung tâm, mua càng gần trung tâm càng tốt.

Nhưng khi dịch ập đến, họ quan tâm nhiều đến các rủi ro, nhất là rủi ro về sức khỏe, cộng thêm thời gian giãn cách kéo dài, đồng nghĩa với việc phải ở nhà nhiều hơn, có khi là 24/24, họ nhận ra cuộc sống tại khu vực trung tâm đông đúc trở nên bí bách tù túng và họ cần một không gian sống rộng hơn, xanh hơn, đầy đủ tiện ích hơn để có thể nghỉ dưỡng, tận hưởng cuộc sống ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Lúc này người mua nhà có xu hướng dịch chuyển ra các khu đô thị vùng ven đô, họ chấp nhận đi xa hơn một chút để được sống tại nơi có không gian sống trong lành, đầy đủ tiện nghi.

quy-hoạch-phân-khu-đô-thị-sông-hồng.jpg
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được kỳ vọng sẽ tạo đột phá phát triển kinh tế Thủ đô và vùng lân cận. Ảnh: TL

Trên thực tế tại các khu vực ven đô, nằm quanh bán kính trung tâm Hà Nội khoảng 5 - 15km, nhất là khu Đông Hà Nội – nơi có quỹ đất lớn, có thế mạnh về cảnh quan, về hệ sinh thái, đã và đang hiện hữu các khu đô thị lớn, được thiết kế như những khu nghỉ dưỡng, với mật độ cây xanh và mặt nước khổng lồ, không gian yên bình giữa thiên nhiên, mật độ cư dân thấp là sự lựa chọn số một giữa mùa Covid-19.

Thứ hai, đối với các nhà đầu tư: Nếu như trước dịch, các nhà đầu tư Hà Nội có xu hướng "đánh bắt xa bờ", chuộng dòng BĐS nghỉ dưỡng tại các thành phố du lịch thì khi dịch bệnh ập đến, họ nhận ra rằng, các thị trường nghỉ dưỡng truyền thống không còn là lựa chọn lý tưởng nhất vào thời điểm này bởi không ai biết được dịch có thể quay lại vào lúc nào, trong khi con người thì luôn có nhu cầu tận hưởng, thư giãn, giải trí.

Ông Khiêm đánh giá, thị trường BĐS sẽ như một chiếc lò xo bật tung sau mùa dịch bởi rất nhiều tác động khách quan. Bởi nhìn về bối cảnh chung của nền kinh tế có thể thấy vàng, chứng khoán, ngoại tệ, hay là gửi tiết kiệm đã không còn là những kênh đầu tư hấp dẫn nữa. Bằng chứng là chứng khoán tăng giảm thất thường, rất khó đoán định; lãi suất huy động tiết kiệm cũng giảm thêm 0,1 - 0,2%. Trong khi đó, BĐS chỉ có 2 xu hướng hoặc đứng yên, hoặc tăng giá, nhất là trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, sắt thép vẫn không có dấu hiệu dừng lại thì xu hướng tăng giá là tất yếu.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kỳ vọng: "Với việc TP. Hà Nội đang rất quyết tâm đẩy nhanh việc lập, phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tôi rất tin tưởng một khi được công bố, quy hoạch này sẽ là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư; tiến tới hình thành chuỗi đô thị hiện đại, bền vững, để Hà Nội sẽ sớm có tên trong danh sách những thành phố ven sông đáng sống nhất khu vực và cả trên thế giới."/.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam