An toàn nợ công không phải là rủi ro đáng ngại trong năm 2021

11:37 | 24/09/2021 Print
(TBTCVN) - Trả lời câu hỏi của phóng viên TBTCVN xung quanh vấn đề an toàn nợ công năm 2021 trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, an toàn nợ công không phải là rủi ro đáng lo ngại trong năm 2021 này.

Nguồn: Bộ Tài chính      Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Nợ công của Việt Nam đang được quản lý một cách hiệu quả

Theo ông Andrew Jeffries, nợ công của Việt Nam hiện vẫn dưới ngưỡng trần 65% GDP mà Quốc hội đề ra. Năm 2016, trần nợ công cũng xấp xỉ mức này và Chính phủ Việt Nam đã đưa ra rất nhiều giải pháp khắc phục, giảm được trần nợ công. Hiện tại có thể thấy rằng, nợ công của Việt Nam đang được quản lý một cách hiệu quả. Tỷ lệ chi trả nghĩa vụ nợ trên thu ngân sách đang tăng nhanh và đã vượt ngưỡng 25% thu ngân sách vào năm 2020, tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang ở tình trạng tốt hơn nhiều so với rất nhiều quốc gia trong khu vực liên quan đến nợ công/GDP. “Bởi vì Việt Nam có chính sách quản lý thận trọng đối với các khoản nợ công cho nên chúng tôi không cho rằng đây sẽ là một rủi ro lớn trong năm nay” - ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Việt Nam phân tích, đúng là hiện giờ tỷ lệ chi trả nợ công của Việt Nam đã tiệm cận và vượt mức trần 25% của xuất nhập khẩu, nhưng chúng ta cần nhìn theo cả hai chiều trong vấn đề này. Nếu chỉ nhìn đơn giản vào mức trần trả nợ này thì nó đáng lo ngại nhưng cần phải nhìn vào tiềm năng, tức là nhìn vào toàn bộ nền kinh tế. Đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, cần phải duy trì những chỉ số an toàn vĩ mô nhưng không nên nhìn hạn hẹp quá vào các chỉ tiêu về trần nợ công, chỉ tiêu về trả nợ mà ràng buộc tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Theo ông Cường nhìn vào tổng thể bức tranh của nền kinh tế Việt Nam có thể thấy, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam rất cao. Tiềm năng tăng trưởng cao thì khả năng trả nợ cũng sẽ cao. Để có tiềm năng tăng trưởng cao cần phải có đầu tư, để có đầu tư thì phải huy động vốn, trong đó có vốn vay. “Vốn vay sẽ làm tăng trần nợ công nhưng đối với nền kinh tế như Việt Nam thì khả năng trả nợ sẽ rất mạnh”- ông Nguyễn Minh Cường nhận định.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng đưa ra ví dụ, Thái Lan cách đây khoảng 2 - 3 ngày đã nâng mức trần nợ công từ 60% lên 70% GDP để bảo đảm cho huy động vốn của nền kinh tế, đảm bảo quá trình phục hồi. Trong khi đó nếu như nhìn vào mức trần nợ công của Việt Nam thì với mức độ điều chỉnh GDP hiện nay, thực tế mức nợ công đã giảm. Tất nhiên tỷ lệ chi trả nghĩa vụ nợ của Việt Nam vẫn tiệm cận và vượt mức 25%, nhưng cần phải nhìn vấn đề trong bối cảnh tổng thể của toàn bộ nền kinh tế, nhu cầu vốn của nền kinh tế đặc biệt là khi phục hồi để không bị bó hẹp trong một số chỉ tiêu nhất định.

Việt Nam có vị thế mạnh mẽ trong huy động thêm nguồn vay

Bình luận về việc Bộ Tài chính cho biết, hiện tại phần ngân sách trung ương dự phòng năm 2021 đã hết, ông Andrew Jeffries cho rằng, thông tin Bộ Tài chính đưa ra mang tính chất cảnh báo. Toàn bộ ngân sách Việt Nam không phải là bị hạn hẹp hay đã hết, mà thực ra đây chỉ là nguồn ngân sách dự phòng (phần mà sẽ thực hiện chi cho các hoạt động bất ngờ) đã hết. “Khi nguồn ngân sách dự phòng đã hết thì không có nghĩa là toàn bộ ngân sách của Chính phủ đã hết hay cạn kiệt. Nguồn ngân sách dự phòng này có thể được tái phân bổ từ các dòng ngân sách khác của Chính phủ để thực hiện cho các mục tiêu trước mắt nếu cần thiết” - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Thêm ý kiến xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Minh Cường phân tích, theo báo cáo công khai ngân sách của Bộ Tài chính thì thu ngân sách trong 8 tháng của năm 2021 vẫn đạt khá. Chi tiêu công cũng giảm nên thực tế ngân sách vẫn thặng dư tương đương 1,3% GDP trong 8 tháng đầu năm. Dự phòng đã dùng hết thì sẽ có chuyển nguồn và nhìn tổng thể thì ngân sách vẫn thặng dư. Tuy nhiên, áp lực lên ngân sách vào tháng 8 này đã tăng mạnh và áp lực này có thể sẽ tiếp tục tăng trong những tháng sau do tác động của dịch bệnh khiến nguồn thu giảm sút và chi cho dịch bệnh tăng lên. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có các giải pháp huy động thêm nguồn vốn cho nền kinh tế. Theo ông Nguyễn Minh Cường, để tăng cường thêm ngân sách và huy động thêm nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi kinh tế thì không nên bó buộc quá vào các chỉ tiêu của nợ công.

Về việc Chính phủ sẽ cần phải huy động thêm nguồn lực để đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi, ông Andrew Jeffries nhận định, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đang ở mức thấp là một vị thế mạnh mẽ để Việt Nam có thể huy động thêm nguồn vay từ các đối tác phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có thể huy động được vốn vay thông qua việc phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ trong nước mà không cần thiết phải vay ngoại tệ mạnh và điều này là rất khả thi.

Triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn khá lạc quan


Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADB) 2021, ADB dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ ​​đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022. Dù hạ dự báo tăng trưởng so với mức dự báo 6,7% vào cuối năm 2020, ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam