Hỗ trợ doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19: Chính sách thực hiện đồng bộ mới tạo ra “sức bật”

19:42 | 23/09/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Nói về gói giải pháp hỗ trợ tổng thể lớn nhất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo Nghị quyết số 105/NQ-CP, TS. Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Vietnam cho rằng, điều quan trọng nhất là các biện pháp đó phải đồng bộ với nhau và thực hiện đồng bộ, đảm bảo hiệu quả.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP với nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP với nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước phải được thực hiện hiệu quả nhất
PV: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Đây có thể gọi là gói hỗ trợ tổng lực giúp doanh nghiệp hồi sinh. Ông đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ này?

TS. Lê Duy Bình
TS. Lê Duy Bình
TS. Lê Duy Bình: Gói hỗ trợ đó đã đưa những giải pháp là mối quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN và chuyên gia đã băn khoăn trong thời gian qua. Để giải quyết vấn đề này có rất nhiều phần việc của các bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính.

Tôi cho rằng, nếu thực hiện được theo nghị quyết này, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN, tuy nhiên điều quan trọng nhất là phải được thực hiện đồng bộ mới mang lại hiệu quả cao nhất.

Đối với Bộ Tài chính, những giải pháp phải được tháo gỡ đồng thời với các giải pháp của các bộ, ngành khác. Ví dụ như việc giãn, hoãn nộp thuế, giảm tiền thuê đất để củng cố, hỗ trợ thêm luồng tiền của DN, sẽ cùng với các giải pháp giảm bớt tiền đóng bảo bảo hiểm xã hội, giảm tiền công đoàn phí của các bộ, ngành khác; nâng cao khả năng thanh khoản, tháo gỡ những khó khăn về thanh khoản cho DN hiện nay.

Nhưng quan trọng hơn nữa là các giải pháp tạo không gian phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy lưu thông hàng hóa của các bộ, ngành khác nữa. Theo tôi, nếu không được thực hiện đồng bộ như vậy sẽ không tháo gỡ được những khó khăn hiện nay, mà chỉ là “giảm đau” nhất thời.

Điều quan trọng nhất đối với DN là phải khôi phục được sản xuất, phải tiếp cận trở lại thị trường một cách bình thường.

Như nhóm giải pháp đầu tiên đó là: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Phần việc này có nhiều nội dung Bộ Y tế phải chủ trì thực hiện, tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất quan trọng, rồi đến các giải pháp về lưu thông hàng hóa… Nếu như chúng ta không thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng một lúc mà vẫn khó khăn như lúc này, thì dù có hỗ trợ bao nhiêu cũng không đủ.

Cho nên tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là các biện pháp đó phải đồng bộ với nhau và thực hiện đồng bộ. Nếu cứ giãn cách mà không có biện pháp hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa thì sẽ không đảm bảo được nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước được sử dụng một cách hiệu quả nhất, sẽ lãng phí các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước hiện nay.

Như giãn, hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, giảm tiền điện, là hỗ trợ dù còn ở mức độ nào đó, nhưng nếu không hỗ trợ giúp DN tự đứng lên trên đôi chân của mình một cách nhanh chóng thì sẽ lãng phí vô cùng.

Tháo gỡ cho doanh nghiệp không chỉ trông chờ biện pháp về tài chính

PV: Như ông vừa chia sẻ thì đúng là Nhà nước - người dân và DN phải vừa cùng chung tay chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế. Mọi sự hỗ trợ không thể thực hiện trong thời gian dài vì nguồn lực của Nhà nước cũng có hạn. Nếu nhìn ở khía cạnh này, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

TS. Lê Duy Bình: Theo tôi trong phạm vi quy định của pháp luật, cũng như nguồn lực cho phép, nếu thực hiện đầy đủ, rốt ráo các biện pháp hiện nay thì chúng ta cũng đã chạm đến ngưỡng rồi, không thể đi quá xa được nữa. Những gói miễn giảm liên quan đến chính sách thuế, tôi cho rằng cũng đã chạm đến ngưỡng và chúng ta không nên vượt qua, vì nó sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề như quy định về kỷ luật ngân sách, quy định về sử dụng các quỹ khác nhau.

Ngân sách là tiền thuế của dân, nên sử dụng từng đồng ngân sách phải có sự công bằng và minh bạch cho tất cả các đối tượng trong xã hội. Việc hỗ trợ là rất cần thiết cho các DN và hộ kinh doanh, nhưng hỗ trợ phải đồng bộ các giải pháp để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất.

Những gói giải pháp về tài khóa đã thực hiện ở mức độ cao nhất, nên chúng ta phải nghĩ đến các giải pháp khác khác để hỗ trợ, chứ không chỉ trông chờ biện pháp về tài chính.

Tôi cho rằng, ngoài các giải pháp về tài khóa, tiền tệ, cần có biện pháp tháo gỡ về mặt thể chế, về thủ tục hành chính, những quy định về phòng chống dịch phù hợp tương xứng với rủi ro về dịch bệnh. Bởi nếu sử dụng các biện pháp quá mức cần thiết sẽ bóp nghẹt sản xuất, so với rủi ro về dịch bệnh thì cũng ảnh hưởng không kém. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, không tạo thêm chi phí bất hợp lý cho DN.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, những giải pháp đã, đang và sẽ thực hiện của Chính phủ giúp DN giảm nhẹ khó khăn trước mắt và tạm thời về thanh khoản. Đó cũng là động viên rất lớn về mặt tinh thần cho DN, giúp DN quay trở lại sản xuất kinh doanh bình thường và hỗ trợ DN vượt qua khó khăn như thế này cũng là rất đáng quý.

Ổn định kinh tế vĩ mô sẽ đặt nền tảng tốt cho năm 2022

PV: Vậy trên cơ sở tình hình như hiện tại, ông dự báo thế nào về tăng trưởng của kinh tế nước ta trong năm nay?

TS. Lê Duy Bình: Tôi chưa có cơ sở chắc chắn để đưa ra một con số cho tăng trưởng kinh tế năm nay, nhưng với tình hình hiện nay, việc đạt mục tiêu tăng trưởng như chúng ta đề ra chắc càng ngày càng xa.

Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta năm nay không phải là mục tiêu tăng trưởng, mà là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, ví dụ như: tỷ lệ lạm phát, thâm hụt ngân sách, chỉ số thâm hụt thương mại, dự trữ ngoại tệ và các chỉ số lớn của nền kinh tế nói chung. Năm nay chúng ta vẫn đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là những người lao động bị thôi việc, mất việc. Đó là mục tiêu rất lớn và quan trọng nhất, tìm kiếm ra được mô hình và các kịch bản khác nhau và cách mà chúng ta thích ứng một cách chủ động.

Đồng thời, đề ra được biện pháp khôi phục sản xuất, chung sống hòa bình với virut trong năm nay và có mô hình vừa chống dịch, vừa sản xuất vừa lưu thông hàng hóa an toàn và duy trì hoạt động bình thường của nền kinh tế trong các tháng cuối năm này, tạo tiền đề cho năm 2022.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành tại nhiều quốc gia, cũng như tại Việt Nam thì mục tiêu tăng trưởng năm nay, kỳ vọng là nếu chúng ta thực hiện được sớm thì mục tiêu tăng trưởng có thể đạt cao hơn năm ngoái, tuy không cao như Quốc hội đề ra, Chính phủ đặt mục tiêu, nhưng sẽ cao hơn năm ngoái và đặt nền tảng tốt cho năm 2022.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hỗ trợ tốt nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bình thường


Theo ông Lê Duy Bình, doanh nghiệp (DN) là nền tảng cho sự thịnh vượng của quốc gia. Do vậy, việc hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối diện một thực tế là Nhà nước không thể có đủ nguồn lực để hỗ trợ tài chính cho toàn bộ hay để cứu các DN. Từ góc độ thị trường, DN cũng không nên yêu cầu và luôn trông chờ vào hỗ trợ về tài chính của Nhà nước. Với tinh thần doanh nhân là dám làm, dám chịu trách nhiệm, không trông chờ vào sự hỗ trợ tài chính hay giải cứu, DN có thể tìm ra giải pháp đúng nhất cho hoàn cảnh của mình. Và cuối cùng, cách hỗ trợ tốt nhất là tìm kiếm và triển khai tất cả các cơ hội, không gian và dư địa có thể để trả lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của DN.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Minh Anh (thực hiện)

Minh Anh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam