Phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách: Cần liên kết thành một thực thể kinh tế

21:19 | 25/09/2021 Print
Chuỗi cá tra đang bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19. Vì vậy, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác chặt chẽ và xây dựng lại chiến lược phát triển bền vững cho ngành hàng cá tra.

ca tra

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Đồng Tháp. Ảnh: Khánh Linh

Chiều ngày 25/9/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến "Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách". Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.

Gần 40% cơ sở ngừng sản xuất

Theo ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, do thực hiện giãn cách xã hội, đến đầu tháng 9/2021 đã có 176/449 cơ sở sản xuất, chế biến cá tra ngừng sản xuất chiếm tỷ lệ 39,2%, do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện 3 tại chỗ. Hiện có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động, chiếm tỷ lệ 49%, số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%.

Hơn nữa, thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30 - 40% so với trước khi giãn cách toàn vùng. Điều này cũng dẫn đến việc giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết, từ đó khiến dư thừa nguyên liệu, cả chuỗi cá tra cũng bị ảnh hưởng...

Không những vậy, việc khó di chuyển và những yêu cầu chặt chẽ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 khiến nhiều lao động ngành hàng cá tra không thể hoạt động.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, doanh nghiệp muốn đưa con cá về nhà máy chế biến thì phải đi qua nhiều bước, như thu hoạch thì cần phải có lực lượng lao động có tay nghề. Tuy nhiên, nếu có sự quản lý khác nhau (giữa các chốt) thì rất khó cho lực lượng này. Công nhân còn phải thực hiện test nhanh, thu hoạch xong muốn về thì phải cách ly 14 ngày... làm chậm tiến độc và ách tắc sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, cũng cho hay: “Về việc tiêm vắc-xin tại các địa phương áp dụng không thống nhất, đôi khi gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp. Vì thế, cần phân bổ ưu tiên để tiêm ngừa cho người lao động trong chuỗi cá tra để công nhân có thể vào nhà máy, người vận chuyển cá được di chuyển, người nuôi được ra đồng".

Ở góc độ địa phương, ông Trịnh Công Minh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang chia sẻ, tại tỉnh này, từ tháng 8 có trên 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, chỉ còn 4 doanh nghiệp hoạt động theo phương án 3 tại chỗ, với công suất chỉ đạt khoảng 50%. Ông Trịnh Công Minh đề nghị Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh cho doanh nghiệp trong tình hình mới, nhằm duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả và an toàn.

Ngành hàng cá tra cần phải liên kết thành một thực thể kinh tế

Trước những vướng mắc, khó khăn của địa phương và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đề nghị Bộ Y tế cần sớm đưa ra kịch bản hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Bộ trưởng cũng cho rằng, đây cũng là dịp 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thử nghiệm liên kết vùng theo Nghị quyết 120, mở rộng phát triển không gian kinh tế vùng. Đối với chuỗi ngành hàng cá tra cần phải liên kết thành một thực thể kinh tế.

"Các tỉnh ĐBSCL cần xây dựng lại chiến lược phát triển cho con cá tra dài hơi. Thủ tướng cũng đang rất trăn trở về vấn đề này, kể cả việc ách tắc trong chuỗi sản xuất” - Bộ trưởng nêu rõ.

Phía Bộ NN&PTNT sẽ tạm thời giữ vai trò kết nối để tạo thành một thực thể và phải phục hồi kinh tế trong điều kiện đại dịch nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp phải hợp tác hết sức chặt chẽ để cùng nhau vượt qua dịch bệnh và đưa con cá tra đi xa.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế sẽ tham gia tháo gỡ vướng mắc của Bộ NN&PTNT. Bộ Y tế đang xây dựng các hướng dẫn mới để đảm bảo sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”, với phiên bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch… Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh ĐBSCL phân định “vùng đỏ” nhỏ hơn để mở cửa sản xuất.

"Bộ Y tế cũng đề xuất không nên áp dụng tiêu chí phân định “vùng đỏ” cho địa bàn tỉnh, huyện, xã, mà đưa xuống đơn vị dân cư, đơn vị hành chính nhỏ hơn để mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ” và dễ kiểm soát dịch. Các tỉnh cần tích cực xác định vùng nguy cơ một cách linh hoạt để sớm trở về trạng thái “bình thường mới” nhằm mở cửa phát triển kinh tế theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế" - ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam