Sắp có đối thoại trực tiếp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các hãng hàng không

12:28 | 27/09/2021 Print
Nếu không có gì thay đổi thì dự kiến trong Thứ 3 (28/9) tới, ngành Ngân hàng sẽ mời toàn bộ doanh nghiệp hàng không, các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực hàng không và các cơ quan bộ, ngành, hiệp hội có liên quan để có buổi đối thoại trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn.

Đây là thông tin được TS. Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại tọa đàm “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích”, do VnEconomy mới tổ chức.

Dòng tiền hoạt động của các hãng hàng không thiếu hụt nghiêm trọng

Tại tọa đàm ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết, hãng hàng không Vietravel Airlines ra đời năm 2020, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và Chính phủ lúc đó dự báo năm 2021 sẽ bắt đầu khôi phục trở lại được. Nhưng đến năm 2021, tình hình rất tệ, tất cả các hãng hàng không chỉ bay được đến tháng 5 là phải dừng cho đến bây giờ. Hàng trăm phi công, tiếp viên, máy bay,… tất cả nằm im trên đường băng gây ra tổn thất về tài chính vô cùng lớn.

TS. Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng thông tin, ngành hàng không là ngành có chi phí đầu tư lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận không cao. Với 2 hãng hàng không lớn (VietnamAirlines và Vietjet), thời điểm năm 2019, chi phí bình quân 1 ngày khoảng 396 tỷ đồng, chi phí bình quân 1 tháng khoảng gần 12.000 tỷ đồng. Năm 2020, chi phí bình quân 1 ngày khoảng 186 tỷ đồng, chi phí bình quân 1 tháng khoảng gần 5.500 tỷ đồng. Năm 2021, trong 6 tháng đầu năm, chi phí bình quân 1 ngày khoảng 77 tỷ đồng, chi phí bình quân 1 tháng khoảng gần 2.100 tỷ đồng. Nhu cầu về vốn của các hãng hàng không là rất cao. Trong khi đó, tình trạng máy bay phải nằm chờ tại sân bay kéo dài, khoảng 80-90% máy bay; chi phí thường xuyên bình quân trên 100 tỷ đồng/ngày.

“Nhu cầu về vốn để trả cho đối tác mua máy bay, đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo dưỡng, chi phí lương cho nhân viên, nợ ngắn hạn cũng như nợ phải trả của các hãng hàng không hiện nay vào khoảng 40.000 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của các hãng thiếu hụt nghiêm trọng” - ông Bùi Doãn Nề nhấn mạnh.

Ngân hàng sẽ họp bàn để hỗ trợ

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Bùi Doãn Nề cho biết thêm, những vấn đề, khó khăn mà Hiệp hội đã nêu ra cũng được các bộ, ngành quan tâm, đánh giá và cũng có chỉ đạo, nắm bắt thường xuyên. Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không, ông Bùi Doãn Nề cũng có kiến nghị tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không một khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu trung – dài hạn, hỗ trợ ngành hàng không phục hồi, bảo toàn được nguồn vốn, cân đối nguồn ngân sách, hỗ trợ việc thanh khoản.

“Về kiến nghị chính sách, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quan tâm đến thị trường để sớm phục hồi, sớm công nhận hộ chiếu vắc xin, từng bước khởi động lại đường bay quốc tế. Đối với đường bay nội địa, cho phép những người tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm nhưng âm tính được sớm đi lại, làm việc, tuân thủ 5K và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo an toàn về dịch bệnh vừa khởi động lại việc đi lại, hỗ trợ việc phát triển kinh tế” – ông Bùi Doãn Nề đề xuất.

Về chính sách nguồn vốn, ông Bùi Doãn Nề cho rằng, nên xem xét cho các hãng hàng không khác được hưởng lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines. Mục đích nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản tốt hơn. Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu, quy mô thị phần, đóng góp ngân sách trong thời gian qua của các hãng hàng không.

“Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không đã có đề xuất từ tháng 10/2020 là gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi về lãi suất cho các hãng hàng không. Mục đích giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị và thực hiện các chương trình, dự án bảo trì và duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh còn kéo dài” – ông Nề nói.

Đại diện Hiệp hội Hàng không cũng chia sẻ thêm, mặc dù có khó khăn nhưng các doanh nghiệp hàng không đã rất cố gắng để rà soát lại, cắt giảm chi phí, xoay sở với các đối tác để chia sẻ những khó khăn hiện nay. Phía ngân hàng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ.

“Chúng tôi nhận thấy cần những đề nghị chính sách rộng hơn như Quốc hội đã nêu gói hỗ trợ lãi suất như thời kỳ năm 2009 cho các doanh nghiệp. Đây là một trong những gói hỗ trợ hết sức cần thiết cho các doanh nghiệp bởi vì trong bối cảnh dịch bệnh, hàng không vẫn là điểm sáng đóng góp cho nền kinh tế, tham gia giải cứu, kích cầu du lịch. Khi thị trường ổn, có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thì chúng ta mới có điều kiện để thực hiện các gói kích cầu, thúc đẩy ngành du lịch, hàng không và tác động đến các ngành kinh tế chung. Trong khi đó, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là sẽ có khả năng hồi phục nhanh trong khu vực và trên thế giới” – ông Bùi Doãn Nề nói./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam