Bình tĩnh chống dịch lâu dài, từng bước mở cửa nền kinh tế

15:28 | 26/09/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Với những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong kiểm soát dịch bệnh, TS.Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải “bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”, từng bước mở cửa, phục hồi nền kinh tế.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn chưa từng có đối với sản xuất kinh doanh

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn chưa từng có đối với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm 2021 đã qua 3/4 thời gian với diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường gây hậu quả nặng nề đến tình hình kinh tế - xã hội. Với những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong kiểm soát dịch bệnh, TS.Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải “bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”, từng bước mở cửa, phục hồi nền kinh tế.

Vẫn có điểm sáng tích cực trong “bức tranh” nhiều mảng tối

PV: Quý III/2021 đã gần kết thúc, với tình hình dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn vừa qua, ông đáng giá thế nào về kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 9 cũng như quý III?

TS. Nguyễn Đình Cung: Khi dịch bệnh lây lan nhanh và khó lường từ quý II và kéo dài cả quý III, hàng loạt địa phương, trong đó có các vùng trọng điểm kinh tế đã phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Tình hình trên đã gây ra những khó khăn chưa từng có đối với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là ở các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và 16+.

TS. Nguyễn Đình Cung
TS. Nguyễn Đình Cung

Do vậy, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 chắc chắn vẫn chưa được cải thiện và có thể còn tiếp tục xấu thêm so với tháng 8. Có thể kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý III sẽ ở mức thấp nhất trong năm và trong cả hàng chục năm trở lại đây.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng tích cực trong bối cảnh này. Vắc-xin tuy đang rất khan hiếm, nhưng chiến dịch ngoại giao vắc-xin của Chính phủ đã khá thành công, việc tiêm chủng đang được đẩy nhanh. Từ năm 2022, Việt Nam có thể chủ động được về nguồn cung vắc-xin.

Cùng với đó, dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Nhiều kinh nghiệm và bài học tốt về chống dịch đã được đúc kết. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ đang dần mở cửa lại. Dịch bệnh lây lan mạnh chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh xung quanh. Vì vậy, khi phủ kín vắc-xin ở miền Đông Nam bộ, Hà Nội, các hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được mở cửa lại, thì sản xuất và đời sống ở các địa phương khác có thể trở lại bình thường trong điều kiện bình thường mới.

Một điểm tích cực nữa là các chính sách và chương trình của Chính phủ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống chọi và vượt qua đại dịch được đưa ra kịp thời và có hiệu lực hơn trước.

PV: Với tình hình như vậy, ông đánh giá thế nào về những tháng cuối năm và bức tranh kinh tế cả năm nay sẽ ra sao?

TS. Nguyễn Đình Cung: Mặc dù đã có những điểm sáng nhưng những khó khăn và thiệt hại mà dịch bệnh gây ra vẫn còn tiếp tục và khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn. Chính sách hỗ trợ tuy có hiệu lực hơn nhưng có lẽ vẫn quá nhỏ so với tổn thất của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động nghèo và lao động phi chính thức. Bên cạnh những thiệt hại về y tế do đại dịch gây ra, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch một cách bất cập, máy móc là nguyên nhân khiến nền kinh tế chịu những thiệt hại không đáng có.

Do vậy, nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 có thể không đạt được. Các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước đều đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2021. Khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ có thể không có tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm trong năm nay. Với hơn 2 tháng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, tăng trưởng của Hà Nội trong quý III dự kiến giảm 0,8% - 0,98%, dự báo tăng trưởng cả năm đạt 3,97 - 4,54%, thấp hơn nhiều mục tiêu kế hoạch là 7,5 – 8%. Với các đầu tàu kinh tế bị ảnh hưởng hưởng như vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước năm nay có thể chỉ đạt mức thấp 2 - 3%.

Mức tăng trưởng này là thấp so với mức bình quân chung của thế giới, và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển. Điều này có nghĩa là đại dịch Covid-19 đang làm chúng ta tụt lại xa hơn.

Nên có một chương trình phục hồi, thúc đẩy kinh tế toàn diện

PV: Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo xây dựng kế hoạch, kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới. Ông có đề xuất gì cho việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch này?

TS. Nguyễn Đình Cung: Với những khó khăn, tổn thất lớn chưa từng có tiền lệ đó, nền kinh tế cần chương trình phục hồi kinh tế toàn diện ở tầm quốc gia với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Quốc hội và Chính phủ. Các chính sách, giải pháp đề ra phải mạnh mẽ, khác biệt so với những nội dung đã xây dựng trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 vì tình hình đã thay đổi.

Đặc biệt, thời gian để phục hồi kinh tế không thể quá ba năm, như vậy mới có thể tạo dựng nền tảng quan trọng cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và giai đoạn 5 năm tiếp theo. Nếu không có một chương trình phục hồi, thúc đẩy kinh tế một cách toàn diện, thì phục hồi sẽ rất chậm và chúng ta rất có thể tụt hậu xa hơn.

Nguồn: Cục Thống kê TP. Hà Nội. Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Cục Thống kê TP. Hà Nội. Đồ họa: Hồng Vân

Mục tiêu chương trình cần hướng tới là thúc đẩy phục hồi kinh tế, sinh kế của người dân và doanh nghiệp, sau đó thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, bốn trụ cột lớn theo thứ tự ưu tiên gồm: Từng bước mở cửa nền kinh tế; Phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng truyền thống và kinh tế số; Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi song song với khuyến khích đầu tư toàn xã hội; Tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

PV: Trước mắt, để kiểm soát dịch bệnh, từng bước mở cửa nền kinh tế thời gian tới, theo ông đâu là những giải pháp cần chú trọng?

TS. Nguyễn Đình Cung: Để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, từng bước mở cửa nền kinh tế thì hai điều quan trọng trước hết là liên tục tăng độ phủ vắc-xin và kiểm soát dịch bệnh theo các mức độ nguy cơ khác nhau, từ cao, trung bình, đến thấp. Chúng ta phải chấp nhận thực trạng vẫn có F0 trong cộng đồng. Lúc này, cần có một tâm thế "bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài", tránh cực đoan.

Về giải pháp thì trước hết cần đảm bảo nguồn cung vắc-xin và tiêm vắc-xin đại trà cho người dân, đến hết quý I/2022 đạt 70 - 80% dân số trên 18 tuổi tiêm đủ vắc-xin đúng như kế hoạch. Tuy nhiên, khi vắc-xin còn khan hiếm thì nên ưu tiên phân bố vaccine cho địa phương có nguy cao như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền đông Nam bộ, các thành phố, đô thị tập trung đông dân cư.

Xây dựng khung khổ, tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của dịch bệnh trên cở sở các dữ liệu khách quan, chính xác và cập nhật; qua đó, phân vùng thành các vùng nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao... Đồng thời xây dựng và áp dụng quy định tiêu chuẩn về tiêu chuẩn an toàn trong mở cửa vận tải hành khách quốc tế và tiêu chuẩn an toàn đối với sản xuất, kinh doanh và giao tiếp xã hội trong từng vùng (vùng xanh, vàng và đỏ), và đối với di chuyển (hành khách, hàng hóa) giữa các vùng. Nguyên tắc xuyên suốt ở đây là không đặt thêm các quy định xin cho, tạo thêm thủ tục hành chính.

Các bộ và các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ và quy mô áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước. Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, về an sinh xã hội…

PV: Xin cảm ơn ông!

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hoàng Yến (thực hiện)

Hoàng Yến (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam